Yến vụn được đóng bịch bán như bánh tráng trộn
Gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại yến vụn, yến chưng sẵn bán với giá chỉ vài chục ngàn đồng. Yến sào mà giá lại rẻ vậy sao?
Yến sào giá rẻ là yến… xạo
Cùng là yến vụn nhưng có nơi bán 1-2 triệu đồng/100g, có nơi bán 2,5-3,5 triệu đồng/100g. Nơi bán giá rẻ giải thích là do yến nhà nuôi, còn người mua khó mà biết được yến thật hay giả, nguyên chất hay pha trộn. Có nơi còn chào bán yến vụn đóng bịch sẵn kèm táo đỏ, hạt sen, hạt chia, đường phèn, giá chỉ 50.000 đồng/bịch; càng mua nhiều, giá càng rẻ. Những bịch yến được đóng sơ sài trong bịch ni-lông, không có nhãn mác, thông tin gì. Theo giải thích của người bán, đóng gói để đủ cho một lần dùng.
Ngoài ra, còn có cả yến chưng đóng lọ cho bà bầu và được phân loại dùng cho đầu thai kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ hoặc dành riêng cho trẻ em. Tuy nhiên, theo thông tin trên nhãn sản phẩm, yến chỉ chiếm 5-7%, còn lại là đường, nước, chất bảo quản để giữ yến lâu hư.
Trên thị trường, còn có các loại sữa, cháo, rau câu nấu yến, nhưng trong thành phần có 1-2% yến. Riêng với nước yến, phần lợn cợn là rau câu, nha đam chứ không phải yến.
Bà Đỗ Tú Quân - Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Nhà yến Việt Nam, Chủ tịch Trung tâm Sơ chế yến sào Việt Nam - cho biết, yến vụn là những sợi gãy vụn của sợi yến dài, rơi ra trong quá trình thu hoạch, sơ chế. Nếu đúng là yến của Việt Nam, chúng sẽ có nguồn gốc rõ ràng và nếu không có pha trộn tạp chất gì thì đều là hàng tốt. Ngược lại, dù là yến nguyên tổ hay yến vụn, nếu không có nguồn gốc rõ ràng, đều có thể bị pha trộn, làm giả, không đảm bảo chất lượng.
Bà Quân khẳng định, không thể có yến sào giá rẻ. Yến thường bị làm giả xuất xứ và trong quá trình sơ chế, người bán hàng không có tâm có thể cho thêm đường, nước, rau câu vào. Trên thị trường bán nhiều yến chưng sẵn, nhưng yến chiếm bao nhiêu phần trăm lệ thuộc vào lương tâm nhà sản xuất. Rất nhiều sản phẩm yến chưng sẵn có hàm lượng yến chỉ vài phần trăm. Ở nhiều nước, họ chế biến sản phẩm yến chứa 100% là tổ yến; còn ở Việt Nam, công nghệ chế biến yến chưa tới, vẫn thường có chất bảo quản và phần lớn hàm lượng yến có trong sản phẩm rất ít. “Người tiêu dùng nên mua yến ở cơ sở có thương hiệu uy tín để bảo đảm chất lượng” - bà Quân khuyên.
Coi chừng yến giả, yến dỏm
Theo một số chủ nhà yến ở H.Cần Giờ, TPHCM, yến vừa thu hoạch có giá gần 30 triệu đồng/kg (3 triệu đồng/100g). Sau sơ chế, tỷ lệ hao hụt khoảng 40 - 50%, trong đó 20% là độ ẩm, 10-15% là tạp chất, 5-15% hao hụt khác. Do vậy, giá yến bán lẻ ít nhất cũng phải 5-6 triệu đồng/100g. Mức giá này đã rẻ hơn một nửa so với giá yến cách đây mười năm (trên 10 triệu đồng/100g). Yến không phải là sản phẩm dễ hỏng, có thể để yến trong kho được 15 năm nếu bảo quản tốt, nên không có lý do gì để nhà sản xuất hạ giá bán.
Bà Quân khẳng định, người nuôi yến không bao giờ bán yến với giá rẻ. Yến giá rẻ phần lớn là yến được nhập về theo đường tiểu ngạch, là phế phẩm hoặc đã bị pha trộn. Chẳng hạn, yến nhập từ Indonesia có giá chỉ bằng 1/7 so với giá yến trong nước.
“Nhiều người mua yến phế thải từ Malaysia về Việt Nam bán giá rẻ. Đó là chân tổ yến được loại ra đầu tiên trong quy trình xuất khẩu yến của Malaysia, nhưng các điểm bán chân yến này ở Việt Nam quảng cáo chân tổ yến bổ nhất, ngon nhất. Trên thị trường, không có yến huyết mà chỉ có yến trắng tẩm màu, hóa chất và làm tiểu xảo cho đẹp. Chúng tôi đã xét nghiệm, phát hiện trong yến huyết có hàm lượng nitrat cao, có nguy cơ bị ngộ độc mạn tính nếu ăn yến huyết trong thời gian dài” - bà Quân cảnh báo.
Do yến là sản phẩm có giá trị cao nên người bán dùng đủ hình thức gian lận để trục lợi bất chấp sức khỏe người dùng. Các vùng có nguồn yến chất lượng cao như Hội An, Khánh Hòa năm nay không có yến huyết nhưng vẫn có nhiều người rao bán yến huyết trên thị trường. Khi Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam lấy mẫu kiểm tra, những tổ yến được gọi là yến huyết có hàm lượng nitrat rất cao, có thể gây ngộ độc; yến hồng, yến vàng cũng cho kết quả tương tự; yến trắng không pha chế gì có hàm lượng nitrat ít hơn nhiều.
Để phân biệt yến thật, yến giả, bà Quân tư vấn, yến thật sau khi chưng 45 phút sẽ chuyển từ màu trắng sang màu trong và có mùi thơm giống như mùi của lòng trắng trứng gà khi luộc chín. Nếu đúng yến chất lượng tốt của Việt Nam, sau khi ngâm (1-4 giờ) sẽ nở ra gấp từ 5-7 lần. Yến ngâm xong chỉ nở to gấp 3-4 lần, thậm chí không nở là yến không đảm bảo chất lượng. Tổ yến thật khi mới hái xuống mềm, dẻo do còn độ ẩm; khi để lâu, yến sẽ bị khô, giòn, dễ vỡ nhưng lại khó nhặt sạch lông. Còn tổ yến giả thường cứng, khó bể nhưng sau khi bôi dầu vào thì nhổ lông rất dễ.
Bà Quân cũng lưu ý, khi dùng yến chưng sẵn hay chè tổ yến, cháo yến, phải căn cứ tình trạng sức khỏe mỗi người. Trong Đông y, ăn yến tốt cho phế, vị, thận. Yến vốn lành tính, không có tác dụng phụ nhưng cần lưu ý những nguyên liệu đi kèm. Người có cơ địa lạnh thì không nên ăn yến chưng đường phèn, cơ địa nóng thì không dùng mật ong chưng yến, người già cần tham vấn của bác sĩ trước khi dùng yến chưng sâm, trẻ nhỏ nên ăn yến pha sữa hoặc nấu chung với cháo, xúp sẽ an toàn hơn. Trong yến có 50% là protein nên cần lưu ý khi dùng cho trẻ dễ dị ứng. Khi trẻ nhỏ ăn trứng gà không bị dị ứng thì sẽ ăn yến được, nhưng nên cho trẻ ăn thử từng chút một trước khi cho ăn nhiều.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)