Từ Thổ ty xứ Mường đến vị Quận công được vua Nguyễn tin quý

Là Thổ ty đất Mường Khô (huyện Bá Thước), Quận công Hà Công Thái là võ tướng bản lĩnh, có nhiều công trạng giúp nhà Nguyễn dẹp yên những cuộc nổi dậy ở khu vực miền núi xứ Thanh. Vì thế, ông được vua Gia Long, Minh Mạng (Minh Mệnh) đặc biệt tin tưởng, quý mến. Quận công Hà Công Thái là niềm tự hào của Mường Khô.

Đền thờ Quận công Hà Công Thái ở thôn Muỗng Do, xã Điền Trung (Bá Thước).

Là một Mường lớn ở miền Tây xứ Thanh, Mường Khô (ngày nay bao gồm nhiều xã, như: Điền Trung, Điền Lư, Điền Quang...) được biết đến là quê hương của Quận công Hà Công Thái. Tên tuổi ông, được các tài liệu sử thời Nguyễn, đặc biệt là sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn nhiều lần nhắc đến.

Theo các tài liệu lưu giữ tại địa phương, Hà Công Thái sinh ra trong gia tộc lớn, có thế lực ở miền rừng núi xứ Thanh. Ông vốn bản tính thông minh, nhanh nhẹn, lại có tấm lòng rộng rãi, thường giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, vì thế ông được người dân trong vùng quý mến. Hà Công Thái đã được người dân Mường Khô tôn làm Thổ ty. Dưới sự lãnh đạo của Thổ ty Hà Công Thái, Mường Khô nhanh chóng trở thành một Mường giàu mạnh.

Bấy giờ, sau khi vua Quang Trung qua đời, tình hình đất nước rơi vào bất ổn bởi những đấu đá tranh giành quyền lực, cuộc sống của người dân thêm khốn khó, nhà Tây Sơn đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Trước thế cuộc ấy, dù là một Thổ ty nơi miền núi xa xôi xứ Thanh nhưng Hà Công Thái lại sớm có “dự cảm” và lựa chọn chính trị cho bản thân. Ông sai người tâm phúc tìm đường vào tận đất phương Nam tìm gặp Nguyễn Ánh (Nguyễn Phúc Ánh) bày tỏ tâm ý sẵn sàng chuẩn bị binh lực ở vùng núi xứ Thanh, chờ quân Nguyễn Ánh ra sẽ hưởng ứng dẹp loạn đảng. Với lựa chọn này, Hà Công Thái đã chính thức bước lên “vũ đài chính trị”, từ đấy thay đổi con đường quan nghiệp.

“Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời ông. Từ một Thổ ty nơi rừng núi xa xôi, Hà Công Thái đã trở thành một nhân vật quan trọng, tiếng tăm vượt khỏi các vùng mường. Ông chiêu mộ quân sĩ, xây dựng một đạo quân... từ các huyện miền Tây Thanh Hóa, tràn xuống các huyện đồng bằng như Lôi Dương, Thụy Nguyên, Vĩnh Lộc, Yên Định... Thanh thế của Hà Công Thái ngày càng lan rộng” (sách Địa chí huyện Bá Thước).

Sau khi vua Gia Long lên ngôi, “Hà Công Thái được phong Quận công, Khâm sai Chánh thống lãnh Thượng đạo trấn Thanh Hóa (hay Thống lĩnh Thượng đạo Thanh Hóa). Năm 1803, vua Gia Long lại cho Hà Công Thái kiêm chức coi giữ quế bộ (trông coi việc khai thác quế). Quế ngon ở Thanh Hóa được tiến cung cho vua và hoàng tộc dùng. Tháng Giêng năm Ất Sửu (1805) “quan Thống lĩnh Thượng Đạo Thanh Hóa là Hà Công Thái vào chầu, vua cho một bộ mũ áo, 100 quan tiền. Khi về lại ban áo quần cho bộ thuộc theo thứ bậc khác nhau”. Hà Công Thái được vua Gia Long cho quản lý một vùng phên dậu ở biên cương với một lực lượng quân sự rất mạnh, có quan quân dưới quyền nắm đến tận sách, động” (sách Địa chí huyện Bá Thước).

