Yêu nghề từ hình tượng người cha xông pha khói lửa
Trong suốt 28 năm công tác, Trung tá Vũ Thế Tú - Phó trưởng Công an huyện Sóc Sơn (CATP Hà Nội) chưa từng than thở về nhiệm vụ PCCC và CNCH mà mình đã chọn. Anh nói vui: 'Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã được tiếp xúc với công việc PCCC cùng với bố tôi. Thế nên, đó chính là… duyên nghiệp'.
Sẵn sàng sát cánh cùng đồng đội
Một buổi sáng mùa đông, tiếp chúng tôi tại Đội Cảnh sát PCCC và CNCH CAH Sóc Sơn, Trung tá Vũ Thế Tú nhớ lại, năm 2017, khi mới về nhận nhiệm vụ làm Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 5 (khi đó thuộc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) thì xảy ra vụ cháy lớn tại Công ty TNHH United Motor Vietnam nằm trong khu công nghiệp Nội Bài (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Vụ cháy xảy ra vào lúc 0h, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, hơn 10 xe chữa cháy nhanh chóng được điều động tới hiện trường.
Với vai trò chỉ huy, Trung tá Vũ Thế Tú trực tiếp vào hiện trường quan sát, đánh giá thực trạng tình hình đám cháy, sau đó chỉ đạo triển khai các mũi chữa cháy, cứu người, cứu tài sản. Do diện tích đám cháy lớn, nguyên vật liệu quá nhiều, nên đám cháy phát triển ngày càng mạnh và lan nhanh. Nếu như các trang thiết bị chữa cháy là những thứ có khả năng chịu nhiệt bền bỉ thì sức lực người lính lại hao tổn rất nhanh, cần phải thay ca liên tục để chiến đấu với đám cháy đang bốc lên ngùn ngụt. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thay nhau ra vào hiện trường, nhưng riêng Trung tá Vũ Thế Tú nhất quyết bám trụ, không để ai thay mình. Anh như một cỗ máy chạy đôn chạy đáo không biết mệt mỏi, vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp xông vào những vị trí nguy hiểm để chữa cháy cùng các đồng đội.
“Lúc đó tôi mới về nhận nhiệm vụ, lại gặp ngay vụ cháy lớn như vậy nên thú thực cũng khá lo. Vì thế, tôi đã làm việc với quyết tâm cao hơn 100% sức lực bản thân và quên mất cả thời gian, không gian lẫn sự mệt mỏi. Có trải qua những vụ cháy lớn như thế mới thấu hiểu được nỗi vất vả, nguy hiểm mà người lính PCCC và CNCH phải đối mặt là như thế nào” - Trung tá Vũ Thế Tú chia sẻ. Đám cháy âm ỉ kéo dài hơn 10 tiếng mới được dập tắt hoàn toàn. Buông phương tiện chữa cháy trên tay xuống thì cũng là lúc Trung tá Vũ Thế Tú và các đồng đội đổ gục. Ngọn lửa đã vắt kiệt sức lực của họ và đó cũng là lý do mà đến giờ những hình ảnh ấy vẫn còn in sâu trong tâm trí anh như mới xảy ra ngày hôm qua.
Năm 2018, Trung tá Vũ Thế Tú về làm Phó Trưởng CAH Sóc Sơn, phụ trách trực tiếp về lĩnh vực PCCC và CNCH từ đó đến nay. Do được đào tạo trong lĩnh vực này, có chuyên môn nghiệp vụ sâu, lại là người sống gần gũi, tình cảm nên anh luôn được Ban Chỉ huy CAH đánh giá cao, cán bộ cấp dưới yêu mến, kính trọng. “Trung tá Vũ Thế Tú là người có năng lực, trình độ chuyên môn cao, sống với đồng đội rất chan hòa. Mỗi khi có vụ việc xảy ra, đồng chí luôn có mặt tại hiện trường để chỉ huy và lao vào những mũi nguy hiểm để cùng anh em chiến đấu, hoàn thành nhiệm vụ. Từ thực tiễn kiểm tra tại các cơ sở, đồng chí còn sâu sát, chỉ ra những sai sót mà cơ sở hay mắc phải để khắc phục” - Trung tá Trần Quang Đông, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và CNCH CAH Sóc Sơn cho biết.
