Những công trình 'lạ' tại Dự án Thủy cung Hòn ngưu: Nhiều sai phạm sau kiểm tra

Sau khi bài viết 'Những công trình 'lạ' tại Dự án Thủy cung Hòn Ngưu' được đăng tải trên Báo Đầu tư, UBND TP. Vũng Tàu đã tiến hành kiểm tra và kết luận, các công trình này xây dựng sai phép.

Theo kết quả kiểm tra của UBND TP. Vũng Tàu, hơn 2.000 m2 cây xanh nằm trong Khu du lịch Hồ Mây Park Vũng Tàu đã chết và bị chủ đầu tư cắt bỏ Ảnh: Gia Huy

Theo kết quả kiểm tra của UBND TP. Vũng Tàu, hơn 2.000 m2 cây xanh nằm trong Khu du lịch Hồ Mây Park Vũng Tàu đã chết và bị chủ đầu tư cắt bỏ Ảnh: Gia Huy

Xây dựng không xin phép

Bài viết “Những công trình ‘lạ’ tại Dự án Thủy cung Hòn Ngưu” được Báo Đầu tư đăng tải trong số 73, xuất bản ngày 17/6/2024 và đăng lại trên Baodautu.vn ngày 18/6/2024.

Nội dung bài báo phản ánh, tại Dự án Thủy cung Hòn Ngưu (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phóng viên ghi nhận có 5 căn biệt thự, mỗi căn rộng khoảng 80 m2, xây kiên cố cùng 5 hồ bơi trước mỗi căn biệt thự. Ngoài ra, bên cạnh tượng Phật Di lặc trong quần thể Dự án có thêm một ngôi nhà xây dựng trên diện tích 200 m2, gồm 1 trệt, 2 lầu, 1 nhà nuôi yến 3 tầng.

Bên cạnh đó, phóng viên Báo Đầu tư còn ghi nhận, tại khu vực vườn thú nuôi hươu, dê của Khu du lịch Hồ Mây Park Vũng Tàu (một phần Dự án Thủy cung Hòn Ngưu), nhiều cây rừng trong diện tích khoảng 1.000 m2 đã chết và chủ đầu tư đã cưa hết cây xanh tại đây.

Tới ngày 19/6/2024, Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản gửi Ban Thường vụ Thành ủy Vũng Tàu theo dõi xử lý vụ việc theo phản ánh của Báo Đầu tư.

Núi Lớn còn có tên gọi là Tương Kỳ, có diện tích khoảng 400 ha, đỉnh cao nhất 254 m. Giữa thế kỷ XIX, sách Đại Nam nhất thống chí đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của núi như một bức bình phong che chắn cho cửa Cần Giờ. Hoàng đế Minh Mạng từng cho xây dựng pháo đài Phước Thắng tại đây để kiểm soát cửa biển Cần Giờ. Hiện trên đỉnh núi Lớn vẫn còn di tích là những khẩu pháo cổ từ thời Hoàng đế Minh Mạng xây dựng.

Tại chân Núi Lớn, năm 1898, người Pháp xây dựng một căn Bạch Dinh để dùng làm nơi giam lỏng cựu hoàng Thành Thái. Ông sống tại đây trong gần 10 năm. Dân địa phương kính trọng ông, nên còn gọi Bạch Dinh là Dinh ông Thượng.

Năm 1916, cựu hoàng Thành Thái cùng con trai là cựu hoàng Duy Tân bị đưa đi đày ra đảo Réunion. Bạch Dinh được sử dụng trở lại là nơi nghỉ mát của các Toàn quyền Đông Dương. Năm 1934, Bạch Dinh được nhượng lại để làm nơi nghỉ mát cho Hoàng đế Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương. Ngoài ra, núi Lớn cũng là lá phổi xanh của TP. Vũng Tàu. Trên đỉnh núi Lớn là căn cứ quân sự.

Cụ thể, Văn bản số 9056-CV/TU do ông Dương Trọng Hiếu, Chánh văn phòng Tỉnh ủy ký, gửi Ban Thường vụ Thành ủy Vũng Tàu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với nội dung: Qua thông tin phản ánh trên bài báo: “Những công trình ‘lạ’ tại Dự án Thủy cung Hòn Ngưu” đăng trên Báo Đầu tư online ngày 18/6/2024, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Vũng Tàu chỉ đạo báo cáo vụ việc theo phản ánh của báo chí, gửi về Thường trực Tỉnh ủy trước ngày 5/7. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo dõi tình hình xử lý vụ việc của các cơ quan chức năng, kịp thời phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí và nhân dân được biết.

Ngày 27/6/2024, UBND TP. Vũng Tàu có Báo cáo số 7022 (do ông Nguyễn Trọng Thụy, Phó chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu ký) gửi Ban Thường vụ Thành ủy Vũng Tàu.

Báo cáo nêu rõ, ngày 26/6/2024, UBND TP. Vũng Tàu đã giao Phòng Quản lý đô thị chủ trì, mời Thanh tra Sở Xây dựng, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tư pháp (vắng), UBND phường 1 họp để rà soát, thống nhất việc xử lý vi phạm hành chính về đất đai, xây dựng tại Dự án Thủy cung Hòn Ngưu. Kết quả xử lý như sau:

Về 5 biệt thự tại Khu biệt thự Rừng Thông, ngày 27/6/2024, UBND phường 1 lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi xây dựng không phép đối với Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu tại khu vực 5 biệt thự đã hoàn thành. Phòng Quản lý đô thị đang thẩm tra và đề xuất UBND Thành phố ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.

Cũng theo Báo cáo, sau khi UBND TP. Vũng Tàu ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, sẽ giao UBND phường 1 tống đạt quyết định đến đối tượng vi phạm, giám sát việc chấp hành, báo cáo kết quả và đề xuất ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Về công trình gần tượng Phật Di lặc, theo UBND TP. Vũng Tàu, nội dung này cần rà soát tổng thể và đề xuất xử lý chung với các công trình đã được nêu trong các kết luận thanh tra, kiểm tra. UBND TP. Vũng Tàu giao Phòng Quản lý đô thị, UBND phường 1 thực hiện trong tháng 7/2024.

Đối với cây rừng trong diện tích khoảng 1.000 m2 đã chết, ngày 26/6/2024, Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ đã chủ trì kiểm tra và đang tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan thu thập, xác minh để làm rõ vụ việc theo quy định. Do đó, nội dung này, UBND TP. Vũng Tàu đề nghị Hạt Kiểm lâm Vũng Tàu - Phú Mỹ tham mưu xử lý theo quy định, báo cáo kết quả về Tỉnh ủy, UBND tỉnh và UBND TP. Vũng Tàu trong tháng 7/2024.

Chủ đầu tư nói gì?

Tại buổi kiểm tra do Phòng Quản lý đô thị chủ trì, đại diện Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu - chủ đầu tư Dự án Thủy cung Hòn Ngưu - cho biết, Khu du lịch Hồ Mây Park Vũng Tàu đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 923/QĐ- UBND (ngày 12/4/2018); 5 biệt thự được xây dựng nằm trong 145 biệt thự đã được phê duyệt quy hoạch và thuộc khu biệt thự Rừng Thông (36 căn).

Đối với khu biệt thự Rừng Thông, Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Văn bản số 507/SXD-QLĐT ngày 20/2/2020 về việc thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở xây dựng và Văn bản số 867/SXD-QLXD ngày 17/3/2020 về việc thông báo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng.

Theo Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu, 5 biệt thự này xây dựng trong phạm vi quy hoạch đã được duyệt (Công ty không định vị vị trí chi tiết), kết cấu công trình là nhà lắp ghép, mái ngói, vật liệu nhẹ, xây dựng trên phần đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phù hợp quy hoạch và phù hợp mục đích sử dụng đất. Đây là công trình tạm (theo Điều 131, Luật Xây dựng) được xây dựng để tham khảo ý kiến khách hàng phục vụ công trình chính là Khu biệt thự Rừng Thông (36 căn).

Chủ đầu tư cho biết, khi xây dựng công trình tạm, có lập hồ sơ và có quyết định phê duyệt tuân thủ theo quy định, nhưng không thông báo đến chính quyền địa phương, do pháp luật không quy định. Sau khi lấy ý kiến khách hàng, chốt phương án cho công trình chính, Công ty sẽ tháo dỡ các công trình tạm (nếu không còn phù hợp) và thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định.

Tuy nhiên, theo tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, Văn bản số 867/SXD-QLXD về việc thông báo kết quả thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng khu biệt thự Rừng Thông (36 căn) không phải là căn cứ để Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu xây dựng 5 căn biệt thự sai phép nêu trên.

Cụ thể, ngày 14/1/2020, công ty này gửi Tờ trình số 20 TT.VCCT2020 tới Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trình thẩm định thiết kế bản vẽ thi công xây dựng khu biệt thự Rừng Thông 36 căn thuộc Dự án Khu du lịch Hồ Mây Park Vũng Tàu.

Ngày 17/3/2020, Sở Xây dựng có Văn bản số 867/SXD-QLXD gửi Công ty cổ phần Du lịch cáo treo Vũng Tàu với nội dung thông qua thẩm định thiết kế bản vẽ.

Tuy nhiên, sau đó, dự án này không được Sở Xây dựng cấp phép, vì vào năm 2022, khi chủ đầu tư tự ý tiến hành phá núi Lớn để xây dựng công trình khi chưa được cấp phép, người dân TP. Vũng Tàu phản ứng rất mạnh và cho rằng, không thể xây dựng công trình trên tại núi Lớn.

Điều đáng nói là, năm 2020, Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu mới làm thủ tục xin cấp phép xây dựng dự án 36 căn biệt thự, nhưng trước đó, vào tháng 10/2019, đã tự ý san lấp một góc núi Lớn để xây dựng các căn biệt thự. Sau đó, UBND TP. Vũng Tàu đã xử phạt Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu 40 triệu đồng.

Tới cuối năm 2022, đầu năm 2023, công ty này tiếp tục tự ý san lấp một phần ngọn núi Lớn với diện tích hàng ngàn mét vuông để xây dựng các căn biệt thự. Người dân phản ánh tới UBND TP. Vũng Tàu và sau khi kiểm tra, UBND TP. Vũng Tàu yêu cầu doanh nghiệp dừng ngay sai phạm.

Ông Nguyễn Văn Tạo, người dân sống tại phường 1 (TP. Vũng Tàu) cho biết, núi Lớn là ngọn núi có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đồng thời cũng là mảng xanh lớn của TP. Vũng Tàu. Chính vì vậy, không thể để doanh nghiệp phá cây, san lấp núi làm khu nghỉ dưỡng, ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống người dân Thành phố.

Được biết, trước đó, chủ đầu tư Dự án Khu du lịch Hồ Mây Park Vũng Tàu nhiều lần xây dựng không phép. Cụ thể, ngày 22/11/2013, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Kết luận thanh tra số 8192/KL-UBND về việc chấp hành pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng thuộc Dự án Cụm du lịch núi Lớn, núi nhỏ và cáp treo Vũng Tàu.

Kết luận nêu rõ, chủ đầu tư đã được cấp phép xây dựng Trạm ga số 1, Trạm ga số 2 và triển khai xây dựng các hạng mục khi chưa được cấp phép xây dựng bao gồm: câu lạc bộ du thuyền; nhà hàng Hồ Mây; nhà hàng Trung tâm; khu vệ sinh; nhà ga xe trượt; dãy nhà cấp 4 khu thủy cung; cụm công trình nhà nghỉ Đồi Mây; tượng Phật Di lặc và động Phật tích; hệ thống hạ tầng kỹ thuật (trong đó có các hạng mục thuộc khu vực đất chưa có quyết định giao hoặc cho thuê đất, không đúng vị trí so với quy hoạch chi tiết được duyệt: tượng Phật Di lặc và động Phật tích; nhà ga xe trượt và đường ray trượt; cụm nhà nghỉ Đồi Mây; phần hạ tầng phía Bắc đường Viba hiện trạng trên đỉnh núi).

Ngoài ra, ngày 23/5/2017, Đoàn Kiểm tra liên ngành do Sở Xây dựng chủ trì đã có Báo cáo số 103/BC-ĐKTr báo cáo kết quả kiểm tra liên ngành về tình hình xây dựng tại Dự án Khu du lịch Hồ Mây Park Vũng Tàu. Tại Báo cáo, Đoàn Kiểm tra nêu 6 công trình xây dựng không phép gồm: chánh điện Hồ Mây, đền thờ 14 vị anh hùng dân tộc, núi cảnh quan, sân khấu nhạc nước, hồ nước, đường nội bộ.

Gia Huy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhung-cong-trinh-la-tai-du-an-thuy-cung-hon-nguu-nhieu-sai-pham-sau-kiem-tra-d219278.html