Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội

'Xây dựng và thực hiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng bền vững, tiến bộ và công bằng; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững; tạo cơ hội cho Nhân dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người sống ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hội nhập quốc tế gắn với việc làm bền vững; nâng cao chất lượng quản lý phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân' - Đó là mục tiêu tổng quát được đề ra trong Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XII, Chương trình hành động số 53-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XII “Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trước hết, nhận thức của cán bộ, đảng viên, các cấp, ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò của các chính sách xã hội trong phát triển KT-XH ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn. Trong phát triển kinh tế đã gắn tiến bộ, công bằng xã hội với việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công được quan tâm thường xuyên, chu đáo; các chính sách, chế độ được thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời, bảo đảm người có công được chăm sóc, ưu đãi toàn diện, gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn.

Công tác giảm nghèo bền vững được chỉ đạo và triển khai đồng bộ, hiệu quả, theo hướng bền vững, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng hỗ trợ phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hệ thống cơ sở y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội được đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng, góp phần bảo đảm giáo dục, y tế, nhà ở tối thiểu, nước sạch, thông tin cơ bản cho Nhân dân; người có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ kịp thời. Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng khẳng định vai trò trụ cột trong đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sách xã hội vẫn còn một số hạn chế, như: nguồn lực huy động thực hiện chưa được nhiều, việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn còn thiếu đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, phân hóa giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, chưa đảm bảo mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về nhà ở, sử dụng nước sạch ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường xuyên bị thiên tai.

Thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, lao động khu vực phi chính thức còn khá lớn; đột phá về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chuyển biến chưa rõ nét. Công tác xã hội hóa chính sách bảo trợ xã hội còn gặp nhiều khó khăn; công tác quản lý nhà nước còn bất cập; nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội còn hạn chế...

Để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhiệm vụ và giải pháp đặt ra của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành là tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của chính sách xã hội; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm bền vững cho người lao động; xây dựng, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nâng cao phúc lợi toàn dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong thực hiện chính sách xã hội.

Có một vấn đề vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng, đó là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chính sách xã hội. Trong đó, vấn đề quan trọng là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tỉnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả; coi trọng việc phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm trong tổ chức thực hiện.

Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, nêu cao trách nhiệm giải trình, tạo điều kiện cho Nhân dân trong tiếp cận chính sách xã hội. Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về chính sách xã hội từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường vai trò giám sát của Nhân dân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi trục lợi chính sách, vi phạm pháp luật.

Cùng với đó, tập trung hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước; đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa quy trình quản lý và tổ chức thực hiện chính sách. Từng bước áp dụng mã số an sinh xã hội cho người dân, hoàn thiện cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành liên quan đến chính sách xã hội, bảo đảm liên thông, an toàn, bảo mật thông tin chung và dữ liệu cá nhân.

Đổi mới cơ chế huy động nguồn lực thực hiện chính sách xã hội theo hướng linh hoạt, hiệu quả; nguồn lực nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời huy động hợp lý nguồn lực xã hội và hợp tác quốc tế; tăng cường xã hội hóa, hợp tác công - tư trong thực hiện chính sách xã hội.

Minh Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/nang-cao-nang-luc-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-chinh-sach-xa-hoi-185348.htm