Yêu cầu khắc phục triệt để tình trạng cán bộ gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp
Ngày 23/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) và Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2022 với chủ đề: 'Cùng khát vọng, đồng hành, phát triển'.
Cuộc đối thoại buổi sáng có 370 doanh nghiệp FDI trực tiếp tham dự và 42 đầu cầu dự đối thoại trực tuyến. Các doanh nghiệp đã trao đổi về các vấn đề môi trường; cơ sở hạ tầng khu công nghiệp; giải quyết hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; hỗ trợ các doanh nghiệp về thuế suất, hải quan; cấp phép xây dựng cho các doanh nghiệp; chủ trương khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng sạch; phòng cháy, chữa cháy... Nhiều kiến nghị đã được trả lời, giải quyết ngay tại buổi đối thoại.
Chị Đỗ Thị Thu, đại diện Công ty TNHH VietNam Buwon, Khu công nghiệp (KCN) Thuận Thành 3, phản ánh: Trong cuộc đối thoại trực tiếp với lãnh đạo hồi tháng 7/2021, công ty đã có phản ánh về vấn đề cấp phép xây dựng cho công ty, nhưng đến nay công ty chưa được giải quyết.
Giải đáp doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh thông tin: Ngoài công ty ra, hiện nay chúng tôi đang thực hiện văn bản số 1402 của Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc rà soát lại một số vấn đề liên quan tới quy hoạch các KCN, trong đó có KCN Thuận Thành 3.
"Tôi hứa trước 10/5 sẽ có báo cáo cụ thể những doanh nghiệp nào được giải quyết, những doanh nghiệp nào không giải quyết mà phải chờ quy hoạch được duyệt" - ông Phúc nói.
Đại diện một doanh nghiệp tại KCN VSIP Bắc Ninh phản ánh tình trạng xả thải rác dọc đường, đốt cháy mù mịt trên đoạn đường đi về thôn Đại Trung, xã Đại Đồng, huyện Tiên Du đã kéo dài trong thời gian rất dài... Mặc dù các doanh nghiệp và KCN VSIP đã kiến nghị rất nhiều lần lên Sở Tài Nguyên và Môi trường, tuy nhiên tình trạng này chưa được giải quyết.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Đại Đồng, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du cho biết, theo chỉ đạo của tỉnh Bắc Ninh, huyện Tiên Du đã triển khai các giải pháp cấp bách, tạm thời từ phân loại rác thải tại nguồn cho đến việc xây dựng các lò đốt rác.
"Hiện nay lò đốt rác ở Hoàn Sơn đã đi vào hoạt động và chờ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá để đi vào hoạt động chính thức. Chính vì trong giai đoạn hoạt động tạm thời nên công suất xử lý vừa phải. Trong tuần tới, theo chương trình kế hoạch, chúng tôi sẽ vận chuyển lượng rác thải tồn đọng ở khu vực này về khu vực xử lý" - ông Đồng nói.
Trong phiên đối thoại buổi chiều, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, những câu hỏi, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến: lĩnh vực đất đai; phụ trợ và logistic; hệ thống điện mặt trời mái nhà; đầu ra cho nông sản; quy hoạch và phát triển chợ đầu mối; hệ thống phòng cháy chữa cháy trong các nhà xưởng; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp... đã được lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố giải đáp, góp phần tháo gỡ những nút thắt, khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.
Tại các buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời cho biết, thời gian qua, cùng với việc đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh trân trọng cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã đã nỗ lực, vượt khó, ủng hộ và có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển của tỉnh. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh mong muốn, các cấp chính quyền địa phương cùng cộng đồng doanh nghiệp và khu vực kinh tế tập thể luôn đồng hành, quyết tâm đổi mới, phát triển, với phương châm doanh nghiệp phát triển thì địa phương phát triển.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang khẳng định, các ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại hội nghị đối thoại đã giúp cấp ủy, chính quyền hiểu sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục triển khai tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là phát huy vai trò của Tổ phản ứng nhanh 3 nhất trong việc tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh từ doanh nghiệp; biên soạn tài liệu hướng dẫn, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để doanh nghiệp dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Bà Nguyễn Hương Giang cũng yêu cầu triệt để khắc phục tình trạng cố tình gây khó khăn, nhũng nhiễu và thiếu trách nhiệm của một số cán bộ.
Tỉnh Bắc Ninh hiện đứng thứ 5 cả nước về quy mô vốn thu hút đầu tư nước ngoài năm 2021 với tổng vốn thu hút sau điều chỉnh, góp vốn đạt 1,6 tỷ USD. Tính riêng trong quý I/2022, Bắc Ninh đã thu hút 1,36 tỷ USD đứng thứ 2 cả nước về quy mô vốn đầu tư. Lũy kế đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.738 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn mua, mua cổ phần, phần góp vốn đạt 22,77 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đến từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ, đầu tư vào 16 ngành lĩnh vực, trong đó chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Toàn tỉnh thành lập mới hơn 2.300 doanh nghiệp; trong 3 tháng đầu năm, thành lập mới 882 doanh nghiệp. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 20.828 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ đăng ký là 338.136 tỷ đồng và 4.449 đơn vị trực thuộc. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có khoảng 690 hợp tác xã.