YÊU QUÊ HIẾN KẾ CHO QUÊ

Mỗi người sinh ra đều có một quê hương. Lẽ thường, ai cũng muốn quê mình thật đẹp, thật văn hóa, thật mạnh giàu, là nơi để mỗi người tự hào khi nhắc tới. Và mỗi người con quê hương hiểu rằng, để quê mình 'thay da đổi thịt', không ai khác, chính họ phải trực tiếp góp công, góp của, góp trí tuệ mà xây lên những trạm xá, trường học, công xưởng, con đường, tạo dựng sinh kế, gìn giữ bản sắc văn hóa...

Mỗi vùng quê, mỗi địa phương có cách làm đặc sắc, như cách mà những người con quê hương Đắc Lắc chia sẻ sự hiểu biết, tình cảm, trí tuệ, tâm huyết... của mình bằng việc đưa đề xuất những giải pháp, ý tưởng thiết thực, phù hợp, có tính khả thi cao để xây dựng quê hương theo lời kêu gọi trong Cuộc vận động "Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Đắc Lắc giàu đẹp, văn minh” đang được nhiều địa phương tham khảo, học tập.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Ảnh minh họa: TTXVN.

Không phải là những gì to lớn, không phải những ý kiến chồng chéo hay thay thế các văn bản chỉ đạo của tỉnh mà những ý kiến hiến kế này đôi khi chỉ đơn giản là về cách làm hay và cụ thể cho một ngành, một địa bàn nào đó hoặc một biện pháp để xử lý một vấn đề tồn tại. Như anh Trần Phước Hưng (sinh năm 1991), một chiến sĩ công an, hiện đang công tác tại Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và môi trường (Công an huyện Krông Bông) đã hiến kế phát triển du lịch trồng hoa đại trà kết hợp với du lịch tìm hiểu lịch sử, văn hóa, sinh thái trên địa bàn huyện Krông Bông. Còn Thạc sĩ Hồ Ngọc Đô, sinh ra và lớn lên tại thôn Tân Thành, xã Hòa An, huyện Krông Pắc, hiện đang giảng dạy bộ môn Lý luận nhà nước và pháp luật (Khoa Luật, Trường Đại học Bình Dương), sau khi nghe tin về cuộc vận động đã nghĩ ngay đến ý tưởng ngăn chặn nạn phá rừng và bảo vệ những cánh rừng ở quê hương mình nói riêng thông qua các hoạt động pháp lý.

Trực tiếp chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư tập trung, đặc biệt là các khu đô thị tại Đắc Lắc mỗi khi về quê, chị Trần Thị Kiều sinh ra và lớn lên tại xã Hòa An, huyện Krông Pắc, hiện đang làm việc cho công ty phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp ở quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn hiến kế để xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu đô thị của tỉnh Đắc Lắc, thông qua những kinh nghiệm đã được tai nghe mắt thấy ở các thành phố lớn... Còn hàng trăm ý kiến thiết thực như thế nữa, điều này cho thấy cuộc vận động đã có tác động lan tỏa rất lớn khi mọi người chung tay đóng góp các giải pháp khả thi để phát triển tỉnh Đắc Lắc giàu đẹp, văn minh.

Giá trị lớn nhất nằm ở chỗ, những kế sách ấy bám sát nhu cầu thực tiễn ở địa phương; biết rõ địa phương muốn làm gì và khả năng thực tế đến đâu. Đúng như ông Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đắc Lắc phát biểu tại lễ tổng kết, trao thưởng cho các cá nhân, tập thể: Cuộc vận động tuy chỉ diễn ra trong thời gian 6 tháng (từ ngày 10-3 đến 30-9-2020) nhưng đã có tới 218 ý kiến hiến kế có chất lượng cao; các sở, ban, ngành của tỉnh sẽ xem xét cụ thể từng ý kiến để triển khai, nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý, con người... theo định hướng phát triển chung của Trung ương và của tỉnh, để đem lại những hiệu quả thiết thực trong thực tế, góp phần xây dựng tỉnh Đắc Lắc giàu đẹp, văn minh.

Cuộc vận động hiến kế tạm khép lại, nhưng những ý tưởng để xây dựng quê hương giàu mạnh thì sẽ không bao giờ dừng lại. Đúng như ông Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV xã hội Bồ Công Anh, đại diện cho những tác giả, nhóm tác giả có bài hiến kế được trao thưởng, chia sẻ: “Chúng tôi gửi bài hiến kế không phải vì giải thưởng, không phải vì lợi ích cá nhân mà vì tình yêu đối với quê hương Đắc Lắc. Do đó, tôi mong muốn những hiến kế khả thi, có tính thực tiễn cao sẽ được các cấp quan tâm, áp dụng vào thực tế”.

NGUYỄN HÒA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/lang-kinh-van-hoa/yeu-que-hien-ke-cho-que-653971