Yêu, và dừng lại

Giành giải nhì Sao Mai dòng nhạc dân gian, Phạm Thùy Dung vẫn quyết định chú tâm học và miệt mài theo đuổi con đường nghệ thuật hát thính phòng. Với chị, âm nhạc cổ điển như một tòa lâu đài nguy nga lộng lẫy mà chị đã bị hớp hồn khi bắt gặp. Sau sáu năm, Phạm Thùy Dung trở lại với những dự án lớn và mong muốn định vị mình trong âm nhạc một cách vững chãi, bền sâu.

“Trên con đường của mình, tôi muốn mang opera đến gần hơn với công chúng”.

“Trên con đường của mình, tôi muốn mang opera đến gần hơn với công chúng”.

Giành giải nhì Sao Mai dòng nhạc dân gian, Phạm Thùy Dung vẫn quyết định chú tâm học và miệt mài theo đuổi con đường nghệ thuật hát thính phòng. Với chị, âm nhạc cổ điển như một tòa lâu đài nguy nga lộng lẫy mà chị đã bị hớp hồn khi bắt gặp. Sau sáu năm, Phạm Thùy Dung trở lại với những dự án lớn và mong muốn định vị mình trong âm nhạc một cách vững chãi, bền sâu.

Sau sáu năm “ở ẩn”

- Có thể nói 2019 là một năm ấn tượng của chị khi Phạm Thùy Dung trở lại với một concert và giờ là một album mang tên Moon. Chị ấp ủ điều gì trong sản phẩm âm nhạc mới này?

- Tôi rất thích hình ảnh mặt trăng, tròn đầy và thánh thiện, vì thế tôi lấy tên Moon cho album, ẩn chứa cả sức mạnh và khát vọng của mình. Album gồm tám tác phẩm opera kinh điển nổi tiếng của thế giới, có nhiều bài chuyển sang lời Việt, có những bài đặt riêng cho giọng hát của tôi. Tôi vẫn giữ nguyên bản những chuẩn mực của opera, chỉ sáng tạo bằng cách hòa âm phối khí và cách hát. Trên con đường của mình, tôi muốn mang opera đến gần hơn với công chúng, làm thế nào cho công chúng cảm nhận được opera đẹp và gần gũi hơn.

- Chị “ở ẩn” sáu năm dành cho việc học hành, rồi xuất hiện một cách ồ ạt. Chị có sợ khán giả đã quên mình?

- Hồi tháng sáu tôi có ra mắt MV đầu tay, là một trong những tác phẩm trong album. Muốn nhanh thì phải từ từ. Âm nhạc cổ điển không phải ngày một ngày hai khán giả có thể thích ngay. Sau khi phát hành MV, tôi làm concert và nhận được phản hồi tốt, được đánh giá cao, tôi hạnh phúc vô cùng. Ðó là động lực cho tôi bước tiếp con đường gian nan này.

- Năm 2013, Phạm Thùy Dung giành giải nhì Sao Mai dòng nhạc dân gian. Thế nhưng, thay vì đi theo dòng dân gian, chị dừng lại, chuyên tâm học hành và theo đuổi dòng nhạc thính phòng. Vì sao vậy?

- Những ngày còn bé tôi hay đi hát thánh ca trong nhà thờ. Sau mỗi buổi lễ, tôi được ở lại tập luyện cùng các anh chị. Tôi cũng rất hay nghe nhạc dân gian. Khi vào học ở nhạc viện, tôi được cô Anh Thơ dìu dắt suốt bốn năm đại học và khuyến khích tôi đi thi. Năm 2013, tôi tham gia thi Sao Mai và giành giải nhì dòng nhạc dân gian. Nhưng tôi nghĩ, con đường của mình còn dài, còn phải học tiếp. Trong suốt quá trình học, tôi được hát nhiều tác phẩm opera kinh điển và tôi tự hỏi, sao có dòng nhạc hay như thế. Tôi thích và yêu luôn. May mắn tôi được học với NSND Trung Kiên và bà giáo Hồ Mộ La. Các cô, thầy đều động viên và khuyến khích tôi đi con đường gian khó này vì trong màu giọng của tôi có chất cổ điển, nếu theo đuổi sẽ có thể khai phá được nhiều tiềm năng trong giọng hát của mình. Nhưng điều quan trọng nhất là tôi thích và đam mê. Tôi bắt gặp một tòa lâu đài nguy nga lộng lẫy, yêu quá và dừng lại ở đó luôn.

- Và đánh đổi lại là sáu năm chị gần như vắng bóng trong làng nhạc. Có lúc nào chị đắn đo, định bỏ cuộc?

- Thời trẻ, tôi có ngoại hình ưa nhìn nên nhiều người khuyên tôi đi hát nhạc nhẹ, nhanh nổi tiếng và có tiền. Các bạn thi xong đều đi hát nên tôi cũng sốt ruột. Nhưng may mắn là bên cạnh tôi có những người thầy, người anh, chị tốt, họ lắng nghe và dạy bảo tôi cẩn thận. “Con cần có thêm độ chín, đừng nóng vội”, đó là những lời nhắc nhở hữu ích đối với tôi. Tuổi trẻ hay ảo mộng và tưởng tượng quá đà, nhưng tôi được thầy, cô thức tỉnh để luôn đi trên mặt đất và biết mình đang ở đâu. Tôi là người quyết liệt trong nghề nhưng trong cuộc sống đời thường tôi khá tĩnh tại, không ồn ào. Hằng ngày, tôi vẫn nghe các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới hát và thấy mình đang bóc tách từng lớp vỏ chứ chưa đi được vào hạt nhân của opera, còn phải học nhiều lắm, vì thế tôi càng không nóng vội được.

