Yên Mô tạo sức bật cho nông nghiệp hữu cơ

Một trong những khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Mô lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đó là 'Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và tập trung huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, thôn xóm nông thôn mới kiểu mẫu'. Để đạt được mục tiêu này, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, huyện Yên Mô đã có nhiều chính sách và triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích nông dân, HTX, doanh nghiệp đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Những kết quả đạt được đã từng bước hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, đưa Yên Mô trở thành 'thủ phủ' của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô thăm mô hình trồng nho hữu cơ trên địa bàn. Ảnh: Minh Quang

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô thăm mô hình trồng nho hữu cơ trên địa bàn. Ảnh: Minh Quang

"Quả ngọt" từ chính sách

Gia đình anh Nguyễn Văn Quyên, xã Yên Phong (huyện Yên Mô) có trên 9.000 m2 nhà màng trồng dưa vân lưới. Thời điểm này, dưa vân lưới của gia đình anh Quyên đang chuẩn bị tới kỳ thu hoạch. Anh Quyên phấn khởi bởi vụ này dưa đạt trọn vẹn yêu cầu về trọng lượng, độ vân đẹp và chất lượng quả ngọt sắc lại đúng vào thời điểm nhu cầu tiêu thụ ở thị trường tăng cao. Theo ước tính, vụ dưa lưới lần này sẽ mang lại cho gia đình anh Quyên nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất, anh Quyên lãi một nửa. So với sản xuất truyền thống, thì mức thu nhập này cao gấp nhiều lần.

Làm nông nghiệp lâu năm như anh Quyên, việc trồng trọt, chăn nuôi đã quá đỗi quen thuộc. Nhưng có ngày được sở hữu hàng nghìn m2 nhà màng để trồng các loại cây có giá trị, theo hướng ứng dụng công nghệ cao thì với người đàn ông ngoài 40 tuổi ấy, vẫn tựa như giấc mơ.

Anh Quyên kể: Với mong muốn đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa có giá trị, đáp ứng nhu cầu của thị trường, đầu năm 2022, tôi có ý định chuyển hướng sang sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đúng lúc này, UBND huyện Yên Mô triển khai Đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022-2025", anh đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Trên diện tích 5 ha đã đấu thầu, anh mạnh dạn quy hoạch và đầu tư xây dựng 2 nhà màng (mỗi nhà có diện tích 1.000m2 ) để trồng chuyên canh giống dưa mới đó là dưa vân lưới xanh, vàng, với hệ thống tưới tiết kiệm, điều khiển tưới nước, phân bón tự động trên điện thoại thông minh. Chi phí ban đầu cho 1 nhà màng có diện tích 1.000m2 là 750 triệu đồng. Trong đó, theo Đề án, ngân sách của huyện hỗ trợ là 40% chi phí lắp đặt nhà màng, tương đương 300 triệu đồng/nhà màng.

Cũng theo anh Quyên, công nghệ nhà màng giúp che chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên dưa lớn nhanh, quả có vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều, đặc biệt là người trồng hoàn toàn có thể chủ động được vụ trồng mà không phụ thuộc vào thời tiết như sản xuất truyền thống. Toàn bộ diện tích dưa vân lưới được gia đình anh Quyên sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ chăm sóc nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Theo nhẩm tính của anh Quyên, mỗi nhà màng 1.000m2 sẽ cho thu hoạch khoảng 3 tấn quả/vụ, với giá bán bình quân 40 nghìn đồng/kg, dự kiến doanh thu khoảng 110-120 triệu đồng/ vụ. Một vụ sản xuất dưa lưới kéo dài khoảng 70 ngày, 1 năm trồng 4 vụ và doanh thu cả năm ước đạt 440 triệu đồng/1.000 m2 . Hiện nay, ngoài trồng dưa lưới, anh Quyên còn mở rộng diện tích nhà màng, đưa vào trồng thử nghiệm cây nho sữa Hàn Quốc, dự kiến cho thu hoạch vào năm sau.

