YouTuber kiếm tiền từ đau khổ của người khác
Lấy danh nghĩa là 'nhà bình luận các vấn đề xã hội', một bộ phận YouTuber ở Hàn Quốc chuyên tạo tin đồn về người nổi tiếng, kiếm tiền từ sự vu khống, bắt nạt trực tuyến.
Trong video được tải lên YouTube ngày 5/2, một thanh niên đeo kính, đội mũ đen bày tỏ sự chia buồn trước cái chết của streamer Jo Jang Mi, người qua đời tại nhà riêng vào tuần trước, theo The Korea Times.
YouTuber được gọi là "PPKKa", có 1,21 triệu lượt đăng ký, đã bị chỉ trích vì sự ra đi của Jo.
Người này từng tung ra hàng loạt tin đồn liên quan đến nữ streamer, được cho là nguyên nhân chính khiến cô tự kết liễu đời mình.
YouTuber phủ nhận các cáo buộc trong video và khẳng định rằng anh không có ý định tấn công Jo. Cảnh sát cũng tuyên bố rằng không có bằng chứng cho thấy Jo bị sát hại.
"Nhiều người đang cáo buộc tôi đã xúi giục cộng đồng Internet khiến cô Jo tự sát, nhưng điều này không đúng... Tôi chỉ là một YouTuber luôn theo dõi các vấn đề và truy đuổi khi có điều gì đó nổi cộm, không hơn không kém".
Những kẻ phá hoại trên mạng
Kênh "PPKKa" chuyên sản xuất những video dưới dạng "tin tức" về người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Nhiều video thu hút hơn 1 triệu lượt xem nhưng đa phần thông tin không được xác thực.
Trong video gần đây, người này chỉ trích một cựu thành viên của nhóm nhạc nữ Kpop vì cô nói rằng "sống như một phụ nữ ở Hàn Quốc thật khó khăn".
YouTuber gọi cựu thần tượng là "diva gợi cảm theo chủ nghĩa nữ quyền" và "kẻ cơ hội".
Tại Hàn Quốc, không khó để bắt gặp những dạng video như trên. Xu hướng này phổ biến đến mức có hẳn thuật ngữ riêng "cyber wreckers" (tạm dịch: những kẻ phá hoại trên mạng) - từ dùng để chỉ những "nhà bình luận xã hội" tự phong sử dụng nền tảng mạng xã hội để thu lợi từ bất hạnh của người khác.
Trong nhiều trường hợp, các phân tích về tin tức và vấn đề thời sự của nhóm người này là vô căn cứ. Thế nhưng, ảnh hưởng của họ trong không gian mạng là rất lớn vì tạo ra nội dung có khả năng lan truyền nhanh chóng.
Streamer Jo Jang Mi qua đời sau khi bị nhóm "cyber wreckers" cáo buộc là nhà hoạt động nữ quyền cấp tiến. Cô cũng không phải là nạn nhân duy nhất của những kẻ phá hoại.
Kim In Hyeok (28 tuổi), vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp bị quấy rối tình dục và bắt nạt trên mạng trong thời gian dài, đã được phát hiện tử vong tại nhà riêng hôm 4/2.
Sau hai vụ việc kể trên, những lời chỉ trích nhằm vào các kênh YouTube từng bắt nạt nạn nhân cũng như những nền tảng kỹ thuật số thờ ơ với nạn lạm dụng xuất hiện ngày một nhiều.
Cụ thể, nhiều người chỉ trích YouTube đã không làm gì khi những người dùng này tạo ra nội dung mang tính chất kích động thù địch và phân biệt đối xử.
Một số kêu gọi YouTube nên hành động như Daum và Naver, những nền tảng đã khóa các phần bình luận dưới tin tức giải trí sau khi một số người nổi tiếng tự sát vì bị bắt nạt trên mạng.
Kiếm tiền từ hành vi bắt nạt trực tuyến
Hiện tại, hàng trăm video chứa tin đồn về Jo và Kim vẫn tồn tại trên YouTube.
Tháng trước, Liên minh công dân vì truyền thông dân chủ (CCDM), một nhóm công dân giám sát phương tiện truyền thông ở Hàn, đã thúc giục YouTube và Google hoàn thành trách nhiệm quản lý của họ khi thu lợi từ các kênh trực tuyến sản xuất nội dung độc hại.
"Sức ảnh hưởng của YouTube đang tăng lên từng ngày. Theo một cuộc khảo sát về nhận thức của khán giả trên các phương tiện truyền thông vào năm 2021 của Korea Press Foundation, YouTube đã vượt qua Chosun Ilbo, một trong những tờ báo lớn của Hàn Quốc, về sức ảnh hưởng. Tỷ lệ sử dụng YouTube đạt 98,4%.
Do đó, chắc chắn YouTube và Google Hàn Quốc nên bị chỉ trích vì bỏ qua trách nhiệm đối với các kênh truyền bá nội dung thù địch, phân biệt đối xử và bạo lực, thậm chí bất hợp pháp hoặc thông tin sai lệch", tổ chức này cho biết.
Các thuật toán của YouTube cũng bị chỉ trích vì khuyến khích những kẻ phá hoại trên mạng.
YouTube không tiết lộ cụ thể về hoạt động của các thuật toán, nhưng có thể đang tập trung vào việc thu hút sự chú ý của người dùng bằng cách khai thác thời gian xem nội dung video.
Giám đốc sản phẩm của YouTube, Neal Mohan, nói với CNET rằng khoảng 70% nội dung mà người dùng xem được đề xuất bởi các thuật toán của nền tảng và những đề xuất đó giúp người dùng di động xem trung bình hơn 60 phút/lần truy cập.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc thiết lập quy định pháp luật liên quan, cần nâng cao nhận thức của người dùng.
Những kẻ phá hoại tiếp tục bắt nạt người khác trên mạng bất chấp pháp luật là do các video chứa nội dung như vậy có liên quan trực tiếp đến doanh thu.
"Thiệt hại chỉ có thể được giảm thiểu khi có các hình phạt pháp lý thích đáng, nhưng nhận thức của người dùng cũng phải được nâng cao", Jung Il Kwon, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Kwangwoon, cho biết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/youtuber-kiem-tien-tu-dau-kho-cua-nguoi-khac-post1295018.html