Tôi chỉ biết đi theo tiếng gọi của tình yêu và đam mê thôi, không tính toán những thiệt hơn. Dù dòng nhạc này sẽ kén khán giả và chắc chắn, hành trình còn nhiều khó khăn nhưng tôi quyết định theo đuổi nó và không nản chí. Tôi nghĩ, người nghệ sĩ chân chính còn có trách nhiệm định hướng khán giả, mang âm nhạc cổ điển đến với công chúng. Trước tôi đã có NSƯT Ðăng Dương, ca sĩ Lan Anh, Ðinh Trang, Ðào Tố Loan… Tôi là người kế thừa để mang loại hình âm nhạc bác học đó đến gần hơn với công chúng.

Không tính toán thiệt hơn khi lựa chọn

- Ðào Tố Loan định vị mình là một nghệ sĩ opera hát nhiều bài nước ngoài, Ðinh Trang theo đuổi con đường hát những bài hát Việt mang âm hưởng thính phòng. Còn chị thì sao?

- Tôi sẽ đi con đường giao thoa, hát kiểu semi - classic. Tôi muốn hướng tới những bạn trẻ. Bên cạnh đó, tôi cũng hát các tác phẩm dân gian mang âm hưởng thính phòng.

- Chị có nghĩ mình đã bỏ qua nhiều cơ hội và bước chậm hơn so với guồng quay của showbiz Việt?

- Tôi không tính toán thiệt hơn khi lựa chọn con đường của mình. Cuộc đời mỗi người chỉ sống một lần và nên sống có mục đích, lý tưởng. Bà giáo Hồ Mộ La có dạy tôi rằng, làm nghệ sĩ phải sống với lý tưởng cao đẹp, nếu chỉ chăm chăm kiếm tiền để sống qua ngày thì rất chán. Bà đưa ra dẫn chứng, thời bà học bảy năm ở Nga, một nghệ sĩ piano nổi tiếng có nói rằng, khi ông thành công mọi người gọi ông là thiên tài nhưng ông ấy cho rằng, thiên tài nằm ở hai chữ khổ luyện. Ông chỉ dành 3-4 giờ/ngày để ngủ, thời gian còn lại ông chú tâm luyện tập. Tôi đi học ở nước ngoài, thấy họ khổ luyện kinh khủng lắm dù giọng hát đã đẹp vô cùng. Nên tôi cứ lao vào học thôi, không đắn đo nhiều. Làm nghệ thuật mà nghĩ đến tiền nhiều quá sẽ làm mất đi sự bay bổng, lãng mạn. Cứ làm tốt và sống thật sự với nghề, nghề sẽ không phụ mình.

- Chúng ta đã có một Khánh Ngọc, một Ðào Tố Loan được vinh danh với các giải thưởng opera trên đấu trường khu vực. Còn Phạm Thùy Dung thì sao?

- Trong thời gian tới tôi sẽ tham gia một vài cuộc thi. Tôi còn có dự định ra nước ngoài học các khóa ngắn hạn với các nghệ sĩ nổi tiếng để nâng cao hơn nữa giọng hát của mình. Nghệ sĩ opera sẽ không có tuổi nếu mình không ngừng học, nỗ lực chinh phục và vượt qua giới hạn của chính mình. Những đỉnh cao còn ở phía trước.

- Trò chuyện với chị, tôi có một cảm nhận thế này, có vẻ như Phạm Thùy Dung không phải lo lắng về kinh tế và chỉ dành trọn vẹn tâm trí cho âm nhạc?

- Gia đình tôi rất nghèo. Tôi đi lên từ vất vả, gian khó, có được cuộc sống như bây giờ cũng cảm ơn cuộc đời rồi. Nếu tôi quá tham vọng về tiền bạc, tôi sẽ không thể học và phát triển được nữa.

Nhiều khi lao động miệt mài, một mình giữa Hà Nội bon chen và đông đúc, tôi cũng tủi thân. Nhưng tôi biết cân bằng và gặm nhấm hạnh phúc trong sự lao động vất vả đó. Nhiều người lao động mà không có thành quả, còn mình có thành quả đã là may mắn. Tôi muốn mang niềm tự hào, vinh dự về cho gia đình và cho quê hương tôi. Tôi đã học hành, lao động, cả một tuổi trẻ không chơi bời, hy sinh cả những thú vui để học, nhưng bù lại, tôi được sống với đam mê của mình. Hiện tại tôi đang dành toàn bộ tâm trí của mình cho âm nhạc.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Hạnh Nguyên (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/doi-song-van-hoa/tro-chuyen-cuoi-tuan/item/42582702-yeu-va-dung-lai.html