Yêu cầu thẩm phán giải trình, rút kinh nghiệm vụ án cô giáo Lê Thị Dung
TAND tỉnh Nghệ An vừa có phản hồi và yêu cầu thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương giải trình, rút kinh nghiệm sau khi nhận đơn kiến nghị của hai luật sư trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung.
Cụ thể, đơn của luật sư có nội dung kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật của Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương, Chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đối với các bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên.
Sau khi tiếp nhận đơn, TAND tỉnh Nghệ An có văn bản gửi các Luật sư để làm việc và làm rõ nội dung cụ thể của đơn kiến nghị, đồng thời đề nghị cung cấp thêm các tài liệu để có căn cứ giải quyết nội dung kiến nghị. Các Luật sư đã có văn bản trình bày đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An giải quyết các nội dung như đơn kiến nghị và không có tài liệu cung cấp thêm.
TAND tỉnh Nghệ An yêu cầu Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên báo cáo giải trình các nội dung liên quan đến kiến nghị của các Luật sư, thu thập biên bản phiên tòa, bản án hình sự phúc thẩm.
Căn cứ các tài liệu thu thập được, có căn cứ xác định Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương không vi phạm tố tụng tại phiên tòa như nội dung kiến nghị của các Luật sư.
Đối với nội dung kiến nghị Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương vi phạm quy tắc đạo đức, xét thấy, trong quá trình tranh tụng công khai tại phiên tòa do các Luật sư đặt nhiều câu hỏi không đúng trọng tâm để làm sáng tỏ bản chất vụ án nên Chủ tọa phiên tòa nhắc nhở nhiều lần đối với các Luật sư, nhưng các Luật sư không hợp tác, do đó Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương đã dùng từ "cảnh cáo" để nhắc nhở các Luật sư.
Việc Thẩm phán dùng từ "cảnh cáo" là chưa đúng từ ngữ pháp lý tại phiên tòa, đó không phải là biện pháp xử lý hành chính, mà do Thẩm phán dùng từ ngữ chưa chuẩn xác khi điều hành phiên tòa, nên chưa đến mức vi phạm phải xem xét kỷ luật đối với Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương.
Tuy nhiên, qua các nội dung kiến nghị của các Luật sư, thấy rằng đây là vụ án mà bị cáo Lê Thị Dung cho rằng mình không phạm tội, khi xét xử có nhiều người tham dự phiên tòa, quá trình tố tụng có nhiều tình huống phát sinh làm kéo dài thời gian xét xử, Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa xử lý chưa tốt, áp dụng pháp luật có phần cứng nhắc khi buộc các Luật sư bào chữa cho bị cáo rời khỏi phòng xử án. Đồng thời, do diễn biến phiên tòa, Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương sử dụng cụm từ "cảnh cáo" đối với các Luật sư là chưa chính xác.
Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo, yêu cầu Thẩm phán Nguyễn Thị Phan Hương làm giải trình và rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình xét xử, để nâng cao chất lượng tranh tụng trong thời gian tới.
Như đã thông tin, ngày 24/4, TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm, tuyên bị cáo Lê Thị Dung (51 tuổi) 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Nguyễn Thị Hương (57 tuổi, trú thị trấn Hưng Nguyên) bị tuyên mức án 24 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 48 tháng với cùng tội danh.
Vụ án này đã gây xôn xao dư luận khi có nhiều ý kiến cho rằng bản án 5 năm tù đối với bà Dung là quá nặng.
Ngày 5/5, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã họp, nghe các ngành báo cáo toàn bộ nội dung vụ án. Đồng thời, đề nghị bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, tuân thủ theo quy định của pháp luật. Ngày 23/5, Viện KSND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định kháng nghị phúc thẩm vụ án này theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Ngày 13/6, trong phiên tòa xét xử phúc thẩm, HĐXX đã sửa bản án sơ thẩm, giảm hình phạt cho bị cáo Lê Thị Dung từ 5 năm xuống 15 tháng tù về "Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ".
Sáng 28/6, sau khi chấp hành xong bản án 15 tháng tù, cô giáo Lê Thị Dung, nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) được gia đình đón về nhà.