Bệnh viện Nhi Trung ương: Một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện Đề án 1816

Thời gian qua, nhiều khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đã được các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Nhi Trung ương triển khai rộng khắp trong hệ thống chỉ đạo tuyến, qua đó, năng lực khám chữa bệnh trẻ em của nhiều cơ sở y tế đã được cải thiện rõ rệt.

Bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái. Ảnh: Dương Quyên

Liên tục bàn giao bác sỹ chuyên môn cao cho các cơ sở y tế tuyến huyện

Từ đầu năm 2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã bàn giao 3 bác sĩ cho các cơ sở y tế tuyến huyện Hà Tĩnh, Nghệ An và Lào Cai, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại đây.

Tiếp nối thành công từ các chương trình, đề án hỗ trợ cho y tế cơ sở như: hoạt động Đào tạo-Chỉ đạo tuyến; Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, khám chữa bệnh từ xa, năm 2023, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục thí điểm đưa các bác sĩ Nhi khoa luân phiên về tham gia khám chữa bệnh, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại một số cơ sở y tế tuyến huyện. Các bác sĩ tình nguyện tham gia công tác đều là những thầy thuốc được đào tạo bài bản với trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm lâm sàng qua nhiều năm tiếp xúc với nhiều mặt bệnh đa dạng tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Vào tháng 3/2023, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ký kết hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trong khám chữa bệnh và bàn giao bác sĩ trẻ về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu (tỉnh Sơn La).

Tại lễ chuyển giao kỹ thuật trong khám chữa bệnh, bác sĩ Cao Việt Tùng - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay, tại các bệnh viện tuyến y tế cơ sở miền Bắc nước ta tỷ lệ tử vong ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh vẫn còn cao. Chính vì vậy, thời gian qua, Bệnh viện Nhi Trung ương chú trọng phát triển hệ thống chuyên khoa Nhi và đánh giá nhu cầu bác sĩ trẻ về công tác tại Bệnh viện tuyến cơ sở là rất cần thiết.

Bác sĩ Vi Hồng Kỳ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu chia sẻ: “Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu là Bệnh viện hạng II của tỉnh Sơn La, số giường bệnh kế hoạch là 230 giường, giường bệnh thực kê 400 giường, cùng với 207 cán bộ công nhân viên chức. Bệnh viện hiện đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân như: Phẫu thuật nội soi khớp gối, thay khớp gối, khớp háng, phẫu thuật sọ não, cột sống… đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng đã được đào tạo theo hướng chuyên sâu, cùng với tình yêu nghề, với trách nhiệm đối với người bệnh, bệnh viện đã từng bước tiếp cận được với kĩ thuật cao”.

Ông Trần Đắc Thắng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La cho hay, hiện Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì Bệnh viện vẫn còn một số chuyên khoa sâu cần được sự giúp đỡ của các bệnh viện tuyến trung ương, đặc biệt là chuyên khoa Nhi, tim mạch. Việc các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương về trực tiếp chuyển giao kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, tư vấn, giải quyết chuyên môn, đào tạo cho các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Mộc Châu là cơ hội rất tốt giúp người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật có chất lượng cao ngay tại địa phương.

Người bệnh sẽ được tiếp cận với kỹ thuật cao, tiên tiến, hạn chế phải chuyển tuyến trên

Giữa tháng 6/2023, đoàn cán bộ Bệnh viện Nhi Trung uơng do PGS.TS. Phạm Duy Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương làm Trưởng đoàn đã đến làm việc, khảo sát thực tế hoạt động tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Cùng đi có các chuyên gia đầu ngành và lãnh đạo Trung tâm Sơ sinh, Trung tâm Ngoại tổng hợp, Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Khoa Chỉnh hình, Khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bệnh viện Nhi Trung ương đi khảo sát thực tế về nhân lực, trang thiết bị Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hằng Nga

Tại buổi làm việc, TS.BS. Phạm Thái Hạ - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã thông báo tóm tắt về mô hình, nhân lực, cơ sở vật chất của đơn vị; một số vấn đề khó khăn, tồn tại và đề xuất những lĩnh vực mong muốn được Bệnh viện Nhi Trung ương hỗ trợ chuyên môn.

