Zimbabwe - tiền bẩn và buôn lậu vàng
Zimbabwe dưới thời Tổng thống Robert Mugabe, bị Mỹ và các nước Châu Âu đã áp đặt không ít lệnh cấm vận. Những tưởng điều đó sẽ được dỡ bỏ sau khi ông Mugabe rời ghế tổng thống vào năm 2017, nhưng Washington và Brussel vẫn quyết tâm theo đuổi chúng tới cùng. Việc phương Tây áp đặt cấm vận đã thúc đẩy sự hình thành các đường dây buôn lậu và rửa tiền ở Zimbabwe. Nhưng ở một quốc gia mà cả ngành nông nghiệp lẫn công nghiệp đều trong trạng thái kiệt quệ thì buôn lậu thứ gì? Câu trả lời chỉ có một chữ: Vàng.
Vàng "bẩn"
Zimbabwe nằm trong số các quốc gia có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới. Năm 2022, tổng sản lượng vàng khai thác được ở Zimbabwe đạt kỷ lục 35,38 tấn. Họ đang cố gắng vượt ngưỡng 40 tấn trong năm nay. Ước tính doanh thu Zimbabwe thu về từ xuất khẩu vàng đạt 2 tỷ USD, tương đương một nửa doanh thu xuất khẩu năm của đất nước này. Vấn đề nằm ở chỗ mặc dù phương Tây không cấm Zimbabwe xuất khẩu vàng, song các lệnh trừng phạt áp đặt lên hệ thống tài chính nước này khiến hoạt động mua bán vàng với đối tác nước ngoài trở nên vô cùng khó khăn.
Đấy chính là khi tội phạm có tổ chức vào cuộc. Bằng cách sử dụng mạng lưới các công ty bình phong đặt tại nước ngoài, những đường dây rửa tiền hoàn toàn có thể "phù phép" hàng trăm triệu USD tiền "bẩn" thành vàng Zimbabwe, rồi sau đó lại chuyển vàng thành tiền. Tất cả các bên tham gia đều có lợi: khách hàng che giấu được bản chất số tiền bất chính của mình, phía rửa tiền được hưởng hoa hồng, còn chính phủ Zimbabwe có được những khoản ngoại tệ mà họ đang rất cần trong bối cảnh đồng đô la Zimbabwe đã mất hoàn toàn giá trị do lạm phát.
Hãng tin Al Jazeera mới đây đã đăng tải một loạt phóng sự khiến dư luận chấn động về mạng lưới rửa tiền - buôn lậu vàng Zimbabwe. Các phóng viên Al Jazeera đóng giả làm tội phạm Trung Quốc muốn "xử lý" khoản tiền trị giá 100 triệu USD. Sau thời gian thương thảo, họ cuối cùng được gặp "trùm cuối" của một trong các đường dây rửa tiền, đó là Uebert Angel, Đại sứ Zimbabwe tại Châu Âu và Châu Mỹ. Angel được tổng thống đương nhiệm của Zimbabwe Emmerson Mnangagwa bổ nhiệm cách đây hai năm. Nhiệm vụ chính của vị đại sứ này là hàn gắn mối quan hệ giữa Harare, Washington, và Brussel; đồng thời tìm kiếm nguồn đầu tư nước ngoài mà Zimbabwe đang rất cần. Angel cho rằng việc rửa tiền và buôn lậu vàng cũng chỉ là cách ông ta... "phục vụ" tổ quốc.
Đại sứ Angel hứa hẹn sẽ dùng số tiền "bẩn" của khách hàng để mua vàng Zimbabwe, sau đó đem vàng bán lại trên thị trường Dubai. Nhằm tăng sự tin tưởng của khách hàng, ông ta yêu cầu cấp phó Rikki Doolan trực tiếp tham gia đàm phán. Rikki Doolan vừa là nhân viên Bộ Ngoại giao Zimbabwe, vừa đảm nhiệm công việc nhạc sỹ và cha sứ. Ông này là người gợi ý với phóng viên Al Jazeera việc trích ra một khoản tiền từ số vốn của khách hàng nhằm đầu tư xây dựng khách sạn gần thác Victoria, kỳ quan thiên nhiên thế giới của Zimbabwe. Đấy vừa là công cụ rửa tiền, vừa là cách để lấy lòng tổng thống qua việc tạo "thanh danh" cho ông.
