Zalo vẫn là nền tảng nhắn tin phổ biến và được yêu thích nhất Việt Nam
Zalo tiếp tục dẫn đầu các nền tảng nhắn tin tại Việt Nam về tỷ lệ sử dụng (penetration rate) và mức độ yêu thích (preference rate), theo báo cáo 'The Connected Consumer Q.II.2024' mới nhất do Decision Lab vừa công bố [1].
Cụ thể, theo báo cáo nói trên, tại hạng mục Nền tảng nhắn tin (Messaging platforms), hết quý II.2024, Zalo dẫn đầu với tỷ lệ sử dụng đạt 82%, theo sau là Facebook với 62%, Messenger với 53% và TikTok với 17%. Khoảng cách khá xa về tỷ lệ sử dụng so với Facebook và Messenger đã tiếp tục củng cố vị thế của Zalo, là ứng dụng nhắn tin phổ biến và được ưa chuộng nhất Việt Nam.
Zalo giữ vững vị trí nền tảng được yêu thích nhất ở cả 3 nhóm thế hệ người dùng: GenX, GenY và GenZ với tỷ lệ vượt trội. Đây là quý thứ 15 liên tiếp Zalo đạt thứ hạng này kể từ năm 2020 – cột mốc đánh dấu bước chuyển mình của Zalo khi vượt qua Facebook Messenger để trở thành ứng dụng nhắn tin số một Việt Nam.
Xét về tỷ lệ yêu thích, Zalo cũng đang dẫn đầu các nền tảng với tỷ lệ yêu thích đạt 56%, vượt xa Messenger và Facebook. Trong khi mức độ yêu thích của các nền tảng khác đang có dấu hiệu đi xuống, tỷ lệ này ở Zalo đang tăng trưởng tích cực, tăng 4% so với quý I.2024.
Đặc biệt, ứng dụng nhắn tin “make in Vietnam” cũng dẫn đầu về mức độ yêu thích đối với người dùng thuộc nhiều thế hệ: Gen X, Gen Y và Gen Z. Tỷ lệ này vượt trội so với Messenger và Facebook và thể hiện sự tăng trưởng rõ rệt so với quý I.2024, ở tất cả các đối tượng người dùng.
Việc Zalo liên tục nắm giữ vị trí top 1 ứng dụng nhắn tin còn cho thấy sự đầu tư nghiêm túc và tầm nhìn phát triển bền vững. Là nền tảng nhắn tin hàng đầu trong nhiều năm, Zalo vẫn không ngừng nghiên cứu và cho ra đời những tính năng mới phục vụ đa dạng nhu cầu.
Trước làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI), Zalo cũng bổ sung hàng loạt tính năng nhằm giúp người dùng giải trí, phục vụ công việc và hỗ trợ kinh doanh, ví dụ như AI Avatar, AI Sticker, soạn tin nhắn bằng giọng nói (dictation), chuyển giọng nói thành văn bản (voice-to-text), chuyển văn bản thành tin nhắn thoại (text-to-speech)… Ước tính, các tính năng này trên Zalo đã thu hút trên 10 triệu người dùng và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Báo cáo tài chính thường niên của VNG cho biết tính đến hết năm 2023, Zalo có hơn 76 triệu người dùng thường xuyên, tăng 3 triệu so với cùng kỳ năm trước. Số lượng tin nhắn được gửi trên nền tảng này cũng tăng 11%, đạt 1,84 tỷ tin nhắn mỗi ngày.
Như vậy, ước tính số lượng người dùng của Zalo đang chiếm khoảng 75% dân số Việt Nam[2]. Nếu đối chiếu trên tổng số người dùng internet tại Việt Nam với khoảng 78,44 triệu người (theo báo cáo “Digital in Vietnam 2024”, do tổ chức We are social và Melwater phát hành), ước tính 97% người dùng internet tại Việt Nam sử dụng Zalo.
Hoàng Kim
______________
[1] “The connected consumer” là báo cáo nghiên cứu hàng quý, được thực hiện và công bố bởi Decision Lab. Nghiên cứu này tập trung vào thói quen trực tuyến và những xu hướng mới của người tiêu dùng, bao gồm mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, giải trí cũng như mua sắm trực tuyến.
[2] Theo số liệu của Tổng cục thống kê năm 2023 dân số của Việt Nam là 100,3 triệu người.