Yêu sách
Vừa rồi chị tổ chức sinh nhật cho con gái năm nay học lớp 8. Đến phần mở quà, chị thấy nhiều món quà là những vật kỷ niệm rất dễ thương nhưng không thấy có cuốn sách nào. Đến khi con của chị được bạn mời dự sinh nhật, cháu nhờ chị chở ra nhà sách mua quà. Cháu chọn những thứ như: Đồng hồ để bàn, đồ chặn giấy, đồng hồ cát, nhật ký có chìa khóa, thú bông… Chị gợi ý cháu mua tặng bạn một cuốn sách nhưng cháu lắc đầu: 'Bạn ấy không thích đâu'.
Nhớ lại ngày xưa, thời tôi học Tiểu học, học trò chẳng có gì giải trí ngoài sách. Những giáo viên trẻ, đầy nhiệt huyết như những ngọn gió mới, làm không khí các trường sôi động hẳn lên với những phong trào thi đua văn nghệ, học tập, đố vui để học… Cô Nở dạy tôi lớp 5. Hàng ngày, cô bắt học trò lau sạch sẽ hành lang để giờ ra chơi hay đầu giờ các bạn cùng nhau mang sách ngồi bệt xuống sàn đọc. Trong lớp, cô làm một cái kệ sách, cô kêu gọi các bạn đem sách ở nhà đến nộp, mỗi bạn một cuốn, cả lớp thay phiên nhau đọc, khi nào đọc hết, cô lại kêu gọi trò nộp tiếp hay đem sách về nhà đổi sách khác. Cô cũng kêu các bạn bớt chút tiền ăn quà góp lại để cô mua sách mới. Hồi ấy sách không đắt lắm, do đó, tủ sách của lớp thường xuyên có sách mới, lúc nào cũng có sách để đọc.
Do vậy, từ lớp 5, chúng tôi đã ý thức về việc đọc sách nên yêu quý sách. Thói quen này theo dần đến lớn, vớ được cuốn nào đọc cuốn đó, đi đến nhà ai cũng chỉ chăm chăm vào tủ sách. Thói quen đọc sách giúp tạo thói quen giữ gìn sách, biết phân loại và tạo thư mục cho tủ sách cá nhân. Tôi có sổ ghi “gia tài” mình có những loại sách nào, ai mượn tôi ghi rõ tên, ngày mượn, ngày trả. Từ thói quen đó, tôi biết, có nhiều gia đình giữ gìn sách hàng nửa thế kỷ mà sách vẫn còn tốt.
Thật ra, nếu cho rằng giới trẻ ngày nay lười đọc sách cũng đúng mà cũng chưa đúng. Cần phải hiểu theo nghĩa đọc sách không chỉ là sách giấy mà còn sách điện tử. Tất cả những vấn đề thắc mắc cần tra cứu trong các sách có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng và luôn được cập nhật mới.
Người dễ tính phát biểu, cuộc sống quay cuồng đến chóng mặt như hiện nay, giới trẻ có nhiều việc phải băn khoăn hơn là ngồi làm con mọt sách. Ngoài học tập nâng cao tri thức, chuyên môn, kiếm sống, đầu tư công sức cho công việc, còn các khoản vui chơi, giải trí, du lịch. Khó có thể đòi hỏi các bạn trẻ dành thì giờ vào sách trong khi họ luôn cảm thấy thiếu thời gian.
Nhìn lại thị trường sách để thấy sách nhiều quá, chất lượng hay không chưa biết, quan trọng là sách quá đắt, vượt khả năng của người ham mê đọc sách, phần đông là người lớn tuổi, sinh viên, công chức có thu nhập không cao… Một cô bán sách gần hai mươi năm cho biết, phần lớn khách mua sách bao nhiêu năm vẫn chỉ là khách quen; đối tượng nào mua sách gì thì gần như khi ra hiệu sách họ cũng chỉ coi và mua sách đó. Ví dụ như, sách kỹ thuật hay kinh tế, sách chính trị thì bán theo mùa, đó là những mùa làm luận văn của các trường đại học, cao đẳng; sách văn học chủ yếu bán cho khách quen, những người đứng tuổi; loại sách về nghệ thuật, chim, cây, cá cảnh... thì lại được sự quan tâm của các anh bộ đội... Đặc biệt, đối tượng mua sách không giàu có lắm.
Từ đó, vài người lớn băn khoăn, có phải do lười đọc sách trong giới trẻ hay không mà hiện nay có một hiện tượng là giới trẻ viết sai chính tả nhiều quá. Bên cạnh đó, sách cũng có phần cẩu thả trong việc in ấn, chữ nghĩa, lỗi chính tả.
Đổ qua, đổ lại, lỗi tại ai khoan phân tích, nhưng trong gia đình, cha mẹ có đứa con ham đọc sách là điều rất mừng. Thế nhưng, làm sao cho con cái ham đọc sách, giảm thời gian online phải chăng là điều mong mỏi của cha mẹ thời hiện đại? Họ có cổ hủ quá không?.
KIM DUY
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202211/yeu-sach-8268827/