Yêu nước theo từng cách riêng

Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa có 3 địa điểm cách ly với hàng trăm người. Để chia sẻ với chính quyền địa phương trong phòng chống COVID-19, người dân trên địa bàn đã chung tay đóng góp, hỗ trợ từ những sản phẩm cây nhà lá vườn đến đóng góp tiền của. Mỗi người yêu nước theo cách của riêng mình để xây dựng một xã hội tốt đẹp, an toàn hơn.

 Khẩu trang kính của bác sĩ Hà Lê Vân tặng các lực lượng chức năng ở cửa khẩu Densavan -Lào. Ảnh: Y.M.S

Khẩu trang kính của bác sĩ Hà Lê Vân tặng các lực lượng chức năng ở cửa khẩu Densavan -Lào. Ảnh: Y.M.S

Những ngày qua, dù công việc chuyên môn bận rộn nhưng bác sĩ Hàn Lê Vân ở Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa vẫn đau đáu khi nghĩ về những đồng nghiệp đang ở đầu tuyến, hằng ngày tiếp xúc với người cách ly; về những chiến sĩ Biên phòng, nhân viên y tế tại cửa khẩu đang đối mặt với những hiểm nguy vì COVID- 19. Tất cả họ làm việc trong môi trường chịu nhiều rủi ro, nguy hiểm. Bằng nguồn tiền của mình và các cá nhân hảo tâm đóng góp, bác sĩ Vân đã chủ động làm hàng loạt khẩu trang kính để trang bị cho những người trực tiếp làm nhiệm vụ chống dịch. “Với chi phí khoảng 5-7 ngàn đồng/cái, thời gian để hoàn thiện một cái khẩu trang kính cũng rất nhanh. Em muốn gửi món quà này, cho những người thường xuyên tiếp xúc với người cách ly để tránh được giọt bắn của nước bọt”, bác sĩ Vân tâm sự.

Không dừng lại ở đó, bác sĩ Vân đã tìm được các nguồn vốn từ nhà tài trợ, các doanh nghiệp trên địa bàn để tổ chức sản xuất hàng loạt. Đến nay đã có hàng trăm khẩu trang kính trang bị cho các trạm y tế, trạm kiểm soát Biên phòng ở dọc biên giới huyện Hướng Hóa. Đặc biệt, ngày 31/3 vừa qua, 50 chiếc khẩu trang kính đã “xuất ngoại”, gửi tặng cho các chiến sĩ nước Lào làm việc ở Cửa khẩu Quốc tế Densavan (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào). “Ở chợ, các quầy tạp hóa, các tiểu thương tiếp xúc nhiều người nhưng chỉ đeo khẩu trang vải, không an toàn lắm nên em quyết định thức đêm, dành thời gian cùng cả đội làm thêm khẩu trang để tặng họ. Em và nhiều người khác chỉ mong muốn ai cũng được an toàn để lao động, để cống hiến…”, Vân chia sẻ.

Vợ chồng thầy Lý Chí Thành và cô Lê Thị Lan Anh là những cái tên quen thuộc đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Những năm qua, ngoài công việc chính là dạy học, thầy Thành, cô Anh đã dành nhiều thời gian để làm thiện nguyện. Từ nồi cháo ở bệnh viện đến những chiếc áo ấm cho trẻ vùng cao và nhiều món quà ý nghĩa được thầy cô huy động từ nguồn lực xã hội đã mang đến cho người nghèo sự động viên lớn lao. Trong thời điểm xảy ra COVID19, khi nguồn khẩu trang khan hiếm thì cô Lan Anh đã đích thân ngồi may khẩu trang cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đã có hơn 1.500 khẩu trang do đội của cô Lan Anh may được phát cho đồng bào Vân Kiều ở các bản của xã Tân Liên, Tân Lập và Húc. Dự kiến 1.000 khẩu trang cùng nước rửa tay sẽ đến với bà con vùng khó. Những địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa đang thiếu thốn trăm bề, có được những chiếc khẩu trang để phòng chống dịch từ bàn tay cần mẫn của những cô giáo giàu lòng nhân ái, có trách nhiệm với cộng đồng là một món quà ý nghĩa.

Ông Lê Văn Tiến là Giám đốc Công ty LB Phú Trọng - doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu gỗ, đóng trên địa bàn thị trấn- cho biết, dù đang trong mùa dịch, mọi hoạt động đều bị ngưng trệ nhưng khi thị trấn Lao Bảo kêu gọi chung tay chống dịch, doanh nghiệp sẵn sàng ngay. Những món quà tặng các chốt cách ly, các chốt canh trực của lực lượng Biên phòng, y tế đang làm nhiệm vụ dọc biên giới là tình cảm của doanh nghiệp, của công dân đối với xã hội. Rồi những tấm lòng của “lớp người đi trước” như cụ bà Lê Thị Sen đã 100 tuổi, nhưng vẫn dành số tiền mình tiết kiệm được để đóng góp cho công tác phòng, chống COVID-19; lão nông Hà Khoa ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa xin hiến hàng trăm mét vuông đất, bán lấy tiền ủng hộ nhà nước chống dịch… Họ thể hiện lòng yêu nước bằng cách riêng của mình như thế đó, bình dị nhưng thật cao quý.

Yên Mã Sơn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=147708