Uebert Angel nhận xét: "Chính trị gia nào cũng muốn cắt băng khánh thành để cho mọi người nghĩ rằng ông ta đang khiến vốn đầu tư "chảy" vào địa phương. Ở Zimbabwe vàng thì sẵn nhưng không có công trình mới nào để cắt băng khánh thành".
Vị đại sứ không phải người duy nhất buôn lậu vàng. Một đường dây khác được "đối thủ" của Uebert Angel là Kamlesh Pattni điều hành. Nhà triệu phú này sinh ra ở Kenya nhưng đã phải chạy trốn khỏi quốc gia này sau khi "ăn trộm" tới 600 triệu USD từ ngân khố Kenya. Theo chính lời Pattni nói với phóng viên Al Jazeera, ông ta vốn chỉ làm chủ một cửa hàng may nhỏ ở Nairobi. Một trong những khách hàng của ông ta là giám đốc cơ quan tình báo Kenya khi đó. Người này đề nghị Pattni lập ra một công ty mang tên Goldenberg International. Công ty được Tổng thống Kenya khi đó là Daniel Arap Moi cho phép làm doanh nghiệp xuất khẩu vàng độc quyền của cả đất nước.
Pattni khoe khoang: "Nói là vàng Kenya nhưng thực ra chúng tôi chủ yếu buôn vàng Congo. Cứ mỗi lượng vàng bán được là tôi ăn 35% hoa hồng... Khi đó tôi là người thân tín của biết bao nhiêu nguyên thủ quốc gia. Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe,... tôi đều quen hết".
Sau khi Arap Moi rời khỏi ghế tổng thống vào năm 2002, Pattni phải hầu tòa vì một loạt tội danh liên quan đến buôn lậu, rửa tiền, hối lộ và bòn rút công quỹ. Quá trình xét xử kéo dài hơn 10 năm, và Pattni chỉ thoát tội nhờ vào ảnh hưởng chính trị của người kế nhiệm Arap Moi là Tổng thống Mwai Kibaki. Tuy nhiên kẻ tội phạm vẫn quyết định chạy trốn khỏi Kenya và chuyển sang làm ăn tại Zimbabwe. Bà Lakshmi Kumar, Giám đốc nghiên cứu của tổ chức theo dõi tội phạm rửa tiền Global Financial Integrity (Mỹ), cho biết: "Mạng lưới buôn lậu vàng của Kamlesh Pattni có chi nhánh tại khắp khu vực Trung và Nam Phi. Ngoài các công ty bình phong đặt tại Trung Đông và Tây Á, Pattni còn sử dụng chính hệ thống nhà thờ do y thành lập nên để che đậy việc buôn lậu và rửa tiền".
Mạng lưới buôn lậu vàng Zimbabwe lớn thứ ba nằm dưới sự điều khiển của Simon Rudland và Ewan Macmillan. Macmillan là một kẻ buôn lậu vàng có thâm niên và từng bị bắt vào năm 21 tuổi khi đang tìm cách vượt biên giới với 3 lượng vàng trên người. Còn Simon Rudland hiện là chủ tịch công ty thuốc lá Gold Leaf, một trong những thương hiệu thuốc lá lớn nhất Nam Phi. Thay mặt Rudland và Macmillan để điều hành trực tiếp việc rửa tiền là Alistair Mathias. Tên này là người gốc Canada nhưng có quốc tịch của nhiều quốc gia khác nhau. Trước khi gặp Rudland, Macmillan chuyên rửa tiền tại Dubai cho những chính trị gia đến từ Đông Âu và Trung Phi.
"Các anh hoàn toàn không phải lo về việc "làm sạch" tiền. Mỗi tháng tôi "phù phép" cho 70-80 triệu USD... Trong trường hợp các anh không muốn dính dáng đến Zimbabwe thì tôi cũng sẵn sàng buôn vàng Ghana, Zambia hay Nam Phi cho các anh. Tôi đảm bảo là cảnh sát quốc gia hay thậm chí là Interpol, Europol cũng không lần ra được tiền của các anh. Mạng lưới của chúng khép kín từ hầm mỏ đến nhà máy luyện vàng đến ngân hàng. Cho dù các anh đang ở nước bị cấm vận đi nữa thì "đàn em" của tôi vẫn có thể chuyển tiền cho các anh", Macmillan tuyên bố hùng hồn với các phóng viên Al Jazeera.
