Yêu cầu truy vết toàn diện vụ sữa, thuốc giả: Xử nghiêm không có ngoại lệ
Bộ Y tế vừa phát đi thông điệp cứng rắn sau vụ thuốc giả bị phát hiện tại Thanh Hóa: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong cuộc chiến chống thuốc giả.
Ngay sau khi Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá thành công đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn trên toàn quốc, Bộ Y tế đã lập tức có động thái mạnh mẽ.

Thuốc giả gây ra quá nhiều hệ lụy.
Văn bản hỏa tốc được gửi đến Sở Y tế Thanh Hóa, yêu cầu khẩn trương phối hợp với cơ quan công an cung cấp thông tin, làm rõ các tình tiết liên quan và tiến hành xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật.
Đồng thời, Bộ cũng chỉ đạo thu hồi triệt để toàn bộ số thuốc giả đã bị đối tượng đưa ra thị trường, bảo đảm không để chúng tiếp tục lưu hành và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Từ năm 2023 đến nay, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo Sở Y tế Thanh Hóa và các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, đặc biệt là đối với các loại thuốc có nguy cơ làm giả cao.
Trong đó có công văn số 10271/QLD-CL ngày 23/11/2023, công văn số 2020/QLD-CL ngày 26/04/2024 đều yêu cầu truy vết nguồn gốc các loại thuốc giả như Tetracyclin TW3, Clocid TW3, Cefixim… đã phát hiện trên địa bàn. Bộ cũng chuyển thông tin thu thập được sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo chức năng.
Ngày 9/1/2025, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C03), Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), cùng đại diện ngành y tế một số tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nam… nhằm thống nhất các giải pháp đẩy mạnh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc và cam kết xử lý triệt để, không khoan nhượng với các hành vi vi phạm.
Theo TS.Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, các sản phẩm giả trong vụ việc vừa qua chủ yếu lưu hành trên mạng và kênh bán lẻ, chưa phát hiện trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập do không đủ giấy tờ, chứng từ tham gia đấu thầu thuốc.
Tuy nhiên, điều này không làm giảm mức độ nghiêm trọng của vụ án. Bởi một khi thuốc giả có thể xuất hiện trên thị trường bán lẻ, chúng có thể dễ dàng đến tay người dân, đặc biệt là người nghèo, người dân vùng sâu vùng xa, nơi tiếp cận thông tin còn hạn chế và việc phân biệt thuốc thật - giả gần như là bất khả thi đối với người không chuyên môn.
Thuốc giả không chỉ là vấn đề chất lượng sản phẩm, mà là một loại hình tội phạm tinh vi, có tổ chức, thách thức toàn bộ hệ thống pháp lý và đạo đức xã hội.
Dù công tác quản lý chất lượng thuốc đã có nhiều chuyển biến, tỷ lệ thuốc giả và thuốc kém chất lượng được báo cáo là có xu hướng giảm, nhưng thực tế cho thấy việc sản xuất, lưu hành thuốc giả vẫn đang diễn ra, thậm chí ngày càng tinh vi hơn. Các đường dây buôn thuốc giả hiện nay không còn hoạt động đơn lẻ, manh mún mà đã tổ chức bài bản, có khâu sản xuất, đóng gói, vận chuyển, phân phối rõ ràng.
Lợi dụng sự phát triển của thương mại điện tử, mạng xã hội và các nền tảng mua bán trực tuyến, các đối tượng dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, che giấu danh tính và lách luật bằng nhiều thủ đoạn.
Trong khi đó, việc kiểm soát thuốc qua các kênh bán lẻ còn nhiều kẽ hở; các biện pháp truy vết, phát hiện sớm thuốc giả chưa đủ nhanh, chưa đủ sâu; các chế tài xử phạt hiện hành chưa tạo đủ sức răn đe, thậm chí trong một số trường hợp, chỉ dừng ở mức xử phạt hành chính là không tương xứng với mức độ nguy hiểm và hậu quả gây ra.
Cần nhìn nhận rõ rằng, thuốc giả không chỉ gây tổn thất về kinh tế và sức khỏe, mà còn làm sụp đổ niềm tin của người dân vào hệ thống y tế. Khi người bệnh không còn tin vào chất lượng thuốc, vào lương tâm người thầy thuốc, đó chính là sự đổ vỡ nghiêm trọng nhất, và là điều mà ngành Y tế không bao giờ được phép để xảy ra.
Cuộc chiến chống thuốc giả vì vậy không thể chỉ giao cho riêng ngành y, mà cần một cơ chế phản ứng nhanh, hành động dứt khoát từ nhiều phía: cơ quan điều tra, quản lý thị trường, hải quan, tư pháp và cả sự vào cuộc của truyền thông, người tiêu dùng.
Về lâu dài, theo một số chuyên gia, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý, sửa đổi Luật Dược theo hướng tăng hình phạt với hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả – đặc biệt cần xem xét đưa vào các nhóm tội danh nghiêm trọng, truy cứu trách nhiệm hình sự một cách toàn diện.
Song song đó, cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng dược phẩm, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng mã QR hoặc blockchain; khuyến khích doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối công khai minh bạch thông tin về sản phẩm để người dân dễ dàng tra cứu, xác minh, và điều quan trọng hơn cả là nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực y, dược.
Ngoài thuốc giả, tình trạng thuốc giả, sữa giả và cả thực phẩm chức năng kém chất lượng len lỏi vào một số bệnh viện thời gian qua đang gây ra tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Trước mối lo sữa giả lọt vào bệnh viện theo TS. Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh, ngay đầu tuần tới, Cục sẽ có văn bản yêu cầu tất cả các bệnh viện phải rà soát lại toàn bộ quy trình liên quan đến thuốc, thực phẩm hỗ trợ điều trị bao gồm cả việc bán cho ai, khi nào, theo dõi ra sao.
