Zanzibar – Quốc gia xuất hiện và biến mất nhanh nhất thế giới
Ngày 10-12-1963, Zanzibar trở thành quốc gia độc lập với chế độ quân chủ lập hiến. Thế nhưng chỉ 36 ngày sau đó, ngày 16-1-1964, quốc vương Zanzibar bị lật đổ rồi những nhà lãnh đạo mới tình nguyện xin sát nhập vào Tanzania...
Nằm ở vùng biển phía đông châu Phi, Zanzibar gồm 2 hòn đảo là Unguija và Pemba với tổng diện tích 2.650km², dân số xấp xỉ 1,4 triệu người. Ngày 10-12-1963, Zanzibar trở thành quốc gia độc lập với chế độ quân chủ lập hiến.
Thế nhưng chỉ 36 ngày sau đó, ngày 16-1-1964, quốc vương Zanzibar bị lật đổ rồi những nhà lãnh đạo mới tình nguyện xin sát nhập vào Tanzania, đã khiến Zanzibar trở thành quốc gia xuất hiện và biến mất nhanh nhất thế giới.
Sự ra đời của Nhà nước Zanzibar
Theo các tài liệu khảo cổ, thổ dân Hamidu và Tamitu là những người đầu tiên sinh sống ở 2 đảo Unguija, Pemba từ năm 1000 trước Công nguyên. Đến thế kỷ thứ I, các thương gia Arab, vùng vịnh Ba Tư (Iran ngày nay) trên đường tiếp cận các quốc gia nằm dọc bờ biển đông châu Phi để mua bán hàng hóa, đã ghé Zanzibar lấy thêm lương thực và nước ngọt. Cái tên Zanzibar do người Ba Tư đặt ra dựa trên ngôn ngữ Ba Tư: Zangi-bar có nghĩa là “bờ biển Đen”.
Cuối thế kỷ 11, thổ dân Hamidu ở đảo Unguija bầu ra một quốc vương là Mkuu, còn thổ dân Tamitu ở đảo Pemba bầu ra một quốc vương là Shesa. Mặc dù không sầm uất nhưng suốt nhiều thế kỷ, Zanzibar trở thành một trong những trung tâm buôn bán ở Ấn Độ Dương.
Người Ấn Độ, Arab, Trung Quốc, Indonesia… mang đến đây các loại gia vị đặc trưng như đinh hương, đậu khấu, quế, hạt tiêu,... Còn người Anh, Đức với các loại hàng hóa như dao, kiếm, công cụ nông, ngư nghiệp. Nhìn thấy nguồn lợi lớn, dân bản xứ đã tìm cách nhân giống rồi gieo trồng các loại cây gia vị ấy và hiện tại, bên cạnh ngành du lịch, gia vị vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Zanzibar.
Năm 1499, nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha là Vasco da Gama đặt chân lên Zanzibar, mở đầu cho chế độ thuộc địa. Năm 1868, đế quốc Oman (Vương quốc Oman ngày nay) đánh đuổi người Bồ Đào Nha, chiếm Zanzibar rồi biến nó thành một phần của Oman.
Năm 1856, quốc vương Oman qua đời. Do sự tranh giành quyền nối ngôi giữa các người con nên Oman và Zanzibar lại tách thành 2 quốc gia riêng biệt. Lợi dụng cơ hội ấy, Anh, Đức và Italy đều cùng chiếm Zanzibar, biến nó thành thuộc địa của cả 3 nước.
Đến năm 1890, sau hiệp ước Helgoland ký giữa Anh và Đức, Zanzibar - dưới sự cầm quyền của quốc vương Hamad bin Thuwaini - người có khuynh hướng thân Anh quốc - trở thành lãnh thổ phụ của đế quốc Anh và điều này đã gây sự phản đối trong nội bộ Zanzibar.
Năm 1896, Thuwaini chết. Cháu trai của Thuwaini là Khalid bin Bargash - chủ trương chống lại nước Anh, đòi độc lập - lên nắm quyền. Lập tức, người Anh ra tối hậu thư, buộc phải thay Bargash bằng Hamud bin Muhammed.
