Yêu cây từ cội rễ

Tôi không sống được những miền thiếu bóng cây. Những cây lấy đi niềm vui của tôi không phải là những tán lá mà lại là những bộ rễ.

Tôi mê từng bộ rễ cổ thụ.
Một ký ức buồn là những ngày học tiểu học, tôi chứng kiến người ta cắt gốc me chua sân trường thành nhiều đoạn nhỏ. Một gốc me cổ thụ. Bộ nhánh của nó chiếm một khoảng sân rộng và bộ rễ của nó cũng bò gần như đầy một góc sân. Những bước chân đầu đời học đường của tôi đã len lỏi qua đó. Tôi leo trèo đùa giỡn trên bộ rễ. Có khi mua một tô bánh canh, tôi ngồi lên những cái rễ cây như những hàng ghế uốn lượn, húp từng muỗng bánh nóng ấm ngọt lành.

Cuối cùng tôi nhìn từng khúc gỗ to đùng thân thuộc nằm lăn lóc dưới sân, bên cạnh bộ rễ lẽ loi trơ dưới nắng. Tôi hiểu rằng người ta sẽ san bằng mớ rễ và mãi mãi nơi bộ rễ ngoằn ngoèo đó để lại là một khoảng trống không gì bù đắp được. Mấy mươi năm sau, khoảng trống đó vẫn chơi vơi.
Một ký ức buồn khác là những bộ rễ sầu đâu ven bến sông trước nhà tôi chìm trong nước. Đi xa về, nhìn gốc sầu đâu như nhìn thấy nhà mình. Một dáng cây cằn cõi im lìm đón chào từng bước quen bước lạ. Một dáng cây hiền ngồi trên một bộ rễ sần sùi lặng lẽ. Tôi nào biết giá trị của tán lá, tôi cũng không biết giá trị của từng chồi non ở tuốt trên cao.

Tôi chỉ yêu bộ rễ nổi vì nó quá gần, tôi có thể đứng trên nó, ngồi trên nó, chạm tay vào nó mà cảm nhận làn da dạn dày mưa nắng của nó bằng tất cả các giác quan… Nó không còn là một gốc cây, không còn là một người bạn mà đã là một công trình nghệ thuật giữa tâm hồn thơ dại của tôi. Một ngày trở về tôi nhìn nó lật ngang bến nước, chìm xuống đáy sông sâu.
Bao nhiêu cây mới được trồng cũng không mang lại được cho tôi những dáng hình của bộ rễ cây mà tôi từng gắn bó.
Hồn cốt của rễ đã đi sâu vào những phần đời.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bạn tôi một người nông dân sống với bao đời cây, bao đời rễ thường hay nói cây sống được nhờ rễ chớ không phải nhờ cái thân dềnh doàng đắt giá của nó. Rễ càng khỏe cây càng thọ. Nhưng rễ nuôi cây khỏe lại là những sợi rễ lụa nhỏ li ti. Những người chuyên di dời những gốc cổ thụ làm kiểng phải dùng những vòi nước xối cho mềm phần đất quanh gốc cây để đừng tổn thương từng sợi rễ tơ, phần rễ lớn họ đã cắt trụi gần như sát gốc.
Những cái rễ lớn gần bằng thân cây tưởng như vô dụng.
Tôi nhớ bộ rễ cây bàng đôi trước sân trường tôi. Nó mạnh như những con trăn khổng lồ. Nó xé đất, đội bê tông, phá nát mặt sân mà bò rồng rắn trên mặt đất. Mọi người bực bội. Tôi cảm thấy nể cho một sức sống trầm lặng của bộ rễ. Hình như nó muốn nói cho mọi người biết đừng cấm đoán sự sống, mà sống là phải mạnh, phải vượt qua tất cả mọi rào cản. Vậy là nó tồn tại sừng sững với những cành chắc khỏe vươn dài, những tán lá xanh um qua bao mùa mưa nắng.

Cổ thụ mang một tình thương mát lành tỏa bóng râm cho từng thế hệ học trò. Nhìn học trò chơi quanh bộ rễ bàng tôi như thấy tổng hòa sự sống hiện trên đó. Các em học trò mình đang là một thực thể sống ồn ào náo nhiệt, vừa hồn nhiên vừa mạnh mẽ bên cạnh một thực thể sống trầm lặng vô ưu nhưng cũng vô cùng hồn nhiên và mạnh mẽ.
Những loại cây như bàng như phượng gặp nước là úng nên rễ nó không dám chui sâu vào lòng đất như những cây trò, cây sao có bộ rễ không sợ nước. Để trụ được cái thân phổng phao, mớ lá nặng nề tỏa tràn bóng râm tươi mát, loài nhiều loài cây phải cho rể ăn ngang, ăn nổi trên bề mặt.
Những bộ rễ phượng cũng ăn ngang ăn nổi như bàng nhưng lại hiền lành cam chịu.
Người ta cứ vây quanh nó những cái vòng thành, xây đè lên mặt rễ những khối bê tông. Nó lặng lẽ tàn úa những nhành rễ trụ. Sự sống vẫn không ngừng réo gọi. Trong sự nín nhịn muộn phiền, nó lặng lẽ chăm chút những sợi rễ tơ mong manh, cây vẫn sống, vẫn xanh rờn lá, đỏ rực bông. Cho tới một ngày nó quật khởi bằng một cơn đột tử hàng loạt.

Từng thân cây đồ sộ hàng tấn gỗ với những tán hoa lá tươi hồng đổ ầm xuống những khoảng sân bê tông sạch bóng, đổ ầm xuống những cặp mắt ngơ ngác của loài người.
Và chúng ta đã hiểu, những nhánh rễ trụ to đùng lớn đáng được sinh tồn, đáng được một không gian rồng rắn trên mặt đất.
Phải là đất chớ không phải bê tông. Tại sao phải bê tông trăm phần trăm mặt sân trường. Tôi thương cảm giác gắn bó của rễ và đất. Tôi thèm nhìn những học trò nhỏ của tôi được ngày ngày nhìn thấy vòng tay cây choàng rễ ôm đất, đất che chở bảo bọc cho cây. Ngày ngày ngồi trên đó, bước lên những bộ rễ, chơi những trò chơi cá sấu lên bờ, hay ngồi trên đó nhâm nhi một cây cà lem mát lạnh, chúng ta thấy một tuổi thần tiên hiện ra vô cùng giản di. Các em được cảm nhận rõ ràng đời sống của cỏ cây qua tiếng nói lặng thầm của rễ, nơi gần gũi với các em nhất. Những tiếng nói không thành lời nhưng nó âm ỉ vào tâm hồn từng đứa trẻ, để trẻ biết quý màu xanh, biết nâng niu sự sống lặng thầm.

Yêu cây từ cội rễ cây mới có thể trường tồn, mới bung được vòng thân khỏe mạnh, mới xòe được tán lá xanh um, trụ với thời gian, trụ với bão giông và ban tặng cho loài người những luồng hơi xanh tươi trong trẻo.
Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/yeu-cay-tu-coi-re-26655.html