06 NHÓM VẤN ĐỀ, NỘI DUNG TRỌNG TÂM TRONG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Đề cập về phạm vi điều chỉnh và nội dung cơ bản của dự án Luật, tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Dự thảo Luật gồm 06 nhóm vấn đề, nội dung trọng tâm.

Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành được Quốc hội Khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam; tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế, cho quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện và thúc đẩy sự phát triển thông tin vô tuyến điện. Tuy nhiên, sau gần 13 năm thi hành, một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung; một số quy định cần được sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất với các văn bản khác trong hệ thống pháp luật.

Mặt khác, trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước có liên quan đến tần số vô tuyến điện đã được ban hành trong các văn bản như Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Văn kiện Đại hội 13 của Đảng về nội dung hạ tầng thông tin, viễn thông, chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài nguyên…

Nhằm thể chế hóa kịp thời những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu hội nhập quốc tế vào trong Luật Tần số vô tuyến điện; đồng thời khắc phục những vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn quản lý và để phù hợp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội. Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 này và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.

Đề cập về phạm vi điều chỉnh và nội dung cơ bản của dự án Luật, tại Phiên họp toàn thể lần thứ ba thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện được tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, Dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan trong đó bổ sung 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo với 6 nhóm vấn đề, nội dung chủ yếu.

Thứ nhất: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm. Nhóm các vấn đề này bao gồm việc sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch băng tần để làm rõ trong quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng có quy định giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép, đồng thời bổ sung nguyên tắc quy hoạch tần số vô tuyến điện bảo đảm tránh tích tụ hoặc phân bổ bình quân không phù hợp với sự phát triển của thị trường đối với băng tần sử dụng trong hoạt động viễn thông.

Sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá để làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng phải kế thừa đầy đủ các nghĩa vụ của tổ chức chuyển nhượng với điều kiện bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng.

Sửa đổi, bổ sung quy định về băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển để làm rõ: (1) có thể đấu giá, thi tuyển đối với băng tần có giá trị thương mại cao (bao gồm nhưng không giới hạn băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng); kênh tần số có giá trị thương mại cao nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện (2) trong đó ưu tiên đấu giá, chỉ thi tuyển khi cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng trong một khoảng thời gian nhất định hoặc khi cần có yếu tố mới thúc đẩy cạnh tranh cho hoạt động viễn thông.

Bổ sung quy định yêu cầu tổ chức đề nghị cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc khi được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải có cam kết triển khai mạng viễn thông và nộp tiền bảo đảm thực hiện cam kết này; khi vi phạm cam kết thì bị đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, hoặc bị thu hồi giấy phép, nhằm bảo đảm tần số được sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu phát triển viễn thông của Nhà nước.

Bổ sung quy định về điều kiện được tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện như yêu cầu tổ chức phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông, phải có cam kết triển khai mạng viễn thông sau khi được cấp phép theo quy định (như vùng phủ, chất lượng, tiền đầu tư...); bổ sung quy định điều kiện được cấp lại giấy phép sau khi hết hạn như phải sử dụng có hiệu quả băng tần, kênh tần số đã cấp. Bổ sung quy định đối với băng tần được sử dụng để thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông được áp dụng phương thức cấp giấy phép trực tiếp. Bổ sung quy định các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy hoạch được sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trong không gian, thời gian nhất định (để phục vụ sản xuất, nghiên cứu phát triển, các sự kiện đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép...). Bổ sung, sửa đổi quy định tổ chức, cá nhân không nộp đúng, đủ, kịp thời phí sử dụng tần số thì bị thu hồi giấy phép và khi bị thu hồi thì không được hoàn trả tiền cấp quyền, phí sử dụng tần số vô tuyến điện.

Điều chỉnh các quy định về thời hạn thông báo xem xét các trường hợp cấp lại giấy phép cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện từ 5 năm xuống còn 3 năm so với dự thảo Luật đã trình kèm Tờ trình số 97/TTr-CP để phù hợp với thực tiễn công tác xem xét, lập quy hoạch về tần số vô tuyến điện.

Thứ hai: Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số. Nhóm vấn đề này bổ sung quy định về các trường hợp phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; giao Chính phủ quy định cụ thể mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Sửa đổi quy định về cơ sở xác định mức thu phí sử dụng tần số để làm rõ nội hàm của phí không căn cứ vào giá trị kinh tế của phổ tần. Bổ sung quy định trường hợp các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh khi sử dụng tần số phân bổ cho quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế thì cũng phải thực hiện các khoản phí, lệ phí và tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cho ngân sách nhà nước.

Thứ ba: Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên. Việc sửa đổi này quy định giao các cơ sở đào tạo đáp ứng các điều kiện đào tạo theo quy định của Chính phủ thực hiện việc đào tạo và cấp chứng chỉ, Bộ Thông tin và Truyền thông đóng vai trò quản lý, giám sát.

Thứ tư: Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh Bổ sung quy định cho phép Cơ quan quản lý chuyên ngành, Thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính. Bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện trong việc phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành để xử lý nhiễu. Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, của tổ chức được cấp giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh trong việc kiểm tra các đăng ký tần số và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh của Việt Nam.

Sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp có tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được phép quyết định việc sử dụng thiết bị vô tuyến điện và việc sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh; các tổ chức, cá nhân khác phải dừng sử dụng nếu có khả năng gây nhiễu có hại cho các trang bị, khí tài phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Bổ sung quy định trong trường hợp cần thiết, giao thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông; giao thẩm quyền cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý việc sử dụng và tổ chức thu, nộp ngân sách Nhà nước nguồn thu từ cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong trường hợp nêu trên đối với lượng tần số vô tuyến điện sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế.

Thứ năm: Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan. Nhóm vấn đề này có nội dung sửa đổi thẩm quyền quy định thủ tục cấp phép, cho thuê, cho mượn, thu hồi giấy phép, đấu giá, chuyển nhượng, thi tuyển quyền sử dụng tần số; quy định về hành lang an toàn kỹ thuật của đài vô tuyến điện là của Chính phủ; cơ chế phối hợp quản lý, sử dụng tần số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Quốc phòng, Công an là của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bỏ quy định thẩm quyền của Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc hướng dẫn trình tự, thủ tục ký kết các thỏa thuận quốc tế về tần số để thực hiện theo quy định tại Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020. Sửa đổi các quy định liên quan đến các trường hợp đặc thù về sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện để đảm bảo không có sự mâu thuẫn chồng chéo với các quy định của Luật Quy hoạch.

Thứ sáu: Nhóm vấn đề về sửa các Luật có liên quan. Để đồng bộ, thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đầu tư, Dự thảo Luật đã bổ sung một điều để sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật trên như: Bổ sung một khoản vào Phụ lục IV Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư để đưa việc “Đào tạo, tổ chức thi, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên” thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính để quy định việc phát hiện vi phạm trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện được phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dụng./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64415