Zero hay là tám?

Cô Lê bước ra khoảng sân nhỏ trước nhà ngắm nhìn bầu trời. Hôm nay trời đẹp quá, nắng vàng như mật, hứa hẹn một ngày nắng ấm. Cô thầm bảo: Phải đem vài cái mền ra giặt.

Hoài niệm. Ảnh minh họa: Huỳnh Hằng

Hoài niệm. Ảnh minh họa: Huỳnh Hằng

- Thưa bà! Có cô con ở nhà không bà?

Nghe giọng nói quen thuộc của nhỏ Trâm, cô Lê chạy vội ra cửa:

- Có cô đây, vào nhà chơi đi em.

Nhỏ Trâm bước vào nhà, con vàng chạy ra quẫy đuôi mừng rỡ. Nó niềm nở tiếp người khách quá quen thuộc của chủ.

Hai cô trò ngồi xuống chiếc ghế đá. Cô Lê im lặng nhìn Trâm và chờ đợi.

Cô biết là có chuyện lớn đang xảy ra với lớp. Hai năm trời chủ nhiệm, cô đã quá rõ tính của Trâm, nếu là chuyện nhỏ, cô bé này chỉ cần báo qua điện thoại.

- Cô ơi! Bạn Phi lại có chuyện nữa. Thứ hai vừa rồi, cô Châu phát bài kiểm tra 1 tiết, Phi bị 0 điểm nhưng bạn ấy lại đọc vào sổ là 8.

- Sao em biết?

- Tuấn kể với em, chính tay Tuấn phát mà cô. Khi nghe Phi đọc 8 điểm, Tuấn mượn bài kiểm tra xem, Phi nhất định không cho, đã vậy lại còn thách thức “Tao đố xem, mày có gan trời đi báo với cô không?”. Tuấn giận lắm cô à.

- Cô Châu biết chuyện này chưa em?

- Dạ chưa! Tụi em báo với cô trước để cô tính cách nào.

Cô Lê ngồi im lặng một lúc rồi hỏi:

- Chuyện này lớp mình nhiều bạn biết không em?

- Dạ, các bạn rỉ tai nhau, nhiều người biết lắm cô à.

Cô Lê cầm tay Trâm vỗ nhè nhẹ và nói:

- Như thế này Trâm nhé, ngày mai vào lớp, em bảo các bạn đừng xì xào. Cô sẽ nói chuyện với Phi sau.

Trâm về rồi, cô Lê bắt tay vào công việc nhà nhưng đầu óc cứ hiện lên hình bóng Phi. Chàng công tử trắng trẻo, có đôi má bầu bĩnh đáng yêu. Phi dong dỏng cao, duyên dáng và hài hước, một cây văn nghệ của lớp. Chàng ta năng nổ trong công tác, chỉ có tội là lười học. Rồi cô Lê lại nhớ đến gương mặt của mẹ Phi, một nét đẹp cổ điển của người phụ nữ Nam bộ chính gốc, làn da trắng, mái tóc dày, thân hình thon gọn. Nhìn chị toát lên thần thái của một người thành đạt. Nhưng cô thật sự bất ngờ khi nghe chị tâm sự:

- Thằng Phi là con cầu tự em à. Anh chị hiếm muộn đi vái tứ phương đến năm 38 tuổi chị mới sinh nó. Do cả nhà cưng chiều quá nên Phi ham chơi hơn ham học, muốn dạy dỗ mạnh tay thì bà nội lăn ra khóc, chị khổ tâm về điều này lắm. Em là cô giáo chủ nhiệm, mong em quan tâm và giúp đỡ cháu.

Trên 20 năm làm công tác chủ nhiệm, cô Lê đã xử lý rất nhiều tình huống nhưng chuyện của Phi cũng hơi khó với cô. Có nên gọi em xuống nhà nói chuyện ngay hay là chờ em tự tìm đến?

Lê tự nhủ: Cứ chờ một hai hôm nữa xem sao.

Ba hôm sau cô có tiết dạy trên lớp 12B.

Tiết học hôm ấy thật thụ động, các em lười phát biểu, không khí toát lên vẻ lạnh lẽo, những ánh mắt len lén của các em cứ nhìn về cô chủ nhiệm. Hình như cả lớp đang chờ đợi một trận cuồng phong nào đó. Những lúc cả lớp tập trung làm bài tập, cô cũng liếc nhẹ về phía Phi.

“Ơ kìa! Chỉ mới có ba hôm mà thằng bé như gầy đi, đôi má hóp vào, ánh mắt thâm quầng, trông phờ phạc quá”.

Suốt buổi học hôm đó và cả trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, cô lờ đi câu chuyện của Phi.

Thật ra, trong lòng cô chưa đưa ra được một cách giải quyết tối ưu.

