YG Entertainment trước bài toán sống còn sau kỷ nguyên BLACKPINK
Sau BLACKPINK, YG sẽ phải làm gì nếu không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua Kpop ngày càng khắc nghiệt?
Từng là biểu tượng của cá tính âm nhạc và sức ảnh hưởng toàn cầu, YG Entertainment - cái nôi của những "quái vật digital" như BIG BANG, 2NE1 và đặc biệt là BLACKPINK giờ đây đang chật vật tìm lại phép màu trong bối cảnh làn sóng Kpop bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt chưa từng có. Khi BLACKPINK vẫn là trụ cột duy nhất, câu hỏi cấp thiết đặt ra: Liệu YG có đang tụt lại phía sau trong cuộc đua chuyển giao thế hệ?

BLACKPINK
Sau BLACKPINK, một bầu trời yên ắng
BLACKPINK ra mắt năm 2016 và đến nay, vẫn là nhóm nhạc cuối cùng của YG tạo nên cơn địa chấn toàn cầu. Gần một thập kỷ trôi qua, trong khi các đối thủ như JYP, HYBE hay thậm chí là các công ty quy mô nhỏ hơn liên tục sản sinh ra những tân binh đình đám, YG chỉ giới thiệu hai nhóm: TREASURE (2020) và BABYMONSTER (2024). Nhưng kỳ vọng càng cao, thất vọng càng lớn.
TREASURE dù có lực lượng fandom ổn định, nhưng thiếu cá tính âm nhạc đặc trưng - thứ từng là "đặc sản" của YG. Trong khi đó, BABYMONSTER lại được tung hô như "hậu duệ" của BLACKPINK nhưng hai năm sau debut, vẫn loay hoay khẳng định bản sắc. Theo Kpop Radar, chỉ có BLACKPINK (hạng 14) và BABYMONSTER (hạng 19) lọt top 20 nghệ sĩ nổi bật tại Hàn Quốc năm 2024. Các tên tuổi khác như Winner, iKON hay BIG BANG giờ đây gần như rơi vào quên lãng. Đáng nói, trên bảng xếp hạng toàn cầu, BABYMONSTER bất ngờ giành vị trí số 4 - một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, con số đó chưa phản ánh được mức độ "hiện diện văn hóa" của nhóm trong thị trường nội địa, nơi vẫn được xem là nền tảng cốt lõi của mọi chiến lược mở rộng ra thế giới.

BABYMONSTER
BLACKPINK vẫn là con át chủ bài, là "xương sống" của cả hệ sinh thái YG. Việc công ty suýt mất nhóm nhạc này vào năm 2023 khi chỉ kịp gia hạn hợp đồng cá nhân, khiến giá cổ phiếu YG rơi vào giai đoạn bất ổn, thể hiện rõ sự phụ thuộc quá lớn vào một thương hiệu duy nhất. Chỉ đến khi YG thông báo tái ký hợp đồng toàn nhóm vào cuối năm, nhà đầu tư mới thở phào. Điều này đặt ra một vấn đề chiến lược: Trong khi các công ty như HYBE tạo ra BTS rồi nhanh chóng mở rộng với TXT, NewJeans, ILLIT..., hay JYP có liên tục các thế hệ nối tiếp từ Twice đến NMIXX và Stray Kids, thì YG gần như đứng yên một chỗ. Việc đặt toàn bộ kỳ vọng vào một nhóm và giờ là một nhóm mới như BABYMONSTER là một canh bạc rủi ro.
Mất phương hướng trong chiến lược sản phẩm và hình ảnh?
Trong khi các đối thủ liên tục làm mới hình ảnh nghệ sĩ và xây dựng các vũ trụ nội dung (HYBE Universe, JYP Fan Connect...), YG lại thiếu sự đầu tư nhất quán về mặt nội dung - yếu tố tối quan trọng trong thời đại "fan tiêu thụ đa nền tảng". Việc để BABYMONSTER debut trong bối cảnh thiếu vắng các show thực tế riêng, không có dự án âm nhạc đủ viral hay một concept độc đáo rõ ràng khiến nhóm khó lòng bứt phá giữa hàng trăm tân binh cùng thời. Chuyên gia Lim Hee Yun nhận định: "Điều quan trọng không chỉ là đội hình mạnh, mà còn là cách nuôi dưỡng họ bằng chiến lược dài hạn. Thị trường Kpop giờ không còn kiên nhẫn với những tên tuổi 'chậm lớn'".
Cổ phiếu YG có thời điểm tăng nhẹ khi thông tin về các hoạt động mới của BLACKPINK được công bố vào cuối tháng 6. Nhưng đà tăng không kéo dài, khi công chúng tiếp tục theo dõi sát phiên tòa của chủ tịch Yang Hyun-suk vì nghi án buôn lậu hàng xa xỉ. Điều đó phản ánh một thực tế: YG không chỉ đối mặt với bài toán nghệ sĩ, mà còn chịu sức ép từ hình ảnh thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp và tính minh bạch - những giá trị ngày càng quan trọng với thế hệ người hâm mộ mới. Giữa một ngành công nghiệp ngày càng dựa vào nền tảng công nghệ, quản trị thương hiệu và dữ liệu người dùng, YG vẫn tỏ ra chậm chân. Không có nền tảng nội dung số độc lập, thiếu định hướng hệ sinh thái fandom rõ ràng, và sự lặp lại trong mô hình đào tạo khiến công ty dễ dàng bị vượt mặt bởi những đối thủ năng động hơn.

Tương lai đặt cả vào một nhóm tân binh?
Hiện tại, YG đặt cược lớn vào một nhóm nữ mới dự kiến ra mắt vào cuối năm nay, được Yang Hyun Suk kỳ vọng là "gạch nối di sản nhóm nữ của công ty". Nhưng trong thời điểm thị trường đã bão hòa tân binh, tính đột phá và khác biệt sẽ là yếu tố quyết định. Nếu nhóm không đủ sức bật ra khỏi cái bóng BLACKPINK, thất bại sẽ kéo theo một hệ lụy tài chính, thương hiệu khó lường.
Sự trỗi dậy của Kpop ngày nay không còn nằm ở những cú hit cá nhân mà là kết quả của tư duy hệ thống từ sản phẩm, nội dung, cộng đồng fan đến chiến lược truyền thông toàn cầu. Trong khi các đối thủ đã tiến hóa thành những tập đoàn giải trí - công nghệ hiện đại, YG vẫn đang mắc kẹt giữa ánh hào quang cũ và kỳ vọng chưa thành hình. Sau BLACKPINK, nếu không có sự tái cấu trúc từ cốt lõi cả về chiến lược lẫn tầm nhìn, YG có thể sẽ mãi chỉ là "cựu vương" trong một ngành công nghiệp không ngừng tiến hóa.