Mô hình trồng dưa vân lưới xanh, vàng của gia đình anh Quyên là một trong những mô hình đầu tiên trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao được UBND huyện Yên Mô hỗ trợ theo Đề án "Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025".

Việc triển khai thành công mô hình sẽ tạo ra bước đi đột phá trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất tại địa phương, tránh những yếu tố bất lợi do thời tiết, giúp tăng năng suất, chất lượng và sản lượng cây trồng, đặc biệt là tạo ra những sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hướng đi bền vững

Trong những năm qua, cùng với hệ thống chính sách của Trung ương, của tỉnh, huyện Yên Mô đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, năm 2022, HĐND huyện Yên Mô đã thông qua Nghị quyết số 04/NQHĐND về việc thông qua Đề án số 04/ĐA-UBND ngày 14/3/2022 về phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2022- 2025.

Thực hiện Đề án, huyện Yên Mô đã tập trung hỗ trợ 40% kinh phí xây dựng một số mô hình nhà màng, nhà lưới trồng dưa và rau sạch, chủ yếu ở các xã Yên Phong, Yên Từ, Mai Sơn; hỗ trợ 50% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 200 ha lúa sản xuất theo phương pháp hữu cơ; hỗ trợ 50% chi phí mua máy ép tách phân.

Từ khi triển khai thực hiện đến nay, đã có 6 hộ sản xuất được nhận hỗ trợ lắp đạt nhà màng cùng hệ thống tưới tiết kiệm có tổng diện tích 10 nghìn m2 , với mức hỗ trợ 300 triệu đồng/1.000m2 nhà màng. Các hộ sản xuất đều xây dựng thành công mô hình ứng dụng nhà màng trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao như dưa vân lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa Thái Kim...

Từ lực đẩy của chính sách đã tạo điều kiện để người dân tích cực triển khai và nhân rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Huyện Yên Mô đã hình thành được nhiều vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung. Đến nay, trên địa bàn huyện có 11 hộ gia đình làm nhà màng, hệ thống tưới tiết kiệm, với trên 26 nghìn m2 để trồng các loại cây có giá trị cao. Ước tính giá trị cây trồng đạt được từ 4-4,5 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn sản xuất truyền thống từ 20- 25 lần.

Đầu ra của các sản phẩm tiêu thụ thuận lợi ở trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng đã hình thành vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các xã Yên Phong, Yên Lâm, Yên Thái, Yên Mạc... Toàn huyện có 14 HTX nông nghiệp liên kết với 8 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để liên kết sản xuất từ 450-500 ha khoai tây, ngô ngọt, ớt, đậu tương rau... đảm bảo đầu ra ổn định, nhân dân yên tâm sản xuất.

Bà Lê Thị Linh, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô cho biết thêm: Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn giai đoạn 2022- 2025" đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện có 1.300 ha lúa trở lên được sản xuất theo hướng hữu cơ; 100 ha rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi được 1.000 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác mới; có từ 8-10 trang trại, 10-15 gia trại ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh môi trường.

Trong năm 2023 và các năm tiếp theo, huyện Yên Mô phấn đấu mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Đây là một nhiệm vụ khó, bởi trong tổng số 12 nghìn-13 nghìn ha lúa được gieo cấy hàng năm, bà con địa phương chủ yếu sản xuất theo phương thức truyền thống (canh tác vô cơ là chủ yếu). Với hình thức canh tác này, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhưng vì là thói quen lâu năm nên việc thay đổi không dễ.

Với chức năng là cơ quan chuyên môn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô sẽ phối hợp với các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con nông dân chuyển đổi sang hình thức sản xuất lúa theo hướng hữu cơ.

Nông dân Yên Mô đang đứng trước cơ hội tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế và bảo vệ môi trường sinh thái; đồng thời thực hiện tốt mục tiêu huyện đã đề ra về sản xuất nông nghiệp trong từng giai đoạn, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/yen-mo-tao-suc-bat-cho-nong-nghiep-huu-co/d2023091208174630.htm