Yêu cầu đặc biệt trong tang lễ Nữ hoàng Anh mà tất cả các lãnh đạo trên thế giới đều phải tuân thủ
Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển khuyến cáo các lãnh đạo nước ngoài nên đến Anh bằng máy bay thương mại, do không có sự sắp xếp cho chuyên cơ ở Sân bay Healthrow, London.
Theo thông tin mà Politico thu thập được, các tài liệu chính thức được gửi đến các đại sứ quán hôm 10/9 xác nhận chỉ các nguyên thủ quốc gia và vợ hoặc chồng họ từ mỗi nước mới được mời dự đám tang. Tu viện Westminster có sức chứa 2.200 người và dự kiến kín chỗ.
Văn bản quy tắc do Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển (FCDO) gửi đi có nội dung: "Đáng tiếc thay, do không gian hạn chế ở nơi tổ chức đám tang cấp nhà nước và các sự kiện liên quan, không có thành viên nào khác trong gia đình, nhân viên hoặc đoàn tùy tùng của khách chính được vào dự".
Các nguyên thủ quốc gia nào không thể tham dự sẽ được chọn cử một đại diện khác, như người đứng đầu chính phủ hoặc bộ trưởng cấp cao.
Ngoài ra, FCDO khuyến cáo các lãnh đạo nước ngoài nên đến Anh bằng máy bay thương mại, do không có sự sắp xếp cho chuyên cơ ở Sân bay Healthrow, London. Thay vào đó, họ có thể đi máy bay đến các sân bay ít đông đúc hơn quanh Thủ đô. Việc sử dụng trực thăng để di chuyển từ sân bay đến các địa điểm khác bị cấm, do dự kiến xảy ra tình trạng tắc nghẽn trong không phận khu vực.
"Sẽ có nhiều tầng an ninh được áp dụng trên khắp London và các địa điểm chính thức được sử dụng ở tang lễ cấp nhà nước, cũng như các sự kiện liên quan", một văn bản khác của FCDO nêu chi tiết về công tác hậu cần cho những khách mời từ nước ngoài.
Văn bản cũng lưu ý: "Do chương trình nghi lễ liên quan đến lễ tang cấp nhà nước và những thách thức về hậu cần, các yêu cầu dành cho song phương sẽ không được xem xét dịp này".
Báo cáo của FCDO được đưa ra không lâu sau khi Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Joe Biden chính thức nhận lời tham dự tang lễ cấp nhà nước của Nữ hoàng Elizabeth II. Ông sẽ đi cùng Đệ nhất phu nhân Jill Biden mà không có phái đoàn quan chức nào theo tháp tùng, đúng với yêu cầu của Hoàng gia Anh.
Trong lịch sử, một số tang lễ cấp nhà nước của một số quốc gia khác như tang lễ của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, vẫn cho phép các nguyên thủ nước khác khi đến dự đi cùng phái đoàn của nước mình. Tuy nhiên, điều này có sự khác biệt tại lễ tang của Nữ hoàng Anh.
Thông tin từ Điện Buckinham cho biết, tang lễ chính thức của cố Nữ hoàng Elizabeth II sẽ diễn ra vào ngày 19/9 tới tại Tu viện Westminster. Linh cữu sẽ được quàn tại Đại sảnh Westminster - tòa nhà lâu đời nhất trong khuôn viên khối tòa nhà quốc hội - từ ngày 14/9 trước khi được rước về Tu viện Westminster vào sáng 19/9.
Ngoài Tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo chính phủ và hoàng gia của nhiều nước trên khắp thế giới cũng thông báo sẽ đến London dự lễ tang của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Do đó nước Anh đang tất bật chuẩn bị cho chiến dịch an ninh lớn nhất lịch sử.
Từ giờ cho đến khi tổ chức tang lễ cho Nữ hoàng Anh Elizabeth II, mỗi ngày, hàng ngàn cảnh sát sẽ túc trực ở thủ đô để giữ trật tự đám đông tụ tập bên ngoài Cung điện Buckingham và Công viên St. James gần đó khi họ tới để bày tỏ sự kính trọng đối với Nữ hoàng quá cố.
Các con đường đã bị phong tỏa để tạo thành các hàng rào an toàn xung quanh các địa điểm tập trung đông đúc. Các tay súng bắn tỉa cũng sẽ được bố trí trên các sân thượng để bảo vệ đám rước. Trên mặt đất là những đội tuần tra thay phiên ca trực để không có khoảng trống sơ hở.
"Cảnh sát sẽ hiện diện khắp nơi, đặc biệt ở Westminster và các khu vực xung quanh Cung điện Buckingham và công viên St James. Một lượng lớn cảnh sát sẽ ứng trực trong thời gian này để đảm bảo an toàn cho những người tới London và ngăn chặn bất kỳ hành vi phạm tội tiềm tàng nào", Stuart Cundy, Phó trợ lý Cảnh sát trưởng London, nhấn mạnh.
Một phát ngôn viên cảnh sát Anh cho biết yêu cầu hỗ trợ lẫn nhau gần như chắc chắn sẽ được đưa ra trong những ngày tới. Trung tâm Điều phối Cảnh sát Quốc gia sẽ sắp xếp quá trình điều động sĩ quan từ các nơi khác tới London phục vụ chiến dịch an ninh.
Người phát ngôn nói thêm: "Chiến dịch 'Cầu London' dự kiến kéo dài từ 10 đến 14 ngày, với sự hỗ trợ của các lực lượng trên khắp Vương quốc Anh và sử dụng nhiều đơn vị có chức năng khác nhau. Do tính chất của chiến dịch này, nhiều đơn vị cảnh sát và đặc nhiệm sẽ được huy động để hỗ trợ Sở cảnh sát Thủ đô."
Chiến dịch trên là mật danh chỉ kế hoạch những gì sẽ diễn ra sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Kế hoạch này được xây dựng từ những năm 1960 và đã được đánh giá, cập nhật trong hàng chục năm qua.
Vua Charles III yêu cầu hoàng gia Anh để tang nữ hoàng thêm 7 ngày