Yêu cầu được chia và nhận tài sản là di sản của con gái
Cho rằng, không ủy quyền cho ai để gộp kỷ phần được thừa hưởng từ con gái, ông Nguyễn Danh Thỏa, SN 1943, đã yêu cầu các cơ quan tố tụng làm rõ…
Chia thừa kế của con gái:
Khi “lá xanh rụng trước lá vàng”
Chị Danh Thị Hải, SN 1970, là con gái ông Nguyễn Danh Thỏa, bà Phi Thị Mùi, SN1947. Năm 1987, chị kết hôn với anh Nguyễn Duy Tuân (có bố là Nguyễn Duy Chi, mẹ là Phùng Thị Hợi).
Theo Bản án phúc thẩm số 433/2020/DS-PT ngày 18/11/2020của TAND TP Hà Nội, năm 1996, ông Nguyễn Duy Hậu, SN 1974, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội, nhận chuyển nhượng thửa đất số 2 (168m2) và thửa đất với diện tích 162m2 tờ bản đồ số 1 năm 1986, tại sân kho thôn Minh Hòa xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội, của hộ ông Đỗ Danh Quang, SN 1960 (mẹ là cụ Nguyễn Thị Liễu), giá 45 triệu đồng. Sau khi nhận bàn giao đất, ông Hậu đã cho vợ chồng anh trai (ông Nguyễn Duy Tuân, bà Phí Thị Hải) ở nhờ.
Trước đó, năm 1994, khu UBND xã Minh Khai đấu thầu 2 ô đất ở sân kho xã Minh Khai, ông Hậu có nhu cầu sử dụng nhưng không phải là người địa phương nên không được tham gia đấu thầu. Ông Hậu có nhờ ông Đỗ Danh Quang, con rể cụ Nguyễn Thị Liễu; cụ Liễu là em gái của bố ông Hậu), là người xã Minh Khai, đứng lên đấu thầu hộ. Toàn bộ tiền nộp để mua đất lúc đó là của ông Hậu đưa cho ông Quang, nhờ ông Quang đứng tên. Sau khi ông Quang trúng thầu đã trả lại cho ông Hậu toàn bộ giấy tờ gốc liên quan đến việc đấu thầu của UBND xã Minh Khai.
Sau khi nhận đất, gia đình ông Hậu thống nhất cho vợ chồng ông Tuân và bà Hải, em trai ruột của ông Hậu, sử dụng. Năm 2000, bà Hải chết. Năm 2004, ông Tuân kết hôn với bà Nguyễn Thị Mây, SN 1979. Vợ chồng ông Tuân, bà Mây tiếp tục quản lý, sử dụng 2 thửa đất này. Đến năm 2008, ông Tuân chết, bà Mây là người quản lý, sử dụng nhà, đất.
Ông Hậu nhiều lần yêu cầu ông Quang hoàn tất thủ tục để chuyển thửa đất số 14, 15 đã mua bán này cho mình nhưng ông Quang không làm. Sau khi ông Quang biết thông tin bà Mây đã làm thủ tục cấp “sổ đỏ”, ông Quang mới viết giấy chuyển nhượng 2 thửa đất cho ông Hậu để ông Hậu hoàn tất thủ tục xin cấp “sổ đỏ”.
Do đó, ông Hậu khởi kiện yêu cầu tòa buộc ông Quang thực hiện đúng thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa gia đình ông và ông Quang. Xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp của ông Hậu với thửa đất số 14, 15 ở khu vực sân kho và đề nghị tòa xem xét hủy “sổ đỏ” do UBND huyện Hoài Đức cấp cho bà Nguyễn Thị Mây vì cấp sai đối tượng.
Ông Quang, bị đơn, trình bày, thực tế, gia đình ông Quang đã giao lại toàn bộ giấy tờ cũng như quyền sử dụng đất cho gia đình ông Tuân. Bị đơn cho rằng, việc quản lý, sử dụng và việc làm “sổ đỏ” của gia đình ông Tuân đối với 2 thửa đất này, gia đình ông Quang không liên quan.
HĐXX phúc thẩm của TAND TP Hà Nội tuyên, không chấp nhân yêu cầu khởi kiện của ông Hậu, tuyên Giấy biên nhận chuyển nhượng bán đất ngày 20/6/1996 giữa ông Quang và ông Hậu vô hiệu; hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Quang, ông Hậu; chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Nguyễn Duy Được (SN 1952, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; người đại diện theo ủy quyền của ông Thỏa, bà Mùi) về việc yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của ông Tuân để lại.