Cô đã nghĩ đến việc gọi em xuống nhà tìm hiểu, chỉ cần nhìn vào bài kiểm tra là có thể biết được 0 hay là 8. Điều mà cô Lê sợ nhất là làm mạnh tay cu cậu sẽ phi tang bài kiểm tra. Cô Lê suy nghĩ giả thuyết thứ nhất hôm đó nhà trường yêu cầu vào điểm gấp, cô Châu có thể vì bỏ quên sổ điểm cá nhân ở nhà nên mới nhờ các em đọc giúp, khi rảnh rỗi cô đối chiếu hai sổ cũng sẽ phát hiện ra. Lại còn một giả thuyết thứ hai là cô chưa vào sổ. Tình huống này mới là gay go, không khéo sẽ có cuộc đôi co và càng nguy hiểm hơn khi bài kiểm tra không còn.

Đang loay hoay chuẩn bị đẩy xe ra khỏi trường thì Phi chạy đến bên cô:

- Cô ơi! Lát nữa cô cho em ghé nhà nhe! Chắc là cô biết hết mọi chuyện rồi phải không cô?

Cô Lê gật đầu nhẹ.

Trong lòng cô như trút được gánh nặng ngàn cân.

Cô nhỏ nhẹ:

- Chiều nay lúc 17 giờ em xuống nhà cô.

Hai cô trò sánh bước bên nhau, Phi cười thật tươi.

Xa xa, những ánh mắt sắc bén của một số học sinh 12B dồn vào cô chủ nhiệm và Phi.

Tuấn chạy như bay lại chỗ lớp trưởng:

- Tui đánh cược với bà là hắn đi tự thú. Nó dám thách thức với tui là nó tiêu đời.

- Ông cũng ác quá đi, ông kể hết cho cả lớp nghe, tụi nó đồng lòng tẩy chay, thấy thương nhất là nhỏ Thư, đau khổ giùm cho ghệ.

- Bà không biết đâu, tui ra chiêu này, cao tay lắm. Đó là mượn sức mạnh của tập thể đưa nó về con đường chính nghĩa.

Trâm trề môi:

- Chính xác là ông đang chơi trò cô lập con người ta.

Tuấn trề môi:

- Ủa! Bà cũng xót xa hả? Bộ bà định làm đối thủ với con Thư à?

Bà có biết là tui phải động não như thế nào không? Nào là thầm thì to, nhỏ với Thư để nó khuyên thằng Phi. Bà biết quá mà, thằng công tử bột đó chỉ nghe lời thỏ thẻ của ẻm thôi. Tui phải tốn bao nhiêu nước bọt, mất bao nhiêu chất xám để thuyết phục. Tui giải thích cặn kẽ về luật khoan hồng với những kẻ biết quay đầu. Nhỏ Thư nó nghe và tin tui sói trán luôn. Hai đứa nó đưa nhau đi uống trà sữa. Giọt nước mắt mỹ nhân rơi xuống dũng tướng còn phải xiêu lòng. Thằng bột mì ấy làm sao mà thoát.

- Ơi! Ông nhiễm phim nặng quá và diễn hơi sâu, sến quá ông ơi!

- Mà bà thấy tác dụng của nó chưa! Ái chà! Không biết cô xử vụ này như thế nào, bà đoán được không?

- Ông muốn biết thì chạy đến nhà cô mà hỏi.

- Hổng dám đâu! Dạ em hổng dám đâu.

***

Buổi chiều, nhà cô Lê hơi ồn, những giọng hát nhão nhoẹt từ ngôi nhà bên cạnh đang gào lên những bài tình ca của Trịnh Công Sơn. Tội nghiệp vị nhạc sĩ tài hoa, nghe người ta hát nhạc mình như vậy chắc là ông phải khóc quá.

Phi khép nép so với vẻ hoạt bát thường ngày.

Cô Lê động viên:

- Có gì thì em cứ nói! Cô sẵn sàng nghe đây.

- Dạ! Nói thật với cô là em vốn học yếu nên tính gỡ gạc phần nào. Nhưng suốt mấy ngày nay em khổ tâm lắm. Thứ nhất là sự ghẻ lạnh, hắt hủi của các bạn. Thứ hai là em sợ mọi chuyện đổ bể thì sẽ bị kỷ luật. Có một điều lạ lắm cô ơi! Trong những tiết sinh hoạt chủ nhiệm, cô thường kể những mẩu chuyện nhỏ về lòng tự trọng, tính trung thực, sự dũng cảm… em đâu có thèm nghe. Vậy mà trong những ngày qua, những câu chuyện ấy cứ vang vang lên trong đầu em, nó thôi thúc em tìm đến nhà cô Châu.

Cô Lê mừng rỡ:

- Em đến hồi nào? Mọi việc ra sao kể cô nghe! Cô nôn quá!

- Dạ! Em đến chiều hôm qua. Em tự nhận lỗi với cô và cô bảo là cô đã ghi điểm vào sổ cá nhân trước rồi. Hôm nào cô sẽ mang sổ cá nhân vào đối chiếu với sổ lớp. Nếu không khớp sẽ yêu cầu học sinh lấy bài kiểm tra ra xem. Cô có cho em xem sổ điểm, một con số không lù lù đó cô.

