Yên Thế phát triển kinh tế mũi nhọn: Chăn nuôi gia cầm kết hợp trồng rừng

Khai thác lợi thế đất đai rộng, những năm qua huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng hàng hóa gắn với trồng rừng, chế biến gỗ, mang lại thu nhập cao cho người dân.

Khẳng định hiệu quả

Canh Nậu là một trong những xã điển hình phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi gà đồi. Với hơn 2,3 nghìn ha rừng, những năm qua tại xã đã hình thành nhiều mô hình kinh tế rừng, chăn nuôi hiệu quả.

Mô hình kinh tế rừng ở bản Bãi Danh, xã Đồng Hưu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Mô hình kinh tế rừng ở bản Bãi Danh, xã Đồng Hưu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, bản Đống Cao. Năm 1995, nhận thấy kinh tế rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa chống xói mòn đất nên gia đình anh mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng phủ xanh toàn bộ 2 ha đất trống bằng keo lai, bạch đàn kết hợp chăn thả gà đồi. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập 150-200 triệu đồng. Đây là khoản thu đáng kể giúp cải thiện cuộc sống.

Ở xã Canh Nậu còn có 30-40 mô hình kinh tế tương tự cho doanh thu cao. Ngoài trồng rừng, nhiều hộ còn đầu tư máy móc, thành lập cơ sở chế biến gỗ. Gia đình anh Nông Minh Chức, dân tộc Nùng ở bản Đình bỏ ra gần 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở chế biến gỗ. Trung bình mỗi tháng, cơ sở, chế biến 250 m3 gỗ thành phẩm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ xã Canh Nậu, người dân ở các xã Tam Tiến, Đồng Vương, Tiến Thắng, Tam Hiệp… cũng tập trung phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi gia cầm hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, đến nay toàn huyện có khoảng 15 nghìn ha đất rừng, hơn 100 cơ sở chế biến gỗ.

Khai thác lợi thế đất rừng, vườn đồi rộng, các hộ dân từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi gà khép kín, trong đó có hàng trăm hộ chăn nuôi quy mô từ 1.000-7.000 con/lứa/năm. Huyện luôn duy trì ổn định tổng đàn gà từ 4-4,3 triệu con/năm, doanh thu khoảng 1,2 nghìn tỷ đồng/năm.

Giá trị sản xuất lâm nghiệp toàn huyện cũng đạt 300-320 tỷ đồng/năm, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 10,98% năm ngoái, phấn đấu năm nay giảm còn hơn 7%.

Nhiều chính sách khuyến khích

Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 xác định phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Từ định hướng đó, địa phương tập trung phát triển kinh tế mũi nhọn là trồng rừng gắn với chăn nuôi gà đồi.

Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng, chế biến gỗ kết hợp chăn nuôi, từng bước nhân rộng. Khuyến khích các hộ đưa tập đoàn cây giống keo lai, bạch đàn mới vào sản xuất đã nâng gấp đôi giá trị thu nhập một chu kỳ.

Đồng thời triển khai phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp DN ký các đơn hàng xuất khẩu với lợi nhuận cao hơn 10-30% so với trước.

Nhiều hộ dân ở xã Phồn Xương nuôi gà đồi kết hợp trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều hộ dân ở xã Phồn Xương nuôi gà đồi kết hợp trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Thân Minh Sâm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Để tạo đột phá thúc đẩy kinh tế rừng, năm 2018, huyện ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2018-2020. Mục tiêu là ứng dụng khoa học công nghệ chăm sóc rừng trồng, trồng mới rừng sản xuất gần 2,3 nghìn ha và khai thác chế biến khoảng 235 nghìn m3 gỗ.

Tổng nguồn vốn dự kiến thực hiện kế hoạch này khoảng 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh và huy động hợp pháp để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ lâm sinh, trồng rừng, nhân rộng mô rừng gỗ lớn”.

Huyện chỉ đạo phòng chức năng, các xã hướng dẫn người dân chăn nuôi gà theo chuỗi liên kết, an toàn sinh học. Thông qua đề án phát triển chăn nuôi gà đồi hàng hóa bền vững giai đoạn 2016-2020, huyện hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển sang mô hình kinh tế trang trại theo hướng VietGAHP; hỗ trợ 3 hợp tác xã chăn nuôi gà thành lập mới để hình thành chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/yen-the/ga-doi/297093/yen-the-phat-trien-kinh-te-mui-nhon-chan-nuoi-gia-cam-ket-hop-trong-rung.html