Cũng tại buổi làm việc, đoàn công tác của Bệnh viện Nhi Trung ương đã đi khảo sát thực tế về nhân lực, trang thiết bị của các khoa đặc biệt trong 3 lĩnh vực chuyên môn là Sơ sinh, Ngoại nhi tổng hợp, Kiểm soát nhiễm khuẩn. Căn cứ vào kết quả khảo sát thực tế, đánh giá trực tiếp tại các khoa/phòng, đoàn chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương đã đề cập, phân tích về thực trạng trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng; đồng thời, đề xuất những giải pháp phù hợp cũng như định hướng ngắn hạn, dài hạn, hướng tới từng bước hỗ trợ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ phát triển toàn diện về chuyên môn, ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực Sơ sinh và Ngoại Nhi.

TS.BS. Phạm Thái Hạ cho biết, trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tăng cường công tác đào tạo, xây dựng nguồn lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị để có thể triển khai tiếp nhận sự hỗ trợ, chuyển giao từ tuyến trên theo kế hoạch… Bệnh viện mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ Bệnh viện Nhi Trung ương từng bước xây dựng Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ trở thành một trong những bệnh viện khám chữa bệnh hàng đầu khu vực Tây Bắc cũng như hàng đầu trong cả nước về lĩnh vực sản khoa và nhi khoa, là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy cho người dân trong nước nói chung và các tỉnh phía Tây Bắc nói riêng.

Từ ngày 22 đến 23/6/2023, đoàn công tác của Bệnh viện Nhi trung ương gồm 7 giảng viên do TS. Đặng Ánh Dương - Trưởng khoa Điều trị tích cực ngoại làm trưởng đoàn cùng các tiến sỹ, thạc sỹ, bác sỹ, điều dưỡng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Khoa Điều trị tích cực nội, Khoa Cấp cứu chống độc và Phòng Đào tạo chỉ đạo tuyến đã tiến hành đào tạo chuyển giao kỹ thuật thuộc chương trình chỉ đạo tuyến và đề án 1816 năm 2023 cho các học viên là các bác sỹ, điều dưỡng các khoa lâm sàng, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, các kiến thức về cấp cứu nhi khoa cơ bản như: Tiếp cận trẻ bị bệnh nặng, Tiếp cận trẻ bị chấn thương nặng, Cấp cứu cơ bản - Xử trí trẻ bị sặc dị vật, Tiếp cận và xử lý trẻ bị khó thở, Cấp cứu ngừng tim, Trẻ bị rối loạn mạch nhịp, Phản vệ, Tiếp cận và xử trí trẻ bị giảm tri giác, Tiếp cận và xử lý trẻ bị co giật, Thiết lập đường truyền tủy xương / Chọc xương chày, Nhận biết rối loạn nhịp tim/Shock điện, Ổn định và vận chuyển bệnh nhân…

Với phương pháp giảng dạy tích cực, lấy học viên làm trung tâm, phương tiện, vật liệu giảng dạy đầy đủ, mô hình đa dạng sát với thực tế. Kết hợp lý thuyết với thực hành và xử trí tình huống theo nhóm.

Hai ngày làm việc tích cực với sự nhiệt tình, tâm huyết của nhóm giảng viên, sự nỗ lực cố gắng, ham học hỏi của các bác sỹ, điều dưỡng Bệnh viện Sản - Nhi đã nắm bắt, thực hiện tốt các kiến thức được truyền đạt theo kế hoạch qua sự đánh giá kiến thức đầu vào và đầu ra.

Đây sẽ là những nhân tố quan trọng trong cấp cứu, điều trị và chăm sóc người bệnh. Người bệnh sẽ được tiếp cận với kỹ thuật cao, tiên tiến, hạn chế phải chuyển tuyến trên cũng như kéo dài thời gian điều trị, hướng đến đáp ứng sự hài lòng của người bệnh ngày một tốt hơn.

Dương Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/benh-vien-nhi-trung-uong-mot-trong-nhung-don-vi-di-da-u-trong-thuc-hien-de-an-1816-360022.html