1,2 tỷ USD và ý thức tham gia giao thông
Từ lâu, tắc đường đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Hà Nội. Theo đó, mỗi năm thành phố thiệt hại khoảng 1-1,2 tỷ USD do tắc đường - con số được Bộ Tư pháp đưa ra khi đánh giá tác động của chính sách Luật Thủ đô sửa đổi.
Khi trình Quốc hội dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, Chính phủ nhấn mạnh phải phát triển vận tải hành khách công cộng một cách đồng bộ để giảm phương tiện cá nhân.
Để làm được điều này, Hà Nội cần khoảng 4,7 triệu tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh bằng các loại phương tiện vận tải hành khách công cộng (đường sắt đô thị, tuyến xe buýt nhanh, xe buýt thường)... Số vốn này là một thách thức lớn cho ngân sách của Thủ đô, Chính phủ nhận định và cho biết, Hà Nội chỉ có thể đáp ứng khoảng 46% tổng nhu cầu vốn đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tắc đường ở Hà Nội. Ngoài hạ tầng giao thông yếu kém, lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh, tổ chức giao thông không hợp lý... thì còn phải kể đến ý thức tham gia giao thông của người dân kém. Không riêng những trục đường chính mới có hiện tượng ùn tắc, mạnh ai nấy đi mà ngay trong ngõ ngách, phố nhỏ cũng có tình trạng lấn làn, leo lên vỉa hè, đi ngược chiều, bất kể là xe máy hay ô tô.
Thậm chí, chẳng phải giờ cao điểm nhưng nhiều người vẫn chăm chăm "tìm chỗ trống để điền vào". Bất cứ nút giao nào ở trung tâm thành phố đều có thể bắt gặp những người vượt đèn đỏ, lao lên cắt ngang dòng phương tiện khác đang di chuyển, bất chấp việc có cảnh sát giao thông đang đứng làm nhiệm vụ.
Nhiều nơi, đèn giao thông đã chuyển sang vàng nhưng không mấy ai đi chậm lại mà ngược lại còn cố tăng ga để phóng nhanh hơn. Đèn đỏ còn chưa chuyển xanh, nhưng vì thấy đường vắng nên cố tình vượt. Đèn vẫn đỏ nhưng nhiều người đã bấm còi inh ỏi thúc ép người khác phải vượt lên... Những kiểu tham gia giao thông này không phù hợp với xã hội ngày càng văn minh, hiện đại và làm xấu đi hình ảnh người dân Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Văn hóa, ý thức tham gia giao thông là thứ không thể mua được bằng tiền nên không tốn tiền để mua. Nó chỉ có được nếu mỗi người dân ý thức được hành vi, tuân thủ quy định pháp luật khi tham gia giao thông. Chừng nào ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng cao thì tình trạng hỗn loạn của giao thông ở Thủ đô vẫn còn tái diễn. Thành phố có đầu tư bao nhiêu tiền của cũng khó có thể giải quyết triệt để ùn tắc nếu người dân thiếu ý thức.
Vì thế, xây dựng, giữ gìn văn hóa giao thông phải trở thành nếp sống, nếp nghĩ trong nhận thức của người dân mỗi khi ra đường; cần được tiến hành kiên trì, bền bỉ, không thể mang tính phong trào. Có như vậy mới tạo chuyển biến vững chắc về ý thức tham gia giao thông, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp cho Thủ đô.
NGUYỄN ĐỨC TUẤN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/1-2-ty-usd-va-y-thuc-tham-gia-giao-thong-749642