Yêu thương không hình hài

Triển xin phép được vào thăm anh trai lần cuối. Căn phòng lạnh lẽo, tiếng máy thở đều đều trong không gian tĩnh lặng. Triển nắm lấy bàn tay gầy còn chút ấm áp sự sống của anh trai, nấc nghẹn:

“Anh ơi, nếu anh đồng ý, hãy cho em biết dấu hiệu”.

Tiếng máy thở bỗng nhanh hơn. Một ngón tay của anh trai khẽ rung, yếu ớt động đậy. Như một lời đồng ý lời cuối cùng với em trai. Nước mắt Triển tuôn trào, anh ôm chặt anh trai. Lời từ biệt ấy như xé nát tim anh, nhưng cũng chất chứa một niềm tin mãnh liệt. Triển vội vã trở ra...

Ở hành lang lạnh lẽo của bệnh viện, hiện ra trong đầu Triển bấy giờ là quê nhà. La Ba, một ngôi làng nhỏ nép mình dưới chân núi, là nơi Triển cất tiếng khóc chào đời và lớn lên cùng những tiếng chim, tiếng suối. Tuổi thơ của Triển gắn liền với tình cảm, kỷ niệm của người anh trai hơn vài tuổi, người mà anh yêu thương mà cũng tâm tư nhất. Mỗi chiều tà, khi nắng vàng rót mật trên những rẫy bắp, hai anh em lại rủ nhau lang thang nghịch phá cùng đám trẻ trong làng. Tiếng cười giòn tan hòa trong tiếng gió. Cuộc sống nghèo khó, quanh năm bạn với đồng áng, theo chân đàn dê trên những triền đồi, cơm sắn, rau luộc nhưng chưa bao giờ thiếu vắng sự ấm áp và tình thương yêu của gia đình.

Anh trai Triển trầm tĩnh, ít nói. Anh ít khi bộc lộ cảm xúc, nhưng trong trái tim ấy là một tình yêu mãnh liệt, cháy bỏng dành cho cô gái hàng xóm. Mối tình đầu đời ấy cứ ngỡ sẽ đơm hoa kết trái, cho đến một ngày bi kịch ập đến. Ngay trước mắt anh, cô gái anh yêu thương đã lao mình vào chiếc xe tải đang lao tới, kết thúc cuộc đời trong phút chốc. Kể từ ngày định mệnh đó, anh trai Triển sống trong những cơn ác mộng dai dẳng, rồi căn bệnh động kinh cứ thế tìm đến, giày vò thể xác và tâm trí anh.

MH: VÕ VĂN

MH: VÕ VĂN

Gia đình Triển nghèo, cũng cố dốc sức chạy chữa cho anh trai khắp nơi, từ Nam ra Bắc, từ những thầy lang vườn đến các bệnh viện lớn. Bệnh tình lúc thuyên giảm, lúc tái phát dữ dội, khiến người anh rơi vào trạng thái tự ti, trầm cảm. Dẫu vậy, bằng một cách nào đó, anh trai Triển vẫn cưới vợ và chào đón một cậu con trai kháu khỉnh. Triển nhớ như in ngày cháu trai anh chào đời, anh mình đã nở nụ cười hiếm hoi, một nụ cười hiện lên hạnh phúc le lói. Nhưng rồi “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, người vợ trẻ rốt cuộc đã không chịu nổi gánh nặng nghèo khó và căn bệnh của chồng, quyết định bỏ lại hai cha con để ra đi. Anh trai Triển thành người cha đơn thân, vật lộn nuôi con trong cảnh túng quẫn.

Nhiều năm sau đó, Triển đã trưởng thành, anh từ giã làng quê vào Sài Gòn lập nghiệp. Những khoản tiền dành dụm ít ỏi ban đầu, Triển đều đặn gửi về quê, chủ yếu cho người anh trai đáng thương của mình. Lẽ ra cuộc sống cứ vậy tiếp diễn để ngày mai tốt hơn sẽ đến. Nhưng đại dịch xảy ra, mọi thứ đều thay đổi. Công việc ngày một ít đi. Đứa cháu trai của Triển cũng lớn lên, nó cần ăn học đến nơi đến chốn. Triển đã đưa cả hai vào Sài Gòn để tìm việc làm cho anh và tiện thể nuôi đứa cháu tốt hơn.

***

Một ngày Sài Gòn không mưa không nắng. Triển thấy cuộc gọi đến của anh trai. Nhưng giọng bên kia lạ hoắc.

“Anh trai của em bị rơi giàn giáo, đã đưa đi cấp cứu”.

Sét đánh ngang tai Triển. Anh vội vã lao vào bệnh viện, ngực như bị bóp nghẹt khi nghe bác sĩ báo:

"Anh trai em đã chết não, chỉ còn thở nhờ máy".

Triển đứng như trời trồng. Anh thất thần, nước mắt đã cạn khô trong cơn đau tột độ. Đầu anh ong lên những câu hỏi không lời đáp, ký ức tuổi thơ ùa về như một thước phim quay chậm. Đột nhiên, một nữ bác sĩ tiến lại gần, giọng nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát:

“Chúng tôi muốn đưa ra một đề nghị. Nếu gia đình đồng ý hiến tặng nội tạng, chúng tôi có thể cứu sống nhiều sinh mạng khắp cả nước. Anh cần quyết định nhanh...”.

