Yếu tố nào khiến thị trường chứng khoán 'sập' vào phút cuối phiên?
Chỉ trong khoảng 15 phút cuối phiên giao dịch ATC, thị trường chứng khoán lao dốc gần 20 điểm khiến một loạt cổ phiếu giảm giá sàn...
Diễn biến bất ngờ của thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 17-10, nhất là những phút cuối của phiên giao dịch ATC (lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa) khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn. Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank, xung quanh những yếu tố tác động khiến VN-Index lao dốc.
- Phóng viên: Ông có nhận định thế nào về diễn biến "lạ" của thị trường chứng khoán ngày 17-10 trong phiên ATC?
+ Ông Phan Dũng Khánh: Thực ra thị trường giảm mạnh trong phiên ATC trong lịch sử của chứng khoán Việt Nam, nhất là 1-2 năm gần đây không hiếm. Ngay cả tuần trước, khi VN-Index giảm mạnh trong cả ngày nhưng đến phiên ATC lại bất ngờ phục hồi mạnh, kéo xanh thị trường lúc đóng cửa. Do đó, phiên ATC tác động đến thị trường theo hướng tích cực lẫn tiêu cực đều có.
Cả tuần trước thị trường chỉ điều chỉnh trong phiên nên đến 2 phiên đầu tuần này bắt đầu xảy ra áp lực bán khi VN-Index chạm vùng cản 1.150 - 1.155 điểm nhưng không vượt qua được.
- Theo quan điểm của ông, phiên giao dịch này là bình thường và không có bất thường? Vậy đâu là những yếu tố tác động khiến thị trường giảm mạnh như phiên hôm nay?
+ Thị trường đã chạm vùng kháng cự mạnh 1.150 - 1.550 điểm và chưa vượt qua được trong những phiên gần đây. Chủ yếu lực mua vào đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân, trong khi nhóm nhà đầu tư tổ chức hay khối ngoại nghiêng về chiều bán nhiều hơn.
VN-Index tăng liên tục trong tuần qua nên xuất hiện lực bán chốt lời ở vùng kháng cự mạnh. Trên thị trường quốc tế, đồng USD tăng trở lại đã tác động tới những thị trường được định giá bằng USD khiến chứng khoán Mỹ và thế giới giảm điểm. Cộng thêm giá vàng thế giới tăng mạnh, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng tăng… nhà đầu tư trú ẩn vào vàng và rút ra khỏi những kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán, từ đó tác động khiến chứng khoán quốc tế giảm, lan tỏa tâm lý của nhà đầu tư trong nước.
- Một đặc điểm của phiên ATC là nhà đầu tư thường "trở tay không kịp", vậy họ nên làm gì ở những phiên tiếp theo?
+ Nếu nhìn ở góc độ ngắn hạn 1-2 phiên, nhà đầu tư sẽ thấy bất ngờ. Nhưng nếu nhìn thị trường trong 1-2 tuần thì có thể thấy xu hướng này không quá ngạc nhiên khi VN-Index chủ yếu mang tính phục hồi nhiều hơn là xu hướng tăng. Dòng tiền yếu khi thanh khoản sụt giảm mạnh khiến lực bán chỉ cần nhiều hơn cũng đủ khiến thị trường giảm. Dù vậy, một đặc điểm của thị trường chứng khoán là giảm nhanh sẽ phục hồi nhanh.
- Vậy là nhà đầu tư nên quan sát tiếp theo một vài phiên tới trước khi có hành động cụ thể?
+ Xu hướng từ nay tới cuối năm theo tôi rất khó phục hồi mạnh mà VN-Index sẽ tích lũy đi ngang, đầu tư không còn dễ như nửa đầu năm theo hướng "nhắm mắt mua là thắng". Thậm chí, vùng 1.250 điểm có thể là mức đỉnh của năm nay và nếu muốn vượt qua mức này phải cần thời gian dài hơn qua năm 2024. Bởi khi dòng tiền có xu hướng yếu, nhiều cổ phiếu đã giảm giá mạnh trong nhịp điều chỉnh vừa qua nhưng vẫn đã tăng bằng lần bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn, lợi nhuận của doanh nghiệp không thể bằng lần như giá cổ phiếu.
Do đó, thị trường cần khoảng lặng để tạo lực tăng tiếp và tạo sự hấp dẫn cho cổ phiếu để thu hút dòng tiền trở lại. Còn từ nay tới cuối năm thị trường sẽ khó có mức đột phá như giai đoạn nửa đầu năm nay.