Yếu tố kinh tế đằng sau quyết định dừng trừng phạt Nga của Tổng thống Trump

Tổng thống Trump gây chú ý khi cân nhắc rút lệnh trừng phạt Nga để mở rộng cơ hội kinh tế cho Mỹ. Quyết định này có thể khiến NATO rạn nứt và thay đổi cục diện toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang có kế hoạch thay đổi đáng kể chính sách đối với Nga, ưu tiên các lợi ích kinh tế của Washington hơn là tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt. Động thái này, được cho là nhằm tối đa hóa cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp Mỹ, đang gây ra những rạn nứt sâu sắc trong liên minh NATO và khiến các đồng minh châu Âu lo ngại.

Theo các quan chức Mỹ và thông tin từ tờ New York Times ngày 21/5, sau cuộc điện đàm kéo dài hai giờ với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 19/5, Tổng thống Trump đã bày tỏ ý định rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, đồng thời rút lại lời đe dọa tham gia chiến dịch gây sức ép cùng châu Âu, bao gồm các lệnh trừng phạt mới đối với Nga.

Vì sao ông Trump thay đổi chính sách?

Lý do chính được một quan chức Nhà Trắng tiết lộ là "các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga sẽ cản trở sự phát triển kinh doanh và tổng thống muốn tối đa hóa các cơ hội kinh tế cho người Mỹ". Quan điểm này cho thấy ông Trump đặt nặng vấn đề kinh tế và tin rằng việc bình thường hóa quan hệ với Moskva sẽ mở ra những cơ hội mới cho các công ty Mỹ, đặc biệt là trong ngành năng lượng và khoáng sản đất hiếm của Nga.

Trong cuộc thảo luận với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo châu Âu, ông Trump dường như đã ngụ ý rằng kỷ nguyên của những nỗ lực ngoại giao, viện trợ vũ khí cho Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga của Mỹ sắp kết thúc. Một số quan chức châu Âu cho biết, họ hiểu rằng không nên mong đợi Mỹ sẽ cùng họ gây thêm áp lực tài chính lên Nga trong thời gian tới.

Thực tế, Tổng thống Trump đã chuyển hướng sang mục tiêu mà một số nhà lãnh đạo châu Âu tin là mục tiêu thực sự của ông: bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Moskva. Ông Trump đã công khai cân nhắc việc rời khỏi các cuộc đàm phán hòa bình và mong muốn đưa Mỹ ra khỏi các cuộc thảo luận để chuyển sang thực hiện các thỏa thuận kinh doanh với Nga.

Lập trường "xích lại gần Nga" của Tổng thống Trump đã làm dấy lên lo ngại sâu sắc trong số các nhà lãnh đạo châu Âu, những người đã phối hợp nỗ lực gây sức ép với Nga về lệnh ngừng bắn. Sự khác biệt giữa Mỹ và châu Âu về việc ủng hộ Ukraine có khả năng sẽ gia tăng tại hai hội nghị thượng đỉnh sắp tới: hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada vào giữa tháng 6 và hội nghị thượng đỉnh NATO tại Hague một tuần sau đó.

Theo một quan chức cấp cao của châu Âu, ông Trump dường như chưa bao giờ thực sự quan tâm đến việc tham gia trừng phạt Nga nếu nước này từ chối lệnh ngừng bắn vô điều kiện. Những lời đe dọa của ông chủ yếu mang tính chỉ trích, và Mỹ đã không tham gia vào việc xây dựng các biện pháp trừng phạt mới.

Tờ New York Times nhận định, nếu ông Trump không thay đổi chính sách của mình một lần nữa, thì Tổng thống Putin sẽ có được lợi thế: không chỉ chấm dứt áp lực từ Mỹ mà còn tạo ra rạn nứt sâu sắc trong NATO, giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu của họ.

Trong khi EU tuyên bố về gói trừng phạt mới (gói trừng phạt thứ 17) đối với Nga, thì Mỹ dường như đang chuẩn bị đi theo hướng ngược lại, tìm cách tách khỏi Ukraine và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga. Các nguồn tin cho biết, Tổng thống Putin dường như hiểu được mong muốn thương mại của ông Trump và đã hướng hầu hết các cuộc trao đổi của họ vào các mối quan hệ kinh tế tiềm năng.

Mặc dù các quan chức Mỹ lập luận rằng các lệnh trừng phạt hiện hành đối với Nga, được áp dụng sau cuộc xung đột nổ ra năm 2022, vẫn có hiệu lực, nhưng nội dung cuộc thảo luận giữa ông Trump với Tổng thống Zelensky và các nước châu Âu ngụ ý rằng kỷ nguyên của những nỗ lực ngoại giao, vũ khí mới cho Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga của Mỹ sắp kết thúc. Tổng thống Trump đã mô tả cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Nga hôm 19/5 vừa qua là "tuyệt vời" và tin vào mong muốn hòa bình của ông Putin, cho rằng việc không áp đặt lệnh trừng phạt sẽ không gây tổn hại đến các cuộc đàm phán hòa bình.

Tổng thống Trump cũng đã bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky về việc siết chặt các biện pháp trừng phạt Moskva (Moscow), khẳng định rằng quyết định đó chỉ thuộc về ông. “Chúng ta sẽ xem Liên bang Nga hành xử thế nào. Chúng ta sẽ xem chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Trump nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Chúng ta đang ở vào một thời điểm khá nhạy cảm lúc này”.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 21/5 xác nhận rằng Tổng thống Trump đang hoãn việc áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, nhằm duy trì đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với cả Moskva và Kiev. Ông Rubio nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump ý thức rõ về các lựa chọn trừng phạt sẵn có và sẽ cân nhắc sử dụng nếu xác định rằng Tổng thống Nga không thiện chí đàm phán. Tuy nhiên, ưu tiên hiện tại của chính quyền là chấm dứt xung đột, do đó cần giữ nguyên khả năng đối thoại với cả hai bên.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/yeu-to-kinh-te-dang-sau-quyet-dinh-dungtrung-phat-nga-cua-tong-thong-trump-20250522114349636.htm