Triển nghẹn lời. Nỗi đau mất mát trộn lẫn với một ý nghĩ lớn lao về sự sống và cái chết. Dù lòng quặn thắt, anh vẫn hít một hơi thật sâu, gọi điện về cho cha mẹ ở quê. Một khoảng lặng kéo dài qua điện thoại, đủ để Triển cảm nhận được nỗi đau và sự đấu tranh trong lòng cha mẹ. Cuối cùng, sau những tiếng nấc nghẹn ngào, giọng cha anh run rẩy cất lên:

“Con ơi, hãy để anh con được sống tiếp...”.

Ca phẫu thuật lấy nội tạng diễn ra sau đó, không chỉ thuận lợi mà còn kỳ lạ khó tin. Thông thường, việc lấy đa tạng từ một người chết não đòi hỏi sự cẩn trọng cao độ để đảm bảo các cơ quan được bảo quản tốt nhất. Thế nhưng, trong trường hợp của anh trai Triển, ê-kíp phẫu thuật đã chứng kiến một điều hiếm thấy: bảy cơ quan quan trọng - tim, gan, hai quả thận, hai giác mạc và tụy - đều tuyệt đối tươi nguyên, như thể vừa được cung cấp dưỡng khí một cách hoàn hảo cho đến phút cuối cùng. Các bác sĩ kinh ngạc trước chất lượng của các tạng, nó giúp cho các ca ghép tạng sau đó trở nên khả thi và thành công hơn nhiều.

Trong những lời thì thầm của y tá và bác sĩ sau ca mổ, người ta nhắc đến cái khoảnh khắc ngón tay anh Triển khẽ động đậy. Bác sĩ phẫu thuật chính, người đã có hàng chục năm kinh nghiệm, không giấu nổi sự xúc động:

“Thật hiếm thấy. Tôi chưa bao giờ thấy các cơ quan giữ được sự tươi đến như vậy từ một bệnh nhân chết não. Cứ như thể anh ấy đã tự tay dâng hiến từng phần cơ thể mình vậy”. Những lời ấy như khẳng định, minh chứng cho điều mà Triển tin tưởng, anh mình đã dùng ý chí phi thường ở khoảnh khắc cuối cùng của sự sống để trao đi món quà quý giá nhất.

***

Hơn tuần sau, bệnh viện thông báo một tin vui như xoa dịu phần nào nỗi đau của gia đình, của Triển, bảy bệnh nhân nhận tạng ở nhiều nơi trong nước đã hồi phục, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt. Một cảm giác lạ lùng trỗi dậy trong lòng anh, không là sự mất mát tuyệt vọng. Đó là niềm tin mãnh liệt, anh mình đang sống tiếp, đang ở đâu đó, trong những con người đang được hồi sinh.

***

Trong căn nhà cha mẹ ở quê nhà. Mọi thứ không nhiều thay đổi. Chờ cho cháu trai chìm vào giấc ngủ. Triển ngồi lặng nhìn tấm ảnh cũ trong điện thoại. Anh trai anh lúc còn trẻ, đứng bên một cô gái mặc áo dài trắng, nụ cười của cả hai trong trẻo như sớm mai. Cô gái ấy tên Yến, con thầy giáo trong làng. Người con gái ấy không chỉ là mối tình đầu, mà còn là tất cả thanh xuân của anh trai Triển. Họ từng hứa hẹn, từng ủ ấm cho những giấc mơ nhỏ bé giữa ruộng đồng nghèo. Nhưng Yến là người cứng cỏi. Khi biết cha mẹ không chấp nhận một chàng trai nghèo với đôi mắt u uẩn như anh trai Triển, cô đã phản kháng.

Rồi cái ngày định mệnh ấy, khi gia đình ép cô lên xe đi lấy chồng xa, Yến đã chạy điên dại ra khỏi cổng làng. Anh trai Triển chạy theo... nhưng không kịp. Chiếc xe tải lao đến. Máu vấy đỏ mặt đường. Triển nhớ về những lúc anh trai úp mặt vào gối khóc lặng, những nửa đêm, anh bật dậy chạy ra đầu làng, đứng đó đến sáng như chờ một ai đó đã mãi không quay lại. Nhưng người mà Triển nghĩ nhiều hơn là mẹ của đứa cháu trai anh. Cô ấy có tội tình gì đâu. Anh hai làm vậy như tạ lỗi với đời rồi.

***

Triển trở lại Sài Gòn. Cuộc sống tiếp diễn, nhưng trong thâm tâm Triển, anh trai chưa bao giờ thật sự rời xa. Triển dành hết tình yêu thương để nuôi dạy cháu trai. “Nó sẽ là niềm hy vọng của dòng họ, của gia đình mình. Chị hai ngày nào đó sẽ trở lại với con thôi”, anh tâm nguyện và hy vọng.

Trên đường phố chật chội ở Sài Gòn, Triển luôn có cảm giác kỳ lạ. Không hình hài. Nhưng sao Triển nhìn đâu cũng thấy anh trai mình. Và thấy chị Yến.

LỮ NHÂN

Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/yeu-thuong-khong-hinh-hai-54609.htm