Yêu cầu dân không tiêm vaccine Covid-19 ký cam kết: Bộ Y tế nói gì?
Nhiều ý kiến trái chiều trước việc các địa phương yêu cầu dân không tiêm vaccine Covid-19 ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để bệnh lây lan.
"Tiêm rồi ai ký giấy cam kết đảm bảo không lây nhiễm?"
Việc một số địa phương như TP.HCM, Sóc Trăng, Bình Phước yêu cầu người dân nếu không tiêm vaccine Covid-19 phải ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để bệnh lây lan, đang nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Anh Nguyễn Hoàng (Hà Nội) chia sẻ: "Việc tiêm vaccine cũng chỉ nên dừng lại ở vận động và chính sách điều trị miễn phí cho những người đã tiêm mũi 4 nếu bị nhiễm, còn những người không tiêm thì phải trả hoàn toàn chi phí điều trị. Việc kiểm soát này dễ mà, ai tiêm mũi 4 thì có chứng nhận đã tiêm bằng giấy và trên các app. Còn việc ký cam kết này xem ra không khả thi và hiệu quả không cao".
Còn theo anh Thiên Lợi, "Tiêm/không tiêm và làm lây lan dịch bệnh là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau, cần rõ ràng". "Vậy chích rồi thì ai kí giấy cam kết đảm bảo cho tôi không bị nhiễm Covid, không lây lan cho người khác", anh Quốc Bảo (Hà Nội) đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi việc ký cam kết liệu có phù hợp, GS.TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Việc ký cam kết giúp nâng cao trách nhiệm hai bên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Chúng ta thấy rằng ký kết thực hiện tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là yêu cầu phòng chống dịch. Việc ký cam kết trách nhiệm các bên là cần thiết".
Theo ông Lân, mỗi người dân cần tiêm đúng lịch, đúng liều. Tổ chức Y tế Thế giới cũng khẳng định vaccine là chiến lược trong giai đoạn bình thường mới và giai đoạn tiếp theo, đặc biệt khi xuất hiện biến thể mới.
Người tái nhiễm vẫn có nguy cơ phải điều trị hồi sức tích cực
Bà Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, trước tình hình số ca nhiễm giảm mạnh, tỷ lệ tử vong giảm thấp, cuộc sống quay trở lại bình thường, nhiều người đã xuất hiện tâm lý chủ quan, từ chối không đi tiêm vaccine tại nhiều địa phương. Nhiều người dân đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Theo bà Hồng, đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ của vaccine giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa virus ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-CoV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.
Việc tiêm mũi nhắc lại vaccine Covid-19 (mũi 3, mũi 4) sẽ làm gia tăng nồng độ kháng thể bảo vệ, qua đó giúp cho cơ thể được bảo vệ trước nguy cơ mắc Covid-19, giảm tỷ lệ nhập viện, giảm số ca tiến triển bệnh nặng và ca tử vong do Covid-19.
Còn theo GS. Lân, virus SARS-CoV-2 luôn biến hóa và hiệu quả vaccine giảm dần theo thời gian. Bình thường đại dịch đi theo xu hướng tăng dần miễn dịch nếu có của vaccine và miễn dịch do nhiễm bệnh, sẽ giảm dần theo xu thế của dịch và cuối cùng hoặc là biến mất hoặc thành bệnh lưu hành. Nhưng SAR-CoV-2 biến hóa khôn lường. Qua 5 đợt dịch tại Việt Nam, thậm chí trong giai đoạn lưu hành biến thể Omicron đã ghi nhận 5 biến thể phụ cho thấy những biến đổi này gần như cơ bản không lường được.
"Khi chưa khống chế hoàn toàn được dịch Covid-19 và vẫn còn nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-COV2, liều tiêm nhắc lại thực sự cần thiết giúp duy trì khả năng bảo vệ trước nguy cơ mắc bệnh, chuyển bệnh nặng và tử vong do Covid-19", ông Lân nhấn mạnh.