Tòa xác định, di sản của bà Hải để lại có giá trị hơn 2,5 tỷ đồng; của ông Tuân hơn 3,4 tỷ đồng. Hàng thừa kế thứ nhất của bà Hải là ông Nguyễn Danh Thỏa, bà Phí Thị Mùi và ông Nguyễn Duy Tuân, mỗi kỷ phần hơn 858 triệu đồng. Quá trình giải quyết vụ án, ông Thỏa, bà Mùi có quan điểm nhưòng lại kỷ phần được hưởng từ bà Hải cho ông Được.
Ông Được được nhận tổng cộng kỷ phần trị giá hơn 3 tỷ đồng. Bà Mây được trích công sức và hưởng các kỷ phần với giá trị 1,8 tỷ đồng… Tòa chia phần thừa kế bằng hiện vật, bà Mây được sử dụng 143m2 tại thửa số 15 tờ bản đồ số 297-C-IV-64; ông Được sử dụng 174m2 thửa đất số 15, tờ bản đồ 297-C-IV-64 tại khu vực sân kho thôn Minh Hòa 2, xã Minh Khai và chia kỷ phần với những người khác liên quan. HĐXX cũng tuyên hủy “sổ đỏ” đã cấp cho bà Mây.
Lý do hủy án?
Sau đó, ông Hậu và những người liên quan đề nghị giám đốc thẩm vụ án. Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 54/2023/KN-DS ngày 3/11/2022, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị Bản án số phúc thẩm số 433/2020/DS-PT đề nghị hủy án. Ngày 22/3/2022, TAND cấp cao tại Hà Nội có Quyết định giám đốc thẩm số 04/2023/DS-GĐT. Theo đó, Ủy ban thẩm phán – TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên, chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 433/2020/DSPT của TAND TP Hà Nội; giao hồ sơ cho TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm lại.
Ông Thỏa, bà Mùi trình bày, để có cơ hội kinh doanh, vợ chồng chị Hải đã nhờ ông Quang đứng tên thuê thầu 2 thửa đất. Sau đó, ông Quang giao lại giấy tờ đấtcho vợ chồng chị Hải. Khi cả chị Hải, anh Tuân qua đời, mảnh đất mà chị Hải chắt chiu xây dựng trở thành tâm điểm của tranh chấp gia đình vào năm 2009.
Về vụ án, ông Thỏa, bà Mùi cho rằng, tòa cần tuyên chấp nhận yêu cầu độc lập để gia đình ông Thỏa được thừa hưởng phần di sản thừa kế theo quy định pháp luật về hàng thừa thừa kế thứ nhất. Bố, mẹ chị Hải nêu, tại Bản án sơ thẩm số 20/2019/DSST, Bản án phúc thẩm số 433/2020/DS-PT, Quyết định Giám đốc thẩm số 04/2023/DS-GĐT nêu, tài sản đang bị tranh chấp trong vụ án là do vợ chồng con gái ông Thỏa, bà Mùi tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân thực tế (thửa đất số 01 và 02, nay là thửa đất số 14, tờ bản đồ số 297-C-IV- 64 diện tích 174m2; thửa số 15, tờ bản đồ số 297-C-IV-64 diện tích 168m2).
Ông Nguyễn Danh Thỏa trình bày, có ủy quyền bằng miệng cho cụ Chi (bố chồng chị Hải và cụ Chi đã qua đời trước khi có quyết định xét xử sơ thẩm) tham gia phiên tòa và có viết vài dòng chữ ủy quyền cho ông Được (sau khi cụ Chi qua đời) để ủy quyền tham gia phiên tòa, chứ không có việc tự nguyện đưa phần tài sản của ông Thỏa được thừa hưởng từ con gái, gộp vào phần cụ Chi (bố được thừa hưởng tài sản từ con - Nguyễn Duy Tuân) như nội dung bản án đã ghi nhận. Ông Thỏa yêu cầu được chia và nhận tài sản là di sản do con gái (chị Danh Thị Hải) để lại theo quy định của pháp luật.
Bà Phi Thị Mùi cũng nêu, chưa có bất kỳ ý kiến hay quan điểm nào về việc chia và hưởng di sản thừa kế của con gái để lại cho ai và chưa từng ủy quyền cho bất kỳ ai.
Bà yêu cầu khi xét xử lại, tòa tuyên bàđược hưởng phần di sản con gái theo quy định của pháp luật. Vì vậy, cần xem xét lại các văn bản ủy quyền và văn bản nêu ý kiến được cho là phần trình bày của gia đình ông Thỏa tại bản án cũng như tại hồ sơ vụ án; xem xét tính hợp pháp, hợp lý của các văn bản này vì gia đình ông Thỏa không ủy quyền hay nêu ý kiến về việc tự nguyện gộp di sản được thừa hưởng cho bất kỳ ai.