Trung úy Tạ Trung Kiên - cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH CAH Sóc Sơn chia sẻ thêm, Trung tá Vũ Thế Tú là người lãnh đạo gương mẫu, trong công việc rất quan tâm, sát sao tới cán bộ, chiến sĩ. Trước sự quan tâm đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đội đều tự nhận thức phải luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với kỳ vọng của chỉ huy.
Tinh thần cầu thị trong công việc
Gần 30 năm công tác, kinh qua nhiều vị trí, từ chiến sĩ nghĩa vụ đến cán bộ chữa cháy và nay là Phó Trưởng CAH phụ trách công tác PCCC, Trung tá Vũ Thế Tú vẫn không ngừng trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng những đòi hỏi của công việc. “Đối với tôi, công tác trong lĩnh vực PCCC là một cái duyên. Cha tôi cũng từng là một cán bộ PCCC rất yêu nghề. Thời trẻ, ông là thành viên Đội PCCC chuyên ngành thuộc Công ty Cơ khí cầu Thăng Long. Ngày còn nhỏ, tôi hay được ông cho đi theo đến nơi làm việc và dạy cho các kỹ năng của công việc này.
Đến khi học hết cấp 3, chính từ sự tâm huyết với nghề của cha mà tôi đã đăng ký thi vào Đại học Phòng cháy, chữa cháy. Làm lính cứu hỏa, khi xảy ra cháy thì người ta chạy ra, còn chúng tôi chạy vào. Nhiệm vụ của chúng tôi tuy thầm lặng nhưng cũng rất tự hào. Dù là chỉ huy, nhưng tôi luôn muốn sát cánh cùng anh em chiến đấu, luôn lấy các tấm gương đi trước để giáo dục tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ để có thái độ đúng mực từ phẩm chất chính trị, đến rèn luyện chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ” - Trung tá Vũ Thế Tú chia sẻ.
Đại bàn huyện Sóc Sơn có sân bay Nội Bài là cơ sở trọng điểm an ninh quốc gia, do đó công tác PCCC và CNCH tại đây luôn được xác định phải an toàn tuyệt đối. Những năm qua, Trung tá Vũ Thế Tú đã chỉ đạo Đội Cảnh sát PCCC và CNCH chủ động tham mưu, phối hợp cùng Cảng vụ hàng không tổ chức kiểm tra định kỳ, thường xuyên, hàng năm đều có diễn tập phương án lớn. Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn còn có rừng phòng hộ, công tác phòng ngừa cháy rừng cũng được anh và đồng đội đặt lên hàng đầu. Với phương châm “Rừng ở trong dân, dân ở trong rừng”, Trung tá Vũ Thế Tú luôn chủ động công tác tuyên truyền cho từng chủ hộ rừng, người dân, khách tham quan để thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, từ đó công tác PCCC rừng trong thời gian qua được đảm bảo.
Trong 7 năm công tác tại CAH Sóc Sơn, Trung tá Vũ Thế Tú đã chỉ đạo Đội Cảnh sát PCCC và CNCH của CAH tham gia xử lý thành công hàng trăm vụ cháy lớn, nhỏ trên địa bàn. “PCCC và CNCH là trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng tôi. Không ai muốn có cháy để phải đi chữa cháy, chúng tôi luôn mong cuộc sống của người dân được bình yên, an toàn. Và để làm được điều đó, chúng tôi xác định công tác vận động, tuyên truyền phòng ngừa cháy nổ sâu rộng trong nhân dân là giải pháp cấp bách, phải được đặt lên hàng đầu” - Trung tá Vũ Thế Tú khẳng định.