Yêu sớm và những hậu quả đáng tiếc: Làm gì để ngăn chặn?

Chuyên gia cho rằng, các bậc phụ huynh và nhà trường cần quan tâm hơn tới việc giáo dục giới tính và định hướng cách sử dụng mạng xã hội cho học sinh để tránh những hậu quả đáng tiếc từ việc 'yêu sớm'.

Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ học sinh phổ thông sinh con.

Hàng loạt nữ sinh chưa kịp lớn đã làm mẹ

Tình yêu là nguồn cơn của nhiều giây phút khó phai trong cuộc sống nhưng "yêu sớm" lại chưa bao giờ được khuyến khích, bởi có những thứ chỉ nên trải nghiệm khi đã đủ kiến thức. Ngày nay với sự phát triển của mạng xã hội, việc "yêu sớm" lại càng trở nên dễ dàng với những đối tượng chưa có đủ kiến thức, cụ thể là các em học sinh.

Tình yêu tuổi học trò không sai, thậm chí nó còn góp phần tạo nên một thời thanh niên sôi nổi trong mỗi người. Nó chỉ sai khi kéo theo những hậu quả đáng tiếc. Lý do của yêu sớm thì có nhiều nhưng một trong những lý do chính là vì tình trạng dậy thì sớm ở trẻ em Việt Nam hiện nay. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong giai đoạn từ tháng 9/2017 đến tháng 4/2021, có 694 trẻ dậy thì sớm, trong đó có 21 bé trai (tỷ lệ 3%) và 673 bé gái (tỷ lệ 97%).

Với mỗi đứa trẻ, dậy thì luôn là thời điểm phá vỡ những rào cản để khám phá và chứng minh mình đã lớn. Mạng xã hội ngày nay đang làm những tò mò đầu đời ấy có cơ hội được trải nghiệm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, trong những trải nghiệm đó đã mang lại những hệ lụy đáng tiếc cho các em.

"Nữ sinh chưa kịp lớn đã làm... mẹ" không chỉ xảy ra gần đây mà diễn ra lâu nay với hàng loạt vụ việc. Cụ thể, hồi cuối năm 2022, trường hợp nữ sinh lớp 5 ở Phú Thọ sinh con trai 3,2kg đã làm nhiều người phải sửng sốt.

Theo thông tin ban đầu từ phía gia đình, bố của em bé là một nam sinh cùng xóm, mới học lớp 8. Các em thường xuyên trò chuyện qua mạng xã hội, sau một thời gian, nam sinh này đã sang nhà rủ cô bé lớp 5 "chơi trò người lớn".

"Trò chơi" đó của các em như có thêm đất diễn trong bối cảnh gia đình bé gái, mẹ thì đi làm phụ hồ xa nhà, bố sức khỏe yếu, thường xuyên rượu chè..

Trước đó ít ngày, sự việc nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang tự sinh con trong nhà tắm cũng khiến dư luận bàng hoàng. Thời điểm đó, cô bé chưa đến 12 tuổi có quan hệ yêu đương với người bạn trai chưa đến 16 tuổi, cả 2 đã làm "chuyện người lớn" mà không có chút kiến thức tình dục an toàn nào.

Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ học sinh sinh con ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, hàng trăm ngàn ca phá thai mỗi năm, mà trong đó vị thành niên chiếm tỷ lệ lớn. Đây chỉ mới là con số được thống kê, còn thực tế nhiều bạn gái khi mang thai thường giấu gia đình đến các cơ sở tư nhân "giải quyết hậu quả".

Theo báo cáo kết quả điều tra mục tiêu phát triển bền vững quốc gia (SDG) do Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện, công bố năm 2022, khoảng 22-28% thanh niên 15-24 tuổi có quan hệ tình dục trong 12 tháng qua. Tỷ lệ nam thanh niên quan hệ tình dục trước 15 tuổi là 0,2% trong khi ở nữ là 0,9%. Gần 9% phụ nữ 15-19 tuổi đã quan hệ với bạn tình hơn mình 10 tuổi trở lên trong 12 tháng qua.

Cần quan tâm hơn tới việc giáo dục giới tính

Trao đổi với PV Báo PNVN, Chuyên gia Giáo dục độc lập, TS. Vũ Thu Hương, cho biết, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới việc "yêu sớm" của các em học sinh đó là quá nhàn rỗi. Bên cạnh đó là thiếu sự quan tâm dạy dỗ từ phụ huynh, nhà trường.

"Hiện nay các em học sinh có quá ít các hoạt động. Ngoài giờ học, gần như các em chỉ ở nhà và sử dụng mạng xã hội. Khi tham gia mạng xã hội, nhiều khi các em chưa nghĩ đến chuyện yêu đương này nọ. Nhưng trên không gian mạng, có quá nhiều thứ để các em tò mò, trong đó có chuyện tình cảm, yêu đương…

Nhiều em học sinh khi yêu đã không nhận thức được những kiến thức cơ bản của việc quan hệ tình dục. Đây cũng là lý do dẫn tới những vụ việc đáng tiếc như thời gian vừa qua: Đó là liên tiếp các vụ học sinh sinh con…", bà Hương cho hay.

Bà Hương cho rằng, để xảy ra các vụ học sinh sinh con, một phần nguyên nhân cũng là do phụ huynh đã "bỏ quên" việc giáo dục giới tính cho con mình. Để giảm thiểu các vụ việc tương tự, phụ huynh, nhà trường cần quan tâm hơn tới việc giáo dục giới tính…

Chuyên gia Giáo dục độc lập, TS. Vũ Thu Hương

Chuyên gia Giáo dục độc lập, TS. Vũ Thu Hương

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh, anh chị, thầy cô với kinh nghiệm và sự hiểu biết cần phải là người hướng dẫn cho các em hướng đi đúng đắn trong lúc sử dụng mạng xã hội.

Quan trọng hơn cả, cha mẹ nên làm gương cho con trong việc kết nối với người thân quen qua mạng xã hội, khuyến khích trẻ giao lưu, tương tác trực tiếp hơn là phụ thuộc vào bàn phím điện thoại, máy tính.

Đồng thời cần định hướng trẻ tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao hoặc tìm niềm vui trong việc phụ giúp cha mẹ…

"Việc cấm đoán con không được sử dụng mạng xã hội là điều không dễ dàng, nhưng việc bố mẹ dành thời gian quan tâm, chỉ dạy và định hướng cho con mình để trẻ có những nhận thức đúng đắn khi tham gia mạng xã hội thì lại hoàn toàn có thể thực hiện. Ngoài sự quản lý của gia đình, nhà trường thì các tổ chức, đoàn thể cần có những chương trình giáo dục, hướng dẫn trẻ kỹ năng tiếp xúc với mạng xã hội, đồng thời cần tạo ra những sân chơi bổ ích nhằm thu hút trẻ…", bà Hương nói.

Nguyễn Long

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/yeu-som-va-nhung-hau-qua-dang-tiec-lam-gi-de-ngan-chan-20230628105822161.htm