Yêu cầu 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định xử lý ngay vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản đề nghị 3 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định tập trung triển khai thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Cụ thể, theo tổng hợp của Bộ NN&PTNT, tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã xảy ra 32 vụ/52 tàu/453 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Các địa phương có tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý nhiều là Kiên Giang (09 vụ/13 tàu/114 ngư dân), Cà Mau (04 vụ/08 tàu/28 ngư dân, vẫn đang tiếp tục xác minh số lượng ngư dân bị bắt giữ), Bình Định (04 vụ/06 tàu/38 ngư dân).

Đáng chú ý, thời gian gần đây, xuất hiện một số vụ việc nghiêm trọng như sử dụng tên, đăng ký tàu giả để khai thác hải sản trái phép; chống đối người thi hành công vụ.

Nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong công văn số 3438/BNN-TCTS gửi ba tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bình Định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau chỉ đạo cơ quan Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh điều tra, xác minh, xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân tổ chức, môi giới đưa các tàu cá và ngư dân vụ việc nêu trên và các vụ việc khác có liên quan, báo cáo kết quả về Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU trước ngày 6/6.

Tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã xảy ra 32 vụ/52 tàu/453 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã xảy ra 32 vụ/52 tàu/453 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.

Trước đó, ngày 6/5, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Đoàn công tác làm việc với tỉnh Cà Mau về chống khai thác IUU. Ngay sau đó, Bộ NN&PTNT có công văn nêu rõ những tồn tại, hạn chế như trên địa bàn tỉnh như: Thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản mới đạt khoảng 66%; cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase chưa kịp thời.

Dữ liệu tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên hệ thống giám sát tàu cá và báo cáo của tỉnh chưa rõ ràng (số liệu báo cáo là 1.529 tàu, số liệu trên hệ thống là 1.558 tàu).

Tình trạng tàu cá lắp đặt VMS nhưng mất kết nối khi tham gia hoạt động khai thác thủy sản vẫn diễn ra. Có hiện tượng gỡ, tháo thiết bị VMS trên tàu này lắp sang tàu khác để tránh sự theo dõi, giám sát của lực lượng chức năng, có động cơ thực hiện hành vi khai thác IUU. Tỉ lệ sản lượng thủy sản từ khai thác được giám sát phục vụ truy xuất nguồn gốc còn thấp, chưa đảm bảo theo quy định (ước đạt khoảng 38% tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh).

Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Sông Đốc, Bộ NN&PTNT nhận thấy việc kiểm soát chưa chặt chẽ tàu cá ngoài tỉnh thực hiện chuyển tải cho tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản của tỉnh để kịp thời phát hiện xử lý nếu có hành vi khai thác IUU. Nhật ký khai thác ghi chép chưa đủ độ tin cậy, thiếu thông tin, thiếu nhật ký khai thác của tàu khai thác có chuyển tải trên biển cho tàu dịch vụ hậu cần. Xử lý chưa kịp thời khi phát hiện trường hợp tàu cá có dấu hiệu vi phạm.

T.Linh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/yeu-cau-3-tinh-kien-giang-ca-mau-binh-dinh-xu-ly-ngay-vi-pham-nghiem-trong-trong-khai-thac-thuy-san-i655922/