Yếu sức cạnh tranh, xuất khẩu rau quả giảm nhẹ
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang có dấu hiệu sụt giảm bởi phụ thuộc nhiều vào một thị trường cũng như những yếu kém trong khâu chế biến sâu. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết tình hình xuất khẩu rau quả hiện nay của Việt Nam?
Như các số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) thì trong 8 tháng đầu năm nay ngành hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã có sự sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ. Và hiện tại Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam với 71,94% thị phần. Tuy nhiên trong 7 tháng qua xuất khẩu rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,65 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ, dẫn tới kim ngạch chung của toàn ngành bị giảm.
Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả giảm sau thời gian tăng trưởng khá cao từ mấy năm qua?
Như đã nói ở trên, thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam hiện vẫn là Trung Quốc. Trong khi đó, mấy tháng đầu năm nay Trung Quốc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, tăng cường quản lý chất lượng và mặt hàng rau quả Việt Nam chỉ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung. Hải quan nước này còn yêu cầu phải làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu đã được chỉ định là cửa nhập khẩu trái cây. Tất cả đã gây không ít trở ngại cho ngành hàng rau quả. Ở các thị trường khác, việc đảm bảo và đáp ứng các tiêu chuẩn lại vô cùng khắt khe nên chỉ có những doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn mới có thể xuất khẩu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp của ngành chủ yếu là những doanh nghiệp vừa, nhỏ nên thiếu vốn, yếu công nghệ, kỹ thuật để có thể đầu tư cho chế biến sâu dẫn tới giá trị gia tăng không cao, khó tiếp cận thị trường… cũng là nguyên nhân kéo kim ngạch sụt giảm. Vì thế ngành đang kêu gọi đầu tư cải tiến công nghệ, tăng chế biến sâu, từ đó nâng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia các hội chợ về công nghệ chế biến nông sản để biết thêm những công nghệ mới, từ đó tìm hướng liên kết hoặc đầu tư nâng cao công nghệ chế biến cho doanh nghiệp mình.
Như ông có chia sẻ thì ngành đang kêu gọi đầu tư, vậy lượng vốn đầu tư vào chế biến rau quả thời gian qua có khả quan không, thưa ông?
Nhìn chung đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, trong đó có chế biến sâu rất ít. Nếu tính ra thì chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng vốn đầu tư mỗi năm vào ngành nông nghiệp của Việt Nam. Sở dĩ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ít vì đặc thù của ngành nông nghiệp là phải có sự đầu tư lâu dài, việc thu hồi vốn, lãi diễn ra chậm… vì thế mà rất khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Với đặc thù trên, theo ông chính sách thu hút đầu tư của ngành cần cải thiện gì?
Hiện Chính phủ đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, còn các địa phương cũng đưa ra nhiều dự án kêu gọi vốn, cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung và chế biến sâu cho nông sản nói riêng. Chẳng hạn như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thuê đất mở nhà máy…
Tuy nhiên để công nghiệp chế biến nông sản phát triển đòi hỏi nhiều vấn đề, không chỉ vốn, kỹ thuật mà còn hạ tầng giao thông, logistics. Bởi lẽ nếu lập nhà máy rồi nhưng khi vận chuyển nguồn nguyên liệu từ địa phương này tới địa phương khác để chế biến mà gặp phải hạ tầng giao thông không tốt thì cũng rất khó khăn. Vì thế rất cần sự chung tay của các bộ ngành trong việc cải thiện hạ tầng giao thông tại các địa phương, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/yeu-suc-canh-tranh-xuat-khau-rau-qua-giam-nhe-124748.html