Cô Lê vẫn còn đầy hồi hộp:

- Em thấy thái độ cô Châu lúc ấy thế nào?

- Dạ! Vui vẻ lắm cô! Cô còn khuyên em cố gắng học cô sẽ cho gỡ điểm. Chuyện này em lỡ làm như vậy rồi có bị kỷ luật không cô? Các bạn có khinh khi em không?

Cô Lê nhìn Phi cười cười.

Gương mặt cậu học trò đỏ bừng lên vì ngượng.

- Có bị gì không cô? Sao cô không nói?

- Chứ theo em chuyện này cô sẽ xử sự cách nào, cho qua luôn phải không?

- Dạ hổng có! Nhưng mà nhẹ nhẹ thôi nhe cô!

- Em yên tâm đi, không có gì đâu. Thứ sáu tới, trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm, em sẽ đứng trước lớp nói vài câu.

Phi lo lắng:

- Em phải nói như thế nào hả cô?

- Nói như thế nào là tùy em. Nhưng nên nhớ rằng đây chỉ là những lời tâm sự. Làm sao qua những lời em nói các bạn hiểu em hơn, các bạn thấy được điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Quan trọng hơn cả là các bạn còn học được ở em sự dũng cảm. Dám nhìn nhận cái sai của mình, điều đơn giản như vậy nhưng đâu phải ai cũng làm được. Cô biết để làm được điều này hẳn em cũng phải cân nhắc nhiều lắm, có một sự đấu tranh ở trong em. Em đã đưa lên bàn cân so sánh cái được và cái mất. Cái được thì quá bé mà chưa chắc gì đã được, còn cái mất thì quá lớn phải không em? Mất lòng tự trọng, mất danh dự, mất sự tin yêu của thầy cô, bạn bè dành cho mình. Đó là chưa kể, đường đời còn dài, lỡ chẳng may vướng phải một điều oan ức nào đó, bạn bè còn ai tin mình. Họ sẽ bảo “Chắc là có! Vì ngày trước đi học hắn đã từng…”. Em hiểu hết những gì cô muốn nói chứ!

- Dạ! Em hiểu. Em cảm ơn cô!

- Cô còn muốn nói thêm với em một câu nữa!

- Dạ! Xin cô cứ nói!

- Em là một người rất may mắn, có một gia đình hạnh phúc, có một cuộc sống đầy đủ. Ở vào vị trí của em đúng ra là phải học thật tốt. Có biết bao người rất ham học và học giỏi nhưng lại không được đến trường vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Cô hy vọng sau lần này em sẽ chuyên tâm hơn vào chuyện học hành.

- Chắc chắn là như vậy cô à!

* * *

Tiết sinh hoạt chủ nhiệm hôm ấy là một tiết học thật đáng nhớ với tập thể lớp 12B.

Thằng Phi đứng trước lớp trong bộ quần áo thật chỉn chu, gương mặt rất tự tin.

Cả lớp im phăng phắc.

- Các bạn ơi! Lời đầu tiên của mình là xin lỗi cô Châu, cô Lê, xin lỗi cả tập thể lớp vì sự đọc nhầm điểm môn Vật lý một cách đầy dụng ý của mình. Mình cảm ơn đại gia đình 12B, chính thái độ của các bạn đã giúp mình phải suy nghĩ và hối hận vì những gì mình đã làm. Mình thật sự sai rồi các bạn à! Cô Châu và cô Lê đã tha thứ cho mình và mình hy vọng các bạn cũng vậy. Hãy tin tưởng và yêu thương mình các bạn nhé!

Phi ngừng nói, kiềm chế cảm xúc đang dâng trào.

Cô Lê bao quát lớp. Thằng Tuấn đang nhìn chằm chằm vào lớp trưởng. Trâm đưa hai tay ôm lấy gương mặt xinh xắn, đôi mắt đầy cảm thông. Vài đứa con gái sụt sịt cúi đầu xuống lấy khăn giấy chậm nước mắt, những thằng con trai thì trầm tư, nét mặt đầy vẻ đăm chiêu.

Phi nói tiếp:

- Các bạn biết không, bài kiểm tra đó mình sẽ lưu giữ cẩn thận xem như một vật kỷ niệm của mình. Mình mãi mãi nhớ con số không đáng yêu của cô Châu. Con số ấy cũng có linh hồn, nó sẽ đi theo mình trên đường đời, nhắc nhở mình luôn sống trung thực. Một lần nữa cảm ơn các bạn.

Cô Lê không nói gì, chỉ nở nụ cười thật tươi.

Cô ngồi ngắm học sinh của mình, cũng là những gương mặt quen thuộc hằng ngày, sao hôm nay dễ thương đến lạ, mà người đáng yêu nhất chắc chắn là thằng Phi.

H.N

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/zero-hay-la-tam-a165766.html