Yên Mô: Đa dạng hóa sinh kế để giảm nghèo bền vững
Với sự chủ động, bài bản trong việc thực hiện các dự án, tiểu dự án hỗ trợ giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, công tác giảm nghèo ở huyện Yên Mô đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trước đây, gia đình chị Phạm Thị Liễu, xóm Hàn Trên, xã Yên Đồng (huyện Yên Mô) là hộ cận nghèo. Một mình chị Liễu xoay sở đủ việc để nuôi các con ăn học, thành ra mục tiêu thoát khỏi danh sách cận nghèo mãi chưa thành hiện thực. Khi được tiếp cận với vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Liễu đã mạnh dạn đầu tư nuôi bò, ngan, chim bồ câu…
Chị Liễu chia sẻ: Thiếu vốn là nguyên nhân chủ yếu khiến gia đình tôi nằm trong diện cận nghèo. Khi được vay vốn, tiếp cận với những mô hình kinh tế phù hợp, được hướng dẫn và giúp đỡ trong quá trình triển khai mô hình từ ngành chức năng, điều kiện kinh tế của gia đình tôi đã được thay đổi. Hiện nay, các con nuôi đã mang lại cho tôi thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng mỗi năm, cuộc sống gia đình ổn định, tôi có thêm điều kiện nuôi con ăn học. Gia đình chị Liễu đã vươn lên trở thành hộ khá giả trong thôn.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2022-2025, huyện Yên Mô đã chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho người nghèo về y tế, nhà ở, giáo dục, hỗ trợ tiền điện, thăm, tặng quà…, đồng thời, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nhằm tạo sinh kế ổn định, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Cụ thể, từ đầu giai đoạn tới nay, huyện đã triển khai thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 236 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho 256 hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho 46 nghìn lượt hộ nghèo với tổng kinh phí thực hiện trên 2,5 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 44 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để phát triển sản xuất, xây dựng các công trình nước sạch… nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu, ổn định cuộc sống với tổng kinh phí thực hiện trên 447 tỷ đồng.
Hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 3.100 lượt học sinh nghèo với tổng kinh phí thực hiện gần 3 tỷ đồng; trên 13 nghìn lượt người nghèo, cận nghèo được cấp thẻ BHYT với tổng kinh phí hỗ trợ trên 11 tỷ đồng; gần 20 nghìn lượt người nghèo, cận nghèo được chi trả tiền khám, chữa bệnh với số tiền là trên 6,1 tỷ đồng; gần 130 nghìn lượt hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ mua thẻ BHYT với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 52,5 tỷ đồng…
Cùng với đó, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, bền vững, ngay từ đầu giai đoạn, các hội, đoàn thể của huyện tích cực chỉ đạo triển khai các phong trào thi đua như: Hội Nông dân phát động phong trào thi đua "Sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" và phong trào thi đua "Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể" hay Hội LHPN có chương trình "Phụ nữ giúp nhau phát triển sản xuất, giúp đỡ phụ nữ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững"... Bằng những việc làm thiết thực đó đã huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện cũng như các xã, thị trấn thường xuyên, tích cực vận động, huy động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ, giúp đỡ, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong các dịp Tết Nguyên đán, mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn đều được nhận ít nhất từ 2 suất quà Tết trở lên, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều có Tết đầm ấm, yêu thương.
Thông qua các cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội… tính liên kết cộng đồng chung tay thực hiện các chương trình giảm nghèo ngày càng cao và chặt chẽ thông qua việc giúp nhau làm kinh tế gia đình.
Đặc biệt, từ nguồn Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" của huyện, huyện đã trích kinh phí để thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ người nghèo, các đối tượng yếu thế như tặng quà dịp lễ, tết; hỗ trợ nhà ở; tặng học bổng cho học sinh nghèo; tặng nông cụ, con giống… để người nghèo vươn lên thoát nghèo, các đối tượng yếu thế cải thiện cuộc sống.
Ông Bùi Văn Vợi, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô khẳng định: Thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, nhất là các giải pháp về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã giúp người nghèo từng bước tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Kết quả, đã thực hiện vượt mục tiêu giảm nghèo của huyện đề ra (bình quân mỗi năm giảm 0,5% tỷ lệ hộ nghèo), hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm qua từng năm. Cuối năm 2021, toàn huyện có 1.327 hộ nghèo, chiếm 3,36%, 1.387 hộ cận nghèo, chiếm 3,51%; ước thực hiện đến cuối năm 2024, toàn huyện còn 711 hộ nghèo, chiếm 1,75%, 905 hộ cận nghèo, chiếm 2,23%.