YouTube 'rác' hại trẻ con
Trên không gian mạng đang xuất hiện ngày càng nhiều các clip độc hại, nhảm nhí hướng đến trẻ em. Và chừng nào chưa có chế tài xử lý rõ ràng, chặt chẽ thì ẩn họa từ loại 'rác' này vẫn luôn rình rập người xem, đặc biệt là các em nhỏ.
Tràn lan clip nhảm
Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh nói chuyện và cho búp bê Kumanthong uống nước ngọt để xin vía học giỏi trên trang Tiktok của YouTuber Thơ Nguyễn đã vấp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng. Hầu hết đều cho rằng nội dung này gây ảnh hưởng, làm lệch lạc suy nghĩ của người xem khi liên quan đến vấn đề mê tín dị đoan. Đáng nói, kênh này rất nổi tiếng với đối tượng thiếu nhi.
Kênh Youtube Thơ Nguyễn được thành lập đầu năm 2016. Hiện tại, kênh có hơn 8,7 triệu người đăng ký, hơn 1.200 video và đạt gần 6 tỷ lượt xem, đứng trong top 10 YouTuber kiếm tiền khủng ở Việt Nam. Thời gian đầu, kênh được nhiều phụ huynh yêu thích bởi các clip vui nhộn, dễ thương phù hợp với trẻ nhỏ qua các nội dung như khám phá đồ chơi, hướng dẫn nấu các món ăn đơn giản, tự làm đồ chơi...
Nhưng dần dần, kênh bắt đầu xuất hiện các nội dung phản cảm, thậm chí gây nguy hiểm nếu trẻ nhỏ bắt chước theo. Điển hình là một clip Thơ Nguyễn làm thử thách "Thử nghiệm đun lon nước ngọt", mô tả cảnh dùng lửa đốt 4 lon nước ngọt và bia trong khi không hề biết lon nước sẽ nổ hoặc xảy ra hiện tượng gì.
Trước đó, cô cũng bị phản đối vì clip "Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ" với những tiếng kêu rên phản cảm; clip bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung? Dù các video đều đề thêm câu khuyến cáo: "Đây là một trò khá nguy hiểm nên các em không được làm theo chị nhé". Nhưng với bản tính tò mò và thiếu hiểu biết của khán giả nhí, thì đó không khác gì lời mời gọi làm theo.
Đây cũng không phải lần đầu tiên cộng đồng mạng xôn xao trước những kênh youtube, đặc biệt là kênh đội lốt "dành cho trẻ em", có chứa nội dung nhảm nhí, độc hại. Còn nhớ trò chơi "Thử thách Momo" có nội dung độc hại, thậm chí cả hướng dẫn trẻ tự sát bất ngờ lọt vào "YouTube Kids". Hay như kênh Peppa Pig được xét duyệt lên YouTube Kids với những nhân vật dạng hoạt hình dạy trẻ cách tự tử hay hành xử bạo lực...
Dư luận cũng từng xôn xao về kênh YouTube thu hút hàng triệu lượt view với nội dung xoay quanh các nhân vật hoạt hình, siêu anh hùng được trẻ em yêu thích như công chúa Elsa, công chúa Bạch Tuyết, người nhện hay Joker... do các diễn viên hóa trang. Đáng nói, công chúa Elsa lại mặc bikini cắt xẻ táo bạo, uốn éo, gợi dục. Còn người nhện lại có hành động mơn trớn phản cảm với công chúa Bạch Tuyết...
Đầu năm 2020, nhiều bậc phụ huynh cũng tỏ ra bức xúc với một kênh YouTube chuyên đăng tải các video có tiêu đề dễ gây hiểu lầm cho trẻ nhỏ như: lừa bạn ăn bột giặt, ăn xương rồng, uống sữa tắm hay nước rửa bát, ăn dép tổ ong, ăn phấn và giẻ lau bảng, ăn đất sét... Ở dưới phần bình luận, không ít học sinh cấp 1 còn thích thú hứa hẹn sẽ học theo và áp dụng với bạn cùng lớp.
"Độc tố" từ thế giới ảo
Năm ngoái, trên diễn đàn nuôi dạy con với hơn 400 nghìn người tham gia, một ông bố đã chia sẻ lại câu chuyện con trai 6 tuổi định đi lấy ổ điện để cho giật em trai 3 tuổi. Sau khi gặng hỏi, người bố hốt hoảng khi biết con bắt chước theo video "23 tuổi với 1 tuổi" của kênh L.TV, nội dung xoay quanh việc chủ kênh Youtube bị em bé 1 tuổi "trừng trị" bằng cách dùng ổ điện cho giật, lấy băng dính dán vào miệng, bắn súng nhựa vào mặt, lấy búa nhựa đập vào đầu...
Cách đây không lâu, bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận một bệnh nhân 15 tuổi ở Hải Dương nhập viện trong tình trạng đa chấn thương sau khi xem cách chế thuốc nổ trên YouTube và làm theo. Hay trường hợp khác, một bé trai bị đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ kính như siêu nhân nhện trong YouTube...
Cuối năm 2019, bé trai 7 tuổi tên Đ.T.K ở TPHCM được gia đình phát hiện trong tình trạng ngất lịm, tím tái do treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ. Do được phát hiện sớm nên K may mắn thoát chết và kể lại rằng khi xem trò chơi "chết đi sống lại" trên YouTube, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được mà không chết, nên bé đã làm theo.
