Yêu cầu rà soát từng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo để phòng dịch
Ban Tôn giáo Chính phủ yêu cầu rà soát từng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (nhất là địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của các tổ chức chưa được nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo) có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Ngày 28-5, Ban Tôn giáo Chính phủ có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.
Biện pháp phòng chống dịch trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo “chưa đủ”
Văn bản nêu lại tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt là khi phát hiện ổ dịch mới liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục hưng.
Đây là một Hội thánh Tin Lành tư gia, sinh hoạt tôn giáo tập trung tại địa chỉ số 205/2 đường số 1, phường 3, quận Gò Vấp- nhà riêng của người đứng đầu điểm nhóm là ông Phương Văn Tân và bà Võ Xuân Loan.
Địa điểm này đã được UBND phường 3, quận Gò Vấp chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung (Điểm nhóm) và đưa vào quản lý theo quy định của pháp luật từ năm 2006. Số lượng tính khi đó là 60 người, nay giảm còn 38 người (bao gồm cả người thân của tín hữu).
Theo thông tin từ chính quyền phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM, sinh hoạt tôn giáo của Hội thánh truyền giáo Phục hưng thời gian gần đây đã chủ yếu chuyển sang hình thức trực tuyến (online). Tín đồ tham gia sinh hoạt tôn giáo tập trung thường dưới 20 người nhưng khi nhiễm dịch bệnh vẫn bùng phát và lây lan rất rộng.
Văn bản dẫn số liệu đến tối ngày 27-5-2021, theo công bố chính thức của Bộ Y tế, đã có 36 trường hợp FO, 70 F1, 336 F2 và có 16 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM liên quan đến ổ dịch này.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, sự bùng phát của ổ dịch mới tại Hội thánh Truyền giáo Phục hưng trên địa bàn TP.HCM cho thấy các biện pháp phòng, chống dịch trong các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vừa qua là chưa đủ.
Thêm vào đó, diễn biến mới của dịch bệnh đòi hỏi phải tăng cường, nâng cao hơn nữa mức độ phòng chống dịch COVID-19 trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là tại các điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung thuộc các Hội thánh Tin Lành tư gia.
Tạm dừng mọi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung
Để góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị UBND các tỉnh, thành tổ chức thực hiện một số công tác chống dịch cho tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người theo tín ngưỡng, tôn giáo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Nội vụ.
Đồng thời, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng yêu cầu rà soát từng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (nhất là địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của các tổ chức chưa được nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo) có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Cạnh đó, cần phân công lực lượng đến từng địa bàn trọng điểm về tín ngưỡng, tôn giáo, gặp gỡ chức sắc lãnh đạo từng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung để tuyên truyền, vận động tạm dừng các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung. Ngoài ra, treo biển cảnh báo, thông tin về việc này trước cửa cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung.
“Đối với địa bàn đã có ca lây nhiễm ngoài cộng đồng hoặc nguy cơ lây nhiễm cao, yêu cầu tạm dừng mọi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và an toàn cho người tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tập trung”- văn bản nêu rõ.
Ban Tôn giáo cũng đề nghị các địa phương tiếp tục phối hợp rà soát, truy vết các tổ chức, cá nhân, điểm nhóm tôn giáo tại địa phương có liên quan đến các ca bệnh từ ổ dịch tại Hội thánh truyền giáo Phục hưng và chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch.
Xử lý nghiêm cơ sở tín ngưỡng không tuân thủ quy định phòng chống dịch
Ban Tôn giáo Chính phủ lưu ý cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ, người theo tín ngưỡng, tôn giáo tích cực tham gia ủng hộ “Quỹ Vaccine phòng COVID-19” của Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19”.
Cạnh đó, kịp thời động viên, khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng gương mẫu, tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với mọi tổ chức, cá nhân tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng có hành vi không tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh.