1.000 đại biểu tham dự Hội thảo khảo cổ học toàn quốc
Ngày 2/11, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo thông báo khảo cổ học toàn quốc lần thứ 58 - năm 2023: Những phát hiện mới về khảo cổ học.
Sự kiện diễn ra từ ngày 1- 3/11, tại Khu du lịch Quốc gia Tam Chúc (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Đây là lần đầu tiên Hà Nam được tổ chức Hội thảo khoa học thường niên với quy mô quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực Khảo cổ học Việt Nam.
Hội thảo thu hút 1.000 đại biểu gồm các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu từ Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Pari, Trưởng Đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, Thành viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Ban Quản lý di tích trọng điểm của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Hội thảo là hoạt động khoa học hàng năm của ngành Khảo cổ học Việt Nam, sự kiện nổi bật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Viện Khảo cổ học gần 60 năm qua. Đây là diễn đàn để giới nghiên cứu khảo cổ học và nhiều ngành khoa học có liên quan gặp gỡ, trao đổi thông tin về những phát hiện mới, tranh luận học thuật, mở ra các cơ hội hợp tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; là cơ hội lớn để các cán bộ trẻ tiếp cận học hỏi các thế hệ đi trước nhằm hoàn thiện năng lực khoa học của mình. Hội thảo nhằm thông báo, thảo luận, biên tập, xuất bản “Những phát hiện nghiên cứu mới về khảo cổ học Việt Nam năm 2023”. Đây còn là cơ hội để các cơ quan quản lý, nghiên cứu của ngành Lịch sử, Văn hóa từ Trung ương tới địa phương, các cộng tác viên trên toàn quốc có dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, hướng tới các chương trình hợp tác, góp phần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa dân tộc.
Hội thảo nhận được 456 bài viết về các hoạt động chung của các cơ quan nghiên cứu khảo cổ Trung ương và địa phương; khảo cổ học tiền sử, khảo cổ học sơ sử Nhà nước sớm; khảo cổ học lịch sử; khảo cổ học Chămpa-Óc eo và khảo cổ học dưới nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đi sâu thảo luận những vấn đề liên quan tới di tích như: Địa tầng, niên đại, chủ nhân, các mối quan hệ văn hóa, nhận diện giá trị lịch sử văn hóa đến những vấn đề rất thời sự.
Khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh cho biết: Từ hội thảo lần thứ 57 - năm 2022 đến nay, Viện Khảo cổ học và giới khảo cổ học đã tiến hành nhiều hoạt động khảo cổ học sôi động trên địa bàn cả nước như: Điều tra, thăm dò, khai quật nghiên cứu hệ thống di tích hang động văn hóa Hòa Bình trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Khai quật các di tích giai đoạn Tiền Đông Sơn ở Hà Nội, Phú Thọ, Tuyên Quang; Khảo cổ học lịch sử tiếp tục có nhiều cuộc khai quật quy mô lớn ở Hà Nội, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thừa Thiên Huế... ; Khảo cổ học Chămpa - Óc Eo ở Quảng Nam, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang… ; Khảo cổ học dưới nước ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hòa…
Ông Nguyễn Anh Chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Các báo cáo tại hội thảo đề cập đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học trong năm qua sẽ là nguồn tư liệu quan trọng, quý giá, đóng góp tích cực vào nhận thức diễn trình lịch sử dân tộc Việt Nam, khẳng định giá trị các nền văn hóa, văn minh, văn hiến của các cộng đồng cư dân cổ trên lãnh thổ Việt Nam; góp phần khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc trong phát triển kinh tế, xây dựng con người, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hội thảo được tổ chức là cơ hội để tỉnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nam đến với nhà khoa học, nhân dân, du khách; đồng thời là hoạt động ý nghĩa, thiết thực chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày thành lập tỉnh.