Điện Biên: Phát triển hạ tầng thương mại biên giới là động lực quan trọng
Việc phát triển hạ tầng thương mại biên giới có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy trao đổi hàng hóa khu vực biên giới, qua đó trở thành những động lực tăng trưởng quan trọng của tỉnh Điện Biên.
Trong những năm vừa qua, việc thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại biên giới đã được tỉnh Điện Biên chú trọng nhằm phát huy tối đa lợi thế của tỉnh kinh tế cửa khẩu.
Điện Biên đang trở thành địa điểm giao thương giữa một số vùng kinh tế, văn hóa phía Tây Bắc Việt Nam, đồng thời là cơ hội lớn để đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế, tiến tới xây dựng thành địa bàn trung chuyển chính trên tuyến đường xuyên Á phía Bắc, nối liền vùng Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc, Bắc Thái Lan và Đông Bắc Myanmar.
Phát huy những lợi thế về vị trí, hoạt động thương mại biên giới tại Điện Biên đã bước đầu được khai thác một cách có hiệu quả, góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn.
Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giữa Điện Biên và các tỉnh bắc Lào có sự tăng trưởng ấn tượng 87,68% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 28,02 triệu USD và bằng 21,55% kế hoạch năm. Trong đó, xuất khẩu và hoạt động thương mại biên giới ước đạt 15,07 triệu USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 17,13% kế hoạch năm.
Tình hình hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ và hoạt động trao đổi thương mại biên giới 9 tháng năm 2024 tương đối ổn định, không có tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ thực hiện quý III năm 2024 dự ước đạt 31,76 triệu USD tăng gấp 2,47 lần so với thực hiện cùng kỳ năm trước, Trong đó: Xuất khẩu hàng hóa ước đạt 22,59 triệu USD, tăng 2,6%, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng nông sản (ngô giống, quả thảo quả khô,...) và vật liệu xây dựng (thép xây dựng các loại, gạch men, xi măng); nhập khẩu hàng hóa ước đạt 9,17 triệu USD tăng gấp 2,18 lần. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Gỗ, hàng nông sản, máy móc thiết bị.
Dự ước tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đầu năm 2024 đạt 96,71 triệu USD, tăng 13,29% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,39% kế hoạch năm, trong đó: Xuất khẩu đạt 65,12 triệu USD giảm 7,62% và đạt 74%, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng nông sản (ngô giống, quả thảo, quả khô,...) và vật liệu xây dựng (thép xây dựng các loại, gạch men, xi măng); Nhập khẩu ước đạt 31,59 triệu USD tăng gấp 2,12 lần, đạt 75,22% so với kế hoạch. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Gỗ, hàng nông sản, máy móc thiết bị.
Những kết quả đã và đang đạt được cho thấy, việc phát triển hạ tầng thương mại biên giới nói chung và các chợ biên giới nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân khu vực biên giới hai bên, đóng góp lớn cho nền kinh tế địa phương.
Vào ngày 15/5/2023, lối mở Nậm Đích (Việt Nam) - Huổi Hịa (Lào), thuộc địa phận xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên và cụm bản Hua Mức, huyện Mường Mày, tỉnh Phông-sa-lỳ, Lào đã chính thức khai trương và đi vào hoạt động, sự kiện này đã đánh dấu bước tiến cho hoạt động giao thương giữa hai nước. Đây cũng là những lợi thế tiềm năng để tỉnh Điện Biên phát triển thương mại biên giới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có duy nhất một chợ biên giới nằm trong khu vực biên giới không có hoạt động xuất nhập cảnh là chợ Nậm Pồ 2. Đây là chợ tự phát được hình thành từ đầu tháng 3/2020. Nơi đây được lập nên với mục đích vui chơi giải trí và trao đổi hàng hóa giữa quần chúng nhân dân, trong đó chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp. Chợ được tổ chức theo phiên vào các phiên ngày thứ 7 hàng tuần.
Sở Công Thương tỉnh Điện Biên cũng đã tích cực tham mưu, triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1245/KH-UBND ngày 29/4/2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Ngoài ra, các chương trình xúc tiến thương mại kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước được cũng được tỉnh tích cực triển khai nhằm thu hút hoạt động phát triển thương mại biên giới.
Hạ tầng thương mại khu vực biên giới cũng được tỉnh Điện Biên ngày càng quan tâm và chú trọng như đề xuất nâng cấp cửa mở A Pa Chải - Long Phú nhằm phát huy tối đa lợi thế khu vực biên giới giáp Trung Quốc.
Ngoài ra, hai bên Việt Nam - Lào cũng đã xúc tiến phát triển khai tìm nguồn vốn xây dựng các phiên chợ biên giới tại các khu vực Si Pa Phìn - Huổi Lả, cửa quốc tế Tây Trang - Pang Hốc tiếp giáp biên giới tỉnh Điện Biên với tỉnh Phong-sa-lỳ và chợ Huổi Puốc - Na Son, tiếp giáp biên giới tỉnh Điện Biên với tỉnh Luông-pha-bang.
Là một tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Việt Nam, Điện Biên cũng là tỉnh duy nhất của cả nước có chung đường biên giới với cả 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, nơi đây có đường biên giới dài 455,573 km. Điện Biên hiện có 1 cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, 1 cửa khẩu quốc gia Huổi Puốc, 1 cửa khẩu phụ với các tỉnh Bắc Lào và 1 lối mở A Pa Chải - Long Phú tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Với vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, là đầu mối giao thông quan trọng giữa khu vực các tỉnh Tây Bắc Việt Nam với các tỉnh Bắc Lào, Bắc Thái Lan và Vân Nam, Trung Quốc, Điện Biên đang đẩy mạnh tăng cường phát triển thương mại biên giới đúng với tiềm năng của tỉnh.