Ngày 27-8-1896, tàu chiến Anh nã pháo vào cung điện Hoàng gia của Zanzibar. 45 phút sau, quân Zanzibar đầu hàng. Hamud bin Muhammed lên ngôi quốc vương. Dưới áp lực của người Anh, Muhammed quyết định bãi bỏ chế độ nô lệ ở Zanzibar. Hơn 10.000 nô lệ da đen được giải phóng, các chủ nô được bồi thường.
Quốc gia biến mất
Ngày 10-12-1963, Anh quốc trao trả độc lập cho Zanzibar. Trước đó, đã có sự xung đột ngấm ngầm giữa người Zanzibar với người Ấn Độ và người Arab - vốn chỉ chiếm 70.000 trong tổng số 300.000 dân nhưng lại kiểm soát phần lớn ngành thương mại, chưa kể lực lượng cảnh sát và quân đội quốc gia cũng do người Arab chỉ huy. Đã xảy ra những vụ đụng độ đẫm máu giữa người bản xứ theo đạo Hồi dòng Suni với người Ấn Độ theo đạo Hindu và người Hồi giáo Arab dòng Shitte.
3 giờ sáng ngày 12-1-1964, gần 2.000 người Zanzibar tràn ra đường phố, lùng bắt và chém giết người Arab. Vụ bạo động đã khiến quốc vương Jamshid bin Abdullah, thủ tướng cùng hội đồng lập pháp Zanzibar phải chạy trốn.
Nó khiến cả thế giới rùng mình kinh hãi khi từng hàng dài người Arab bị lùa xuống những cái hố lớn rồi bị người da đen Zanzibar chôn sống. Thông tin chính thức cho biết đã có hơn 20.000 người Arab và Ấn Độ đã bị giết, hàng chục nghìn người khác trốn sang Oman còn số phụ nữ bị hãm hiếp, nhà cửa bị cướp bóc, đốt phá thì không đếm được.
Kẻ chỉ huy các vụ thảm sát là John Okello, người gốc Uganda. Ngày 3-2-1964, Okello thành lập chính phủ rồi đưa Abeid Karume lên làm tổng thống nước Cộng hòa Zanzibar nhưng quyền lực thực sự vẫn nằm trong tay Okello. Hậu thuẫn cho ông ta là lực lượng bán quân sự mang tên Quân đội Tự do - viết tắt là FMF.
Nhận thấy FMF chỉ là một đạo quân ô hợp, chuyên cướp bóc và hãm hiếp, còn mình là con bù nhìn nên tổng thống Karume lặng lẽ thành lập lực lượng Nhân dân Giải phóng quân – viết tắt là PLA. Đến ngày 11-3, nhân khi Okello đi Tanzania, Tổng thống Karume ra lệnh cho PLA tiến hành giải giáp FMF. Lúc Okello trở về Zanzibar, ông ta bị từ chối nhập cảnh. Không đất dung thân, Okello đành trở lại nơi chôn nhau cắt rốn là Uganda.
Năm 1971, Okello biến mất không dấu vết. Có tin nói rằng ông ta đã bị giết bởi Tổng thống Uganda là Idi Amin vì những gì Okello đã làm ở Zanzibar. Cuộc nổi dậy và những biến động chính trị tại Zanzibar đã khiến Chính phủ Anh rất lo lắng và quân đội Anh ở nước láng giềng Kenya đã sẵn sàng để can thiệp.
Lường trước được việc này cũng như việc người Arab sẽ quay trở lại tiến hành đảo chính, tổng thống Karume đã đưa ra một quyết định mang tính lịch sử: Đó là xóa sổ nước Cộng hòa Zanzibar mới chỉ tồn tại được đúng 36 ngày để trở thành một phần của Tanzania. Sự hợp nhất ấy đã cho ra đời một quốc gia mới: Cộng hòa thống nhất Tanzania.
Sau khi Zazibar trở thành lãnh thổ của Tanzania, dân Tanzania lập tức kéo sang 2 hòn đảo Unguija và Pemba, dẫn đến hệ quả là tiếng Swahili trở thành ngôn ngữ lớn nhất ở đây. Theo các quan sát viên quốc tế, với dân số gần 1,4 triệu, Zanzibar ngày nay đôi lúc bạo lực vẫn bùng phát, nhất là giữa cảnh sát da đen bản xứ với người Arab…