Điểm chung của cả ba đường dây buôn lậu vàng kể trên là mối quan hệ giữa họ với chính phủ Zimbabwe. Họ đều được cấp giấy phép xuất khẩu vàng và liệt vào nhóm "đối tác" với công ty vàng nhà nước Fidelity. Những tay buôn lậu thu mua vàng từ các công ty khai khoáng, đem đến nhà máy luyện vàng của Fidelity để chế biến, sau đó đưa đi xuất khẩu. Số vàng xuất khẩu đó chính là "phương tiện" cho việc rửa tiền.
Điều kiện những tên buôn lậu đưa ra với khách hàng đi rửa tiền là "đầu tư" 10 triệu USD vào một nhà máy luyện vàng do Fidelity sở hữu. 5 triệu USD sẽ được dùng làm khoản đảm bảo, 5 triệu còn lại để mua vàng. Những kẻ buôn lậu bán hết số vàng đã mua trên thị trường thế giới, sau đó tách ra một phần lợi nhuận gửi vào các công ty bình phong do khách hàng lập ra ở Dubai. Phần lợi nhuận còn lại sẽ được đem về gửi tại ngân hàng ở Harare, tạo nên một dòng ngoại hối mà Zimbabwe hiện phụ thuộc rất nhiều vào.
Trung gian giữa Uebert Angel, Kamlesh Pattni và Simon Rudland với Fidelity là bà Henrietta Rushwaya, chủ tịch Hiệp hội Khai khoáng Zimbabwe và cháu gái của Tổng thống Mnangagwa. Bà này từng bị bắt tại Cảng hàng không quốc tế Dubai vào năm 2020 khi đang mang 6kg vàng Zimbabwe. Hơn một năm sau đó, lái xe của bà ta cũng bị bắt vì tội tương tự với tang vật là số vàng trị giá 670.000 USD.
Trong một cuộc gọi điện thoại với Uebert Angel, Henrietta Rushwaya nói rằng mình "luôn sẵn sàng giúp đỡ" những kẻ buôn lậu. Bà ta còn gợi ý vị đại sứ chở vàng trên máy bay của mình nhằm lợi dụng quyền miễn trừ ngoại giao để không bị hải quan kiểm tra hành lý.
Rushwaya nói: "Ở những nước khác mà các anh mua vàng với số lượng lớn bằng tiền mặt là sẽ bị cảnh sát để ý ngay. Ở Zimbabwe, các anh thoải mái làm việc đó. Ngành vàng Zimbabwe là ngành kinh tế duy nhất có khả năng hằng ngày mua bán qua ngoại tệ trực tiếp".
Liều thuốc
Sau khi Al Jazeera đăng tải loạt phóng sự điều tra, các đối tượng, tổ chức xuất hiện trên mặt báo đều lên tiếng phủ nhận tội phạm của mình. Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe cũng ra thông cáo khẳng định sự nghiêm khắc với tội phạm rửa tiền, và rằng họ không hề biết gì về những mạng lưới rửa tiền. Tuy nhiên ở trong và ngoài Zimbabwe đã xuất hiện những luồng dư luận yêu cầu chính phủ nước này và các tổ chức quốc tế mở cuộc điều tra về tội phạm rửa tiền và buôn lậu vàng.
Trong khi chờ đợi tín hiệu cho biết liệu chính phủ Zimbabwe và các thể chế tài chính quốc tế có nghiêm túc theo đuổi việc điều tra, một số nhà quan sát đã nghĩ đến khả năng phương Tây xem xét nới lỏng lệnh cấm vận áp đặt lên Zimbabwe. Giáo sư kinh tế Mỹ Jared Bernstein nhận xét: "Các lệnh cấm vận tài chính thường là tiền đề cho việc chính phủ quốc gia chịu cấm vận "bắt tay" với tội phạm rửa tiền và buôn lậu nhằm duy trì nền kinh tế của họ. Ở chiều ngược lại, nới lỏng hay dỡ bỏ cấm vận hoàn toàn có thể khiến nhà cầm quyền có ít động lực để hợp tác với tội phạm, mà thay vào đó là quay sang làm việc với các thể chế tài chính hợp pháp".
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/zimbabwe-tien-ban-va-buon-lau-vang-i689551/