Zimbabwe và Canada là minh họa cho bức tranh vaccine toàn cầu
Trong khi 70% dân số trưởng thành ở Canada đã được tiêm chủng, thì ở Zimbabwe, người dân vẫn còn vật lộn để được tiêm vaccine Covid-19.
Khi bà mẹ 3 con Amanda Wood nghe tin đang có một lượng lớn vaccine dành cho thanh thiếu niên, cô nóng lòng muốn chạy ngay đến đăng ký tiêm chủng tại một trường học ở Toronto. Điều duy nhất khiến cô còn e dè là Lola, cô con gái 13 tuổi của cô, sợ tiêm.
Wood nói với Lola rằng nếu tiêm vaccine, cô bé sẽ được gặp lại bạn bè, được chơi thể thao. Bị thuyết phục bởi những lời hứa được trở lại cuộc sống bình thường, Lola đã đồng ý.
Zimbabwe - nơi cách Canada 13.000 km - hoàn toàn khác biệt, nơi khó có thể đạt được sự miễn dịch.
Andrew Ngwenya ngồi trước cửa nhà mình tại một thị trấn dành cho tầng lớp lao động ở thủ đô Harare, suy nghĩ tìm cách cứu bản thân và gia đình khỏi dịch Covid-19.
Ngwenya cùng vợ là De-egma đến bệnh viện, nơi đang có một vài liều vaccine dự phòng. Vài giờ sau, khoảng 30 người đã được tiêm hết. Gia đình anh Ngwenyas có 4 đứa con, đã phải về nhà tay không, vẫn hy vọng về việc tiêm chủng.
"Chúng tôi đã sẵn sàng để tiêm, nhưng không thể biết nơi nào còn vaccine. Chúng tôi cần vaccine, vậy có thể tìm ở đâu?", anh nói.
Hai thế giới đối lập
Câu chuyện của gia đình Wood và Ngwenya phản ánh một thế giới phân biệt rõ rệt giữa những người có vaccine và không có vaccine, giữa những người lạc quan về thế giới không đại dịch và những người nhìn thấy cuộc sống phía trước sẽ toàn bệnh tật và chết chóc.
Ở nước này, những vấp ngã ban đầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19 đã được khắc phục nhờ vào ngân sách và cơ sở hạ tầng y tế công cộng mạnh mẽ. Còn tại nước kia, với kế sách chống dịch kém, thiếu nguồn lực, thất bại của cơ chế toàn cầu về việc chia sẻ vaccine đã dẫn đến sự thiếu hụt tuyệt đối vaccine Covid-19, chưa kể bình dưỡng khí và thiết bị bảo hộ.
Với 70% dân số trưởng thành được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, Canada có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới và đang mở rộng tiêm chủng cho trẻ em, đối tượng có nguy cơ biến chứng và tử vong thấp hơn.
Trong khi đó, chỉ có khoảng 9% dân số ở Zimbabwe đã được tiêm một liều vaccine Covid-19, trong bối cảnh biến chủng Delta đang gia tăng và lây lan nhanh chóng. Hàng triệu người đã bị nhiễm lây nhiễm virus, bao gồm cả người già và người có bệnh nền. Họ đang đấu tranh để được tiêm chủng trong khi chính phủ đưa ra các biện pháp hạn chế mạnh hơn.
Ngwenya cho biết những người cố gắng được tiêm vaccine đang tỏ ra thất vọng.
Sự cung ứng chậm chạp
Không phải lúc nào ở Canada cũng có đủ vaccine. Do không sản xuất vaccine nội địa, nước này đã có khởi đầu chậm chạp với tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn Hungary, Hy Lạp và Chile. Nhờ sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc, Canada cũng là quốc gia G7 duy nhất đảm bảo vaccine từ đợt giao hàng đầu tiên, phân phối chủ yếu cho các nước nghèo, được gọi là Cơ chế COVAX.
Thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada luôn cam kết hỗ trợ vaccine cho COVAX, sau khi đầu tư hơn 400 triệu USD vào chương trình này. Gavi, Liên minh Vaccine cho biết COVAX cũng đã được triển khai cho các quốc gia giàu có "chính sách bảo hiểm" trong trường hợp họ không đủ liều.
Lô hàng mới nhất của COVAX đến Canada vào tháng 5/2021, ngay sau khi khoảng 60 quốc gia nghèo rơi vào tình cảnh tiếp nhận hàng một cách nhỏ giọt, với khoảng 655.000 liều vaccine AstraZeneca. Chẳng hạn Bangladesh đã chờ COVAX cung ứng khoảng 130.000 liều vaccine cho người tị nạn Rohingya; tuy nhiên mọi thứ đã quá trễ khi nhà cung cấp Ấn Độ ngừng xuất khẩu.
Tiến sĩ Prabhat Jha, Chủ tịch Y tế Toàn cầu và Dịch tễ học tại Đại học Toronto, nhận định quyết định của Canada trong việc hỗ trợ vaccine thông qua Liên Hợp Quốc là "đáng trách về mặt đạo đức". Ông cho biết phản ứng sớm của Canada đối với Covid-19 đã đánh giá sai sự cần thiết của các biện pháp kiểm soát, bao gồm cả việc truy vết và hạn chế đường biên giới.
Ông cho rằng: “Nếu không nhờ sức mua vaccine mạnh mẽ của Canada, chúng tôi sẽ ở trong tình trạng tồi tệ hơn bây giờ".
Nhiều tuần sau khi vaccine COVAX tới, hơn 33.000 liều vẫn còn tồn trong kho ở Ottawa, sau khi giới chức y tế khuyến cáo người Canada nên tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, mà họ đã mua hàng chục triệu liều.
Hy vọng mong manh
Những đứa trẻ nhà cô Wood được tiêm vaccine Pfizer. Khi Canada triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên, Wood, người làm việc với trẻ em trong ngành giải trí và chồng là kiến trúc sư đã không ngần ngại đăng kí.
Wood cho biết các con của cô, tất cả đều ham thể thao, đã bị hạn chế chơi khúc côn cầu, bóng đá và bóng bầu dục trong những lần giãn cách xã hội. Lola đã bỏ việc nướng bánh chanh và bánh quy chocolate với bà của mình, người sống cách đó ba dãy nhà.
Bà nói: “Chúng tôi thấy mình cần chủ động giữ an toàn cho mọi người, cho người già, để nền kinh tế phát triển trở lại và những đứa trẻ có thể đi học trở lại".
Ngwenya lo lắng về việc chính phủ hạn chế các dịch vụ công cộng cho người chưa được tiêm chủng, bao gồm cả giao thông. Vậy nên hy vọng sớm trở lại bình thường là rất nhỏ và mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn.
Mặc dù Zimbabwe đã được cấp gần 1 triệu liều vaccine thông qua Cơ chế COVAX, nhưng chưa có đợt hàng nào được chuyển giao. Tổng số liều mà nước này mua và được cung ứng là 4,2 triệu, bao gồm cả vaccine của Trung Quốc, Nga và Ấn Độ.
Số liệu chính thức cho thấy 4% trong số 15 triệu dân số của Zimbabwe đã được chủng ngừa đầy đủ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, những con số này khiến Zimbabwe tương đối thành công ở châu Phi, nơi có ít hơn 2% trong tổng số 1,3 tỷ người của lục địa này đã tiêm chủng. Trong lúc này, virus đang dần lây lan đến các vùng nông thôn, nơi đông người sinh sống, với cơ sở y tế tồi tàn.
Ngwenya là một mục sư bán thời gian của Giáo hội Ngũ Tuần, anh và các con chiên đã phải dựa vào đức tin để chống lại đại dịch này. Nhưng anh tin rằng mọi người nên tiêm vaccine trước rồi hẵng cầu nguyện. “Ai cũng sợ cái chết. Mọi người đang chết dần và chúng ta đang chứng kiến điều đó. Đây là sự thật", anh nói.