Yêu bản sắc văn hóa các dân tộc

Là người gốc Hà Tây (cũ), nay là Hà Nội, nhưng sinh ra và lớn lên ở xã Kiến Thiết (Yên Sơn), gần 60 gắn bó với mảnh đất có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bà Nguyễn Thị Thanh Nga đã trở thành người con của đồng bào Mông, Tày… nơi đây. Bởi bà yêu bản sắc vắn hóa các dân tộc, đặc biệt có thể hát Then, đánh đàn Tính của dân tộc Tày và hát được dân ca của dân tộc Mông…

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga biểu diễn đánh đàn Tính.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga biểu diễn đánh đàn Tính.

Năm 1965, gia đình bà Nga lên xã Kiến Thiết (Yên Sơn) theo tiếng gọi của Đảng để xây dựng vùng kinh tế mới. Được sinh ra trên quê hương thứ hai, bà được nuôi dưỡng trong không gian văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Đặc biệt, khi lớn lên, đi học chuyên nghiệp, bà đã chọn nghề giáo với mong muốn truyền thụ kiến thức cho các em học sinh còn nhiều khó khăn trên mảnh đất này. Trong thời gian dạy học ở trường Tiểu học Kiến Thiết, có 12 năm bà được phân công làm Tổng phụ trách Đội.

Bà Nga chia sẻ, dạy học cho các em học sinh người dân tộc thiểu số, nếu mình không biết tiếng của các em sẽ rất khó chia sẻ, nói chuyện và đến gia đình vận động các em đến trường. Vì vậy, bà đã học nói tiếng dân tộc Tày, Mông, Dao… Đặc biệt, khi biết tiếng dân tộc không chỉ giúp bà có điều kiện gần gũi, tìm hiểu hoàn cảnh của các em học sinh để động viên, giúp đỡ các em học tốt hơn, mà khi tìm hiểu văn hóa các dân tộc bà lại có một niềm yêu thích, say mê khám phá. Dần dà, từ biết tiếng, bà tìm hiểu và tự học hát Then, đánh đàn Tính, học hát dân ca Mông, hát Páo dung của dân tộc Dao…

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga cùng thành viên Đội văn nghệ Hội Người cao tuổi xã tập luyện hát Then, đánh đàn Tính.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga cùng thành viên Đội văn nghệ Hội Người cao tuổi xã tập luyện hát Then, đánh đàn Tính.

Mỗi nét đẹp văn hóa của các dân tộc đã giúp bà thêm yêu và gắn bó với mảnh đất Kiến Thiết. Nhưng do công việc bận rộn, đến khi về nghỉ chế độ bà mới có nhiều thời gian hơn để tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương. Khi Hội LHPN xã mời thầy về dạy đánh đàn Tính, hát Then cho các hội viên thuộc Đội văn nghệ của Hội, bà đã tích cực tham gia tập luyện. Đặc biệt, khi thấy bà tiếp thu bài học nhanh, trong thời gian 10 ngày đã có thể vừa hát Then, vừa đánh đàn Tính thành thạo, thầy Nguyễn Văn Tuân, ở Bình Nhân (Chiêm Hóa) đã tặng bà một chiếc đàn Tính.

Bà Nga cho biết, không chỉ hát những bài Then mới, bà cũng có thể hát được một số bài Then cổ. Bà thường mở youtube để nghe và tập hát theo. Một số bài hát bà thường biểu diễn như: Bản noọng tỏn xuân, Bài Then tặng mẹ, Vì sự nghiệp Hồ Chí Minh vĩ đại… Hiện bà là thành viên nòng cốt của Đội văn nghệ Hội Người cao tuổi của xã. Trong các dịp lễ, Tết, ngày truyền thống của Hội Người cao tuổi, bà cùng các thành viên trong đội thường đi giao lưu với Hội Người cao tuổi các xã trong và ngoài huyện.

Bà Hoàng Thị Biên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Kiến Thiết (Yên Sơn) cho biết, bà Nguyễn Thị Thanh Nga rất nhiệt tình trong các phong trào, hoạt động chung của Hội Người cao tuổi, nhất là trong phong trào văn hóa văn nghệ. Đặc biệt, không phải người dân tộc thiểu số, nhưng bà có thể hát, nói tiếng dân tộc Tày, Mông, Dao… là thành viên nòng cốt, giúp cho phong trào văn nghệ của Hội phát triển.

Huyền Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/yeu-ban-sac-van-hoa-cac-dan-toc-200409.html