Nếu việc sử dụng các sản phẩm giả gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, thì cơ sở y tế phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trong việc tham mưu, tư vấn, chỉ định sử dụng. Ông khẳng định, quan điểm của Bộ Y tế là xử lý nghiêm, không bao che, không có vùng cấm nếu có sai phạm.
Về phía cơ sở y tế, liên quan đến vụ việc hơn 600 sản phẩm sữa giả bị phát hiện trong đường dây tội phạm vừa bị triệt phá, Bệnh viện Bạch Mai đã khẩn trương tiến hành rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng và nhà thuốc bệnh viện.
Kết quả bước đầu cho thấy chưa phát hiện bất kỳ sản phẩm nào liên quan đến đường dây giả mạo này. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Bệnh viện vẫn đang tiếp tục kiểm tra chéo, đồng thời rà soát lại việc có hay không bác sỹ, dược sỹ từng tham gia quảng cáo, tiếp tay cho các sản phẩm thực phẩm chức năng hoặc sữa không rõ nguồn gốc.
Theo PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, từ 3 năm nay, Bệnh viện đã dừng hoàn toàn việc bán thực phẩm chức năng trong nhà thuốc, đồng thời nghiêm cấm bác sỹ tư vấn, kê đơn hay giới thiệu thực phẩm chức năng cho bệnh nhân, kể cả dưới hình thức giới thiệu bên ngoài.
“Chúng tôi coi dinh dưỡng là một phần trong điều trị, và đang kiểm soát lâm sàng theo hướng cá thể hóa. Mỗi bệnh nhân được xây dựng thực đơn riêng theo thể trạng, kiểm soát chặt chẽ từng bữa ăn, từng gram đường, đạm, mỡ. Đó là cách Bạch Mai kiểm soát đầu vào thay vì chỉ đối phó với nguy cơ từ bên ngoài”, ông Cơ nói.
Ở góc độ chuyên môn, về các biện pháp quản lý, TS. Hà Anh Đức cho biết, Bộ Y tế đã có Thông tư 23/2024 hướng dẫn cụ thể về dinh dưỡng lâm sàng trong điều trị, đồng thời đang tiến hành hoàn thiện thêm các tài liệu chuyên môn để chuẩn hóa phác đồ điều trị liên quan đến dinh dưỡng.
“Chúng tôi đang xây dựng hướng dẫn rõ ràng: trường hợp bệnh nhân suy kiệt thì chỉ định ra sao, kết hợp điều trị bằng dinh dưỡng thế nào… Đây là xu hướng các nước phát triển đã làm tốt, và Việt Nam đang nỗ lực bắt kịp”, ông Đức nói.
Về phía chính phủ, Phó thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Công điện về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bộ Y tế được giao chủ trì phối hợp với Bộ Công an khẩn trương điều tra, xử lý vụ việc, đồng thời chỉ đạo các địa phương ngay lập tức rà soát, thu hồi toàn bộ thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, ngăn chặn hậu quả lan rộng.
Song song, Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan chức năng để tăng cường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, không để thuốc và thực phẩm giả tiếp tục “qua mặt” hệ thống phân phối.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế được yêu cầu đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đặc biệt tại các điểm nóng.
Các nhà thuốc, cơ sở bán buôn, bán lẻ phải đảm bảo chỉ kinh doanh các sản phẩm có giấy đăng ký lưu hành, hóa đơn chứng từ hợp lệ và rõ ràng nguồn gốc xuất xứ. Việc bán thuốc theo đơn sẽ tiếp tục được giám sát nghiêm ngặt và các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý không khoan nhượng.
Không dừng lại ở đó, Bộ cũng sẽ rà soát, hoàn thiện hành lang pháp lý, củng cố cơ chế quản lý, đồng thời tăng cường công tác truyền thông để cảnh báo người dân về các nguy cơ từ thuốc và thực phẩm giả, thúc đẩy thói quen sử dụng thuốc an toàn, khoa học.
Bộ Công an được giao nhiệm vụ tập trung điều tra nhanh chóng và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, không để lọt tội phạm và mạng lưới cung cấp hàng giả. Công an các cấp sẽ tăng cường nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện, ngăn chặn từ sớm những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả có tổ chức.
Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các địa phương và các bộ ngành liên quan tăng cường kiểm soát thị trường, đẩy mạnh các giải pháp phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng giả, đặc biệt là nhóm dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền theo đúng tinh thần Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Hiểm họa từ thuốc giả, sữa giả không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe nhân dân, mà còn làm sụp đổ lòng tin vào hệ thống y tế, làm biến chất đạo đức nghề nghiệp và tiếp tay cho tội phạm có tổ chức.
Mỗi viên thuốc, mỗi hộp sữa được kê đơn trong bệnh viện không thể là kết quả của lòng tham, lợi ích nhóm hay sự dễ dãi trong quản lý. Và đã đến lúc, công cuộc làm sạch môi trường điều trị cả về vật chất lẫn đạo đức không thể chậm trễ hơn.
Bộ Y tế đã lên tiếng rõ ràng, Chính phủ đã ra công điện cụ thể và người dân chờ đợi sự vào cuộc thực sự mạnh mẽ từ tất cả hệ thống. Một cuộc tổng pháp lý là cần thiết, và nó cần bắt đầu từ chính niềm tin của người bệnh, những người đang trông cậy từng ngày vào một viên thuốc thật, hộp sữa thật, và còn rất nhiều các sản phẩm chăm sóc sức khỏe khác.