Sự “ân sủng”, tin cậy của vua Nguyễn dành cho Quận công Hà Công Thái không chỉ ở đời vua Gia Long mà còn được tiếp tục dưới thời vua Minh Mệnh. Khi vua Minh Mệnh lên ngôi, Hà Công Thái đã vào kinh đô yết kiến vua mới, được nhà vua ban cho gươm và súng tay. Đặc biệt, trước khi Hà Công Thái rời kinh đô trở lại xứ Thanh, ông đã được nhà vua gọi riêng, dặn dò: “Ngươi ở đạo, phàm mọi việc nên cùng với đốc trấn bàn bạc xét kỹ... sao cho giặc cướp lặng yên, trấn đạo thanh tĩnh để đền đáp ơn hậu đãi của triều đình, phải cố gắng đấy”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nam Ninh nhìn nhận: “Sau khi vua Quang Trung nhà Tây Sơn qua đời, tình hình đất nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng có nhiều bất ổn. Sự nổi dậy của các loạn đảng cũng là một trở ngại rất lớn với sự nghiệp thống nhất giang sơn của nhà Nguyễn. Hà Công Thái là người có công lớn giúp cho sự nghiệp lên ngôi của nhà Nguyễn hanh thông, thuận lợi hơn. Việc vua Nguyễn phong cho ông tước vị và chức Thống lĩnh Thượng đạo Thanh Hóa, cai quản các huyện miền núi từ Cẩm Thủy trở lên có thể xem như một sự “đền ơn” với vị thủ lĩnh của người Mường xứ Thanh. Với tài năng, công trạng và vị thế ấy, ông không chỉ là người có công lớn với nhà Nguyễn, còn là thủ lĩnh uy tín lớn với đồng bào miền núi xứ Thanh thời bấy giờ”.

Gắn liền với đền thờ là lễ hội Mường Khô chứa đựng nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 1822, Hà Công Thái bị kẻ ác sát hại. Sự ra đi bất ngờ của ông không chỉ là mất mát với gia tộc họ Hà ở đất Mường Khô, còn để lại nỗi niềm tiếc nuối, thương xót trong lòng người dân các xứ Mường thời bấy giờ. Tiếp nối chí khí của tiền nhân Hà Công Thái, các thế hệ hậu duệ của họ Hà ở đất Mường Khô như Hà Văn Mao, Hà Triều Nguyệt... đã ghi tên vào lịch sử dân tộc với những đóng góp quan trọng trong phong trào Cần vương và các phong trào chống Pháp cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX.

Sau khi ông qua đời, đền thờ ông được lập dựng trên khu đất Gò Mèo thuộc đất Mường Khô (ngày nay thuộc thôn Muỗng Do, xã Điền Trung, huyện Bá Thước). Theo lưu truyền dân gian và lời kể của các cụ cao niên trong làng, đền thờ Quận công Hà Công Thái khi xưa có quy mô khá bề thề, gắn liền với đền thờ là lễ hội Mường Khô. Đáng tiếc, trải qua thời gian và những biến thiên lịch sử, chiến tranh, đền thờ Quận công Hà Công Thái đã bị phá hủy, lễ hội bị gián đoạn tổ chức.

Đầu những năm 2010, đền thờ Quận công Hà Công Thái được tôn tạo. Là nơi để người Mường Khô bày tỏ tấm lòng thành kính tưởng nhớ những tiền nhân đã có công với đất nước, xứ Mường. Thắp nén tâm hương lên ban thờ tiền nhân, bà Hà Thị Bằng - con cháu dòng họ Hà trông coi tại Di tích đền thờ Quận công Hà Công Thái, bày tỏ: “Các vị tiền nhân như Hà Công Thái, Hà Văn Mao, Hà Triều Nguyện đã có nhiều công trạng với dân tộc nói chung, đất Mường Khô nói riêng. Là hậu thế, con cháu vô cùng tự hào khi nhắc đến tài đức, công lao của cha ông”.

Ông Trương Đình Thi, công chức văn hóa xã hội xã Điền Trung, cho biết: “Cùng với đền thờ Quận công Hà Công Thái thì lễ hội Mường Khô là di sản chứa đựng nhiều giá trị, nét đẹp văn hóa đặc sắc của đất và người nơi đây. Lễ hội Mường Khô diễn ra vào dịp đầu xuân không chỉ là lễ hội của người dân Điền Trung, mà của nhiều xã thuộc Mường Khô trước đây. Với tấm lòng thành kính, biết ơn đối với quan Quận công, vào dịp lễ hội, đông đảo người dân trong vùng trở về Muỗng Do tham gia lễ hội Mường Khô. Đặc biệt, lễ hội Mường Khô đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự khẳng định cho những giá trị văn hóa lâu bền và cũng là “động lực”, niềm tự hào để người dân chung tay bảo tồn, gìn giữ nét đẹp văn hóa của lễ hội truyền thống của đất và người Mường Khô”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong các sách Đại Nam thực lục; Địa chí huyện Bá Thước và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương)

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tu-tho-ty-xu-muong-den-vi-quan-cong-duoc-vua-nguyen-tin-quy-30995.htm