1.000 nữ công nhân được học online về kỹ năng chăm sóc sức khỏe đầu đời cho con
Sáng 23/5, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Y tế phối hợp tổ chức Hội thảo 'Phát triển toàn diện trẻ em: Sử dụng bằng chứng khoa học để thúc đẩy chính sách và thực hành tại Việt Nam'.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình giáo dục kỹ năng làm cha mẹ tích cực dành cho công nhân khu công nghiệp, chương trình Hành Trình Đầu Đời, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) triển khai, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Đại học Monash (Australia) và Bộ Y tế, và sự hỗ trợ tài chính của tổ chức Porticus.
Hội thảo nhằm thảo luận phương án phối hợp liên ngành thúc đẩy việc nhân rộng các sáng kiến về phát triển trẻ toàn diện giai đoạn đầu đời tại Việt Nam, nhất là các sáng kiến dành cho con em công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; Chia sẻ phương pháp xây dựng bằng chứng khoa học ứng dụng cho các dự án can thiệp để thúc đẩy chính sách và thực hành.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đỗ Hồng Vân cho biết: Chăm lo cho trẻ em là con công nhân, lao động là một nhiệm vụ được tổ chức công đoàn rất coi trọng.
Bằng nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, hằng năm các cấp công đoàn đã triển khai hàng chục nghìn cuộc tuyên truyền, hướng dẫn người lao động về kỹ năng nuôi dạy con, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, các hoạt động hỗ trợ trẻ em nghèo vượt khó hoặc tặng quà, hỗ trợ cho trẻ em con công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo… Các hoạt động này góp phần hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống gia đình và yên tâm công tác.
Chuỗi hoạt động của Dự án, gồm các hoạt động tập huấn công tác nữ công toàn quốc, giới thiệu trang web học trực tuyến về 1.000 ngày đầu đời; tổ chức hội thảo giới thiệu chương trình học với 200 chủ tịch công đoàn, 1.000 công nhân nữ tại 10 nhà máy tại Hà Nội và Hà Nam để có thể chủ động học online bất cứ lúc nào về nội dung 1.000 ngày đầu đời.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Bộ Y tế, cho biết: Phát triển trẻ em toàn diện là kết quả tổng hòa của nhiều can thiệp và chương trình phát triển kinh tế, xã hội, y tế và giáo dục hướng tới sự phát triển của trẻ em. Điều này giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố đầu vào mang ý nghĩa tiên quyết đối với sự phát triển bền vững. Đầu tư vào phát triển trẻ toàn diện sẽ không chỉ giúp trẻ phát triển tối đa tiềm năng và mà còn thúc đẩy năng lực phát triển của một quốc gia.
Tại Việt Nam, phát triển toàn diện trẻ em được quy định trong Điều 4 của Luật Trẻ em năm 2016. Để hiện thực hóa việc triển khai Luật Trẻ em, ngày 29/10/2018, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1437/QĐ-TTG ban hành “Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025”.
Đây là chính sách quan trọng định hướng các bộ, ngành cùng tham gia phối hợp triển khai các can thiệp thúc đẩy phát triển trẻ em toàn diện tại Việt Nam; đồng thời, bốn Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quy chế phối hợp liên ngành, phối hợp thực hiện Quyết định số 1437 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội thảo được nghe GS Jane Fisher và ThS. Yeji Baek thuộc Đại học Monash trình bày về kết quả tác động và chi phí hiệu quả của chương trình đào tạo kỹ năng làm cha mẹ tích cực trực tuyến và trực tiếp Hành Trình Đầu Đời; sự chuyển đổi của mô hình phát triển trẻ toàn diện giai đoạn đầu đời và những tác động tích cực đối với một quốc gia khi vấn đề phát triển trẻ toàn diện giai đoạn đầu đời được đầu tư toàn diện cả về tài chính, chính sách và con người.
Bên cạnh đó, tại phần tọa đàm, các chuyên gia thảo luận đưa ra các tiêu chí cần và đủ để chính phủ nhân rộng mô hình, phối hợp liên ngành, cũng như những ưu tiên trong hành động của Việt Nam nhằm thúc đẩy lĩnh vực phát triển trẻ giai đoạn đầu đời.