Tháng 10/2020, cũng bắt chước youtube nhưng bé gái V.T.D (5 tuổi ở TPHCM) không được may mắn như bé Đ.T.K mà được phát hiện tử vong khi dùng chiếc khăn voan buộc vào giường tầng để treo cổ. Sự việc đau lòng này khiến các bậc phụ huynh không khỏi giật mình bàng hoàng, sợ hãi. Rõ ràng, mạng là ảo nhưng khả năng đầu độc, hủy hoại con trẻ là có thật.
Hiện nay, việc trẻ em sở hữu một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet không còn quá khó khăn. Chỉ cần người lớn lơ là, trẻ sẽ dễ bị sa lầy trong "ma trận" của thế giới ảo.
Cũng theo chuyên gia, việc bắt chước các hành vi thiếu lành mạnh lặp đi lặp lại sẽ hình thành nên thói quen xấu, dần sẽ trở thành bản chất, thuộc tính nhân cách. Bên cạnh đó, những hình ảnh thiếu lành mạnh có thể đem lại trạng thái bất an, căng thẳng về tâm lý cho trẻ thơ, có thể dẫn đến sự thiếu tự tin trong ứng xử, thậm chí là các triệu chứng về rối loạn lo âu, tự hủy hoại bản thân, stress, trầm cảm...
Chưa kể, một số kênh YouTube như Thơ Nguyễn, Min Min TV, Bibi TV... có giọng nói ngọng, lẫn giữa các âm "n-l". Điều này có thể ảnh hưởng đến phát âm của trẻ nếu xem thường xuyên.
TS. Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý và kỹ năng sống cho rằng, hiện nay môi trường trên mạng đang chưa có "bộ lọc" cho trẻ em, vì vậy, cha mẹ cần phải quan tâm hơn đến con, sát sao hơn trong việc quản lý những nội dung con xem như: Kiểm tra máy tính, điện thoại của con ngẫu nhiên; đảm bảo bật chế độ hạn chế trên mọi ứng dụng và trình duyệt mà trẻ sử dụng. Phụ huynh có thể cùng xem và thảo luận với trẻ về các nội dung trong chương trình. Bên cạnh đó, cha mẹ cần bổ sung những kỹ năng dạy con tích cực, sắp xếp cho trẻ tham gia những hoạt động ngoài trời.
Xóa Thơ Nguyễn sẽ "mọc" Thơ Nguyễn Phẩy
Hiện, các video của Thơ Nguyễn đã bị gỡ bỏ khỏi TikTok. Bộ Thông tin-Truyền thông cũng cho biết hiện đang phối hợp với Bộ Công an, mời chủ kênh lên làm việc về dấu hiệu vi phạm truyền bá mê tín dị đoan, sau đó sẽ xử lý theo quy định.
Thường, sau mỗi lần bị chỉ trích, YouTube và các nền tảng số khác đều cố gắng gỡ bỏ những clip phản cảm hay tắt chế độ kiếm tiền của các kênh, như một cách để hạn chế những nội dung "rác". Nhưng các clip này vẫn xuất hiện, dưới những "vỏ bọc" mới. Theo đánh giá của chuyên gia, khi những cuộc đua về lượt xem diễn ra ngày càng khốc liệt, người dùng YouTube sẽ "không từ thủ đoạn" để tạo ra những video mang nội dung gây sốc hoặc vô bổ để kích thích tò mò. Video càng nhiều người xem thì chủ nhân bỏ túi càng nhiều tiền. Cụ thể hơn, theo ước tính của Social Blade, nhờ bán lượt xem từ các video, youtuber Thơ Nguyễn thu nhập khoảng 16 tỷ đồng trong năm 2020, bình quân mỗi tháng thu về hơn 1,3 tỷ đồng.
Cách đây không lâu, kênh YouTube nổi tiếng khác là Hưng Vlog (con trai Bà Tân Vlog) từng bị phạt 2 lần với tổng mức tiền phạt 17,5 triệu đồng về hành vi đăng tải thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, kênh này tái vi phạm chỉ sau 1 tháng khiến cơ quan chức năng bối rối, bởi mức phạt chỉ như hình thức "gãi ghẻ" so với doanh thu khủng mà các clip mang lại.
"Với chế tài quản lý lỏng lẻo như hiện nay thì sẽ diễn ra tình trạng: cứ làm, bị phạt thì đóng phạt, rồi làm tiếp. Xóa Thơ Nguyễn hôm nay thì ngày mai sẽ có Thơ Nguyễn Phẩy xuất hiện. Hiện tại, trên mạng xã hội vẫn còn đầy rẫy các kênh dành cho trẻ em có chứa nội dung nhảm nhí, chẳng qua là chưa bị sờ đến thôi. Theo tôi nên triệt để tắt hết chế độ kiếm tiền bằng lượt xem ở các kênh dành cho trẻ em và nếu vi phạm sẽ bị xử lý mạnh tay thay vì nộp phạt vài đến vài chục triệu đồng như hiện nay", một chuyên gia truyền thông lên tiếng.
"Trẻ em học các hành vi ứng xử qua việc bắt chước. Ý thức của các em chưa đủ phát triển phân biệt được lời nói đùa, nên các em dễ tin vào những gì nghe thấy, nhìn thấy. Đầu óc của trẻ cũng như tờ giấy thấm thẩm thấu tất cả những gì diễn ra trong môi trường xung quanh", PGS.TS Trần Thành Nam (Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/youtube-rac-hai-tre-con-1806200.tpo