Yên Sơn chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ổn định, những năm qua, huyện Yên Sơn đã quan tâm chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc. Nhờ đó, công tác giảm nghèo đạt hiệu quả tích cực, phong tục tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ, đời sống vật chất và tinh thần của bà con dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.
Yên Sơn có 12 xã đặc biệt khó khăn, 158 thôn đặc biệt khó khăn với 21 dân tộc thiểu số, chiếm 45,2% dân số. Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2014 - 2019, huyện được hỗ trợ trên 105 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông, công trình thủy lợi, nhà lớp học, nhà văn hóa… Đến nay, 100% các xã, thị trấn có đường đến trung tâm xã, trung tâm thôn và các công trình thiết yếu như: Trạm y tế, trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS. Chính sách hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 đã hỗ trợ 7.722 hộ về cây giống, con giống, hỗ trợ làm chuồng trại, mua máy móc thiết bị phát triển các mô hình sản xuất.
Xã Phú Thịnh là xã thuộc vùng 135 có 1/2 dân số là người dân tộc thiểu số với 4/6 thôn đặc biệt khó khăn. Ông Phạm Ngọc Chung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, từ nguồn vốn đầu tư Chương trình 135, xã đã có điều kiện phát triển hạ tầng cơ sở, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế. Trước đây, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135, xã được đầu tư con giống cho các hộ nuôi lợn nhưng hiệu quả kinh tế thấp do không phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Từ năm 2016 đến nay, tận dụng điều kiện đất đai với nhiều soi bãi, đất vườn, rừng, xã đã khuyến khích bà con chuyển đổi từ chăn nuôi gia cầm, gia súc nhỏ sang phát triển chăn nuôi đại gia súc. Nhờ đó, trong năm 2019, đã có 18 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư mua trâu, bò giống với tổng số tiền là 167 triệu đồng. Hiện toàn xã có 162 con trâu, 172 con bò, tập trung chủ yếu ở thôn Nghẹt, thôn Tình Quang… Bên cạnh đó, xã còn vận động các đoàn thể hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển kinh tế. Qua đó, giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã năm 2019 xuống còn 8,81%.
Bên cạnh hỗ trợ phát triển kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng từng bước được cải thiện. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã thực hiện cấp phát trên 519 nghìn báo, tạp chí, các ấn phẩm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Từ đó giúp đáp ứng nhu cầu về thông tin mọi mặt đời sống và nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy giáo Hoàng Văn Đáp, Hiệu trưởng trường THCS Kim Quan, xã Kim Quan cho biết, trường có 222 em học sinh với 8 lớp học, trong đó các em là dân tộc thiểu số chiếm 99,2%. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, vừa qua trường đã được cấp 200 bản sách, báo cho thư viện, bước đầu đáp ứng việc tìm hiểu thông tin qua sách, báo cho các em học sinh.
Cùng với đó, các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm chú trọng. Phong trào thể dục thể thao phát triển mạnh với 862 đội thể thao cơ sở. Hàng năm, các hội thi với các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, cà kheo, ném còn, đánh pao, đánh yến… được duy trì tổ chức. Theo ông Nguyễn Đắc Tiến, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị truyền thống dân tộc gắn liền với các lễ hội được duy trì hàng năm, như: Lễ hội Đình Giếng Tanh, lễ hội Đền Làng Là, lễ hội chùa Phật Lâm… Cùng với đó, các CLB giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên. Một số CLB hoạt động có hiệu quả như: CLB Sình ca Cao Lan xã Kim Phú, CLB đàn Tính hát Then xã Tân Long, CLB giữ gìn bản sắc dân tộc Dao xã Chân Sơn…
Trong thời gian tới, cùng với việc đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng, huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh, xã hội, chế độ, chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần giảm bớt khó khăn, giúp bà con dân tộc thiểu số tại địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống.