Yên Thế (Bắc Giang): 16 năm mới nhận được quyết định đình chỉ điều tra
Ngày 24/11/2003, Viện trưởng Viện KSND huyện Yên Thế đã có quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Nguyễn Hồng Kha về tội 'gây rối tật tự công cộng'. Vậy mà, 16 năm sau, cơ quan chức năng huyện Yên Thế mới trao trả quyết định cho bị can biết và cũng lờ luôn trách nhiệm bồi thường và xin lỗi người bị oan.
Không cấu thành tội phạm
Theo hồ sơ vụ án, ngày 21/01/2003, Trưởng công an huyện Yên Thế ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và quyết định khởi tố bị can để điều tra về tội “Gây rối trật tự công cộng” đối với Nguyễn Hồng Kha (SN 1966, trú tại Đội 6 Đề Thám, Nông trường Yên Thế) theo Điều 245 Bộ Luật hình sự. Sau đó, TAND huyện Yên Thế mở phiên tòa xét xử công khai, tuyên phạt bị cáo này 12 tháng tù giam về tội “gây rối trật tự công cộng”. Nguyễn Hồng Kha kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 60/HSPT, ngày 31/7/2003, của TAND tỉnh Bắc Giang thể hiện: sự việc xảy ra xô sát và đánh nhau sáng 2/10/2002 thì chỉ có bà Nguyễn Thị Luyến và ông Nguyễn Hồng Kha, ngoài ra không có ai tham gia, chứng kiến. Chỉ đến khi bà Luyến có kêu lên là bị Kha đánh thì vợ chồng anh Cam, chị Thắm mới chạy ra can ngăn và đôi bên chấm dứt sự việc. Thương tích của chị Luyến là có thật nhưng bị cáo cho rằng thương tích đó là do vợ chồng chị Luyến đánh nhau gây nên, nhưng cấp sơ thẩm không đề cập đến vấn đề này. Sự việc xảy ra không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Căn cứ vào việc bị cáo đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng (ngày 27/6/2002) cơ quan điều tra đã khởi tố và truy tố, xét xử bị cáo này. Yếu tố đã bị xử phạt hành chính là dấu hiệu cấu thành bắt buộc của tội danh, nhưng suốt trong quá trình điều tra, xét hỏi tại phiên tòa cấp sơ thẩm lại không đề cập gì đến việc bị cáo bị xử phạt hành chính trong trường hợp cụ thể như thế nào, đã nộp tiền phạt hay chưa và không có biên bản vi phạm hành chính. Mặt khác, trong lý lịch tư pháp của bị cáo Kha thể hiện thì Kha chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng và hành vi gây thiệt hại tài sản của người khác. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Kha không thừa nhận đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Tòa cấp phúc thẩm cho rằng, như vậy, chưa đủ cơ sở để khẳng định Kha đã bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Cần hủy án sơ thẩm về tội danh gây rối trật tự công cộng đối với bị cáo Kha và giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ giai đoạn đầu.
Tại Kết luận điều tra bổ sung số 31/KLĐT-BS ngày 21/10/2003, Công an huyện Yên Thế vẫn khẳng định hành vi xô sát giữa Nguyễn Hồng Kha và chị Nguyễn Thị Luyến xảy ra tại bãi vải thiều của nhà ông Nguyễn Văn Đạt ngày 2/10/2003 là có thật. Do đó, Công an huyện Yên Thế tiếp tục đề nghị Viện KSND huyện Yên Thế truy tố bị can Nguyễn Hồng Kha về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Sau quá trình xem xét hồ sơ vụ án, ngày 24/11/2003, Viện trưởng Viện KSND huyện Yên Thế đã có quyết định đình chỉ điều tra bị can Nguyễn Hồng Kha. Viện KSND huyện Yên Thế kết luận: Hành vi bị can Kha không cấu thành tội Gây rối trật tự công cộng. Theo đó, bị can được trả tự do ngay sau khi nhận được quyết định này. Viện KSND huyện Yên Thế yêu cầu cơ quan chủ quản hoặc UBND địa phương phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho bị can đã bị tạm đình chỉ trong suốt thời gian khởi tố.
Phủi trách nhiệm bồi thường
Theo ông Nguyễn Hồng Kha, sau 16 năm mang thân phận bị can chờ ngày bị đưa ra xét xử, đến ngày 3/6/2019 ông mới nhận được quyết định đình chỉ bị can (quyết định đình chỉ từ tháng 11/2003) từ ngành chức năng huyện Yên Thế. Lúc này ông mới biết có văn bản này. Ngay sau đó, ông Kha đã có đơn đề nghị TAND huyện Yên Thế giải quyết bồi thường và tổ chức xin lỗi công khai với ông.
Sau quá trình trao đổi, ngày 20/8/2019, TAND huyện Yên Thế có Thông báo số 94/2019/TB-TA trả lời ông Kha về việc không thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường. Theo đó, TAND huyện Yên Thế lý giải, căn cứ vào quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 388; phần I Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT -VKSNDTC-BCA-TANDTC-BTP-BQP-BTC ngày 25/3/2004; Khoản 3, Điều 27, Điều 66 Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước năm 2009; Khoản 6, Điều 18; Khoản 2 và Khoản 4, Điều 43 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017, TAND huyện Yên Thế không thụ lý yêu cầu bồi thường của ông Nguyễn Hồng Kha vì lý do “Yêu cầu bồi thường không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định tại Chương II của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước”.
Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Trịnh Tiến Đức cho rằng: Căn cứ mà TAND huyện Yên Thế đưa ra để không thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường của ông Nguyễn Hồng Kha là chưa hợp lý. Đối chiếu với Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2017, trường hợp đã truy tố ra tòa, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên án, Tòa phúc thẩm trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung và cơ quan Viện kiểm sát đã đình chỉ điều tra bị can thì trường hợp này phải bồi thường. “Nguyên tắc áp dụng Luật thì áp dụng Luật có hiệu lực thi hành vào thời điểm người bị thiệt hại nhận được văn bản đình chỉ điều tra làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Nếu quyết định đình chỉ trao cho ông Kha vào thời điểm đó (thời điểm tháng 11/2003) thì đúng là ông Kha sẽ không được bồi thường theo luật cũ. Sau khi Viện KSND huyện Yên Thế có quyết định đình chỉ điều tra bị can, đến nay đã 16 năm, ông Kha vẫn mang thân phận là bị can chờ ngày xét xử. Đến ngày 3/6/2019, cơ quan chức năng mới trao trả quyết định đình chỉ bị can thì ông Kha mới biết mình không còn là bị can nữa. Do đó, bây giờ phải bồi thường theo Luật hiện hành thời điểm năm 2019. Luật nào có hiệu lực thi hành vào thời điểm đó thì áp dụng luật ấy, không có đem luật cũ ra để xem xét, sử dụng”- Luật sư Đức khẳng định.