1/3 nhà máy đường đóng cửa vì đường lậu

Đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. Hơn hai năm vừa qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ.

Cạnh tranh bất bình đẳng

Tại Hội nghị bàn về các giải pháp chống buôn lậu mặt hàng mía đường và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam do Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) tổ chức ngày 30/10, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Trương Văn Ba - Phó chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 - cho biết, hiện giá đường của Việt Nam cao hơn Thái Lan là do ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ nay.

Hội nghị bàn về các giải pháp chống buôn lậu mặt hàng mía đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam do Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức

Hội nghị bàn về các giải pháp chống buôn lậu mặt hàng mía đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam do Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức

Số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, hiện nay, nước ta có 40 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất đường (trong đó có 32 công ty sản xuất, 8 công ty thương mại); trong vụ sản xuất 2017-2018, cả nước có 37/41 nhà máy đường hoạt động (4 nhà máy Hiệp Hòa, Kiên Giang, Cà Mau và NIVL tạm ngừng hoạt động), sản lượng đường sản xuất được là 1.476.500 tấn; niên vụ 2018-2019 các nhà máy đường sản xuất được 1.173.933 tấn đường.

Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Chi phí đầu tư mỗi 1.000m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3 - 4 triệu đồng khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản nhưng việc này cũng không hề đơn giản. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.

Năng suất mía hiện nay của Việt Nam đang là 70 tấn/ha, trong khi đó, ở Thái Lan với điều kiện tốt hơn nhiều, thậm chí còn được nhà nước hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía nhưng họ cũng chỉ đạt được 72 - 75 tấn/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ đường nội địa Việt Nam mỗi năm khoảng 1,7 - 1,8 triệu tấn. Chúng ta có quy hoạch 300.000ha trồng mía, quy ra đường khoảng 1,5 triệu tấn. Nếu chúng ta giữ được chiến lược mía đường như quy hoạch thì Việt Nam có thể đảm bảo được mặt bằng giá mía, giá đường đủ để người nông dân có thể gắn bó với nghề trồng mía.

Tuy nhiên, hiện nay nguồn đường nhập lậu khoảng 800.000 tấn/năm, đường gian lận thương mại khoảng 200.000 tấn/năm, chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan thẩm lậu vào thị trường Việt Nam thông qua Campuchia đã làm phá giá giá đường trong nước. Nguồn đường lậu từ Thái Lan vào thị trường Việt Nam là nguồn đường được bán dưới giá thành do có sự tài trợ của Chính phủ nước này nên mới có giá thấp như vậy.

Đánh giá của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. Hơn hai năm vừa qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ.

Đường lậu hóa phép thành đường Việt

Tổng hợp thông tin từ các lực lượng chức năng: Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Công an... đều cho thấy, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ.

Ngay trong tháng 10/2019, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện bắt giữ hơn 250 tấn đường cát nhập lậu tại Bình Dương và 7,5 tấn tại An Giang

Ngay trong tháng 10/2019, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện bắt giữ hơn 250 tấn đường cát nhập lậu tại Bình Dương và 7,5 tấn tại An Giang

Đường lậu chủ yếu tập trung ở những tỉnh trọng điểm như TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước… Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát Thái Lan trên các địa bàn trọng điểm nêu trên diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng, phương thức hoạt động tinh vi. Khi bị lực lượng chống buôn lậu phát hiện bắt giữ, các đối tượng chống trả quyết liệt, vứt hàng bỏ chạy hoặc cho người giám sát cơ quan chức năng hoặc sử dụng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu đối phó với các lực lượng chức năng khi bị kiểm tra nên việc bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm hết sức khó khăn.

Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu sử dụng phổ biến là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói, sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ.

Trong khi đó, theo chủ trương nâng cao quyền tự do kinh doanh của nhà nước, việc cấp phép kinh doanh liên quan đến các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường hiện nay rất dễ dàng theo hướng đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục cấp phép. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu hiện đang dùng thủ đoạn tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác. Các đối tượng này sẵn sàng đưa giá rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được. Ngoài ra các đối tượng buôn lậu còn dùng thủ đoạn đưa bao bì in trong nước, đem sang bao ở nước ngoài (thường là Campuchia), như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đã đưa vào kho rồi thì rất khó chứng minh có phải đường lậu hay không, Theo quy định hiện hành, một khi hàng qua hết biên giới có hóa đơn là hợp pháp, hầu như các cơ quan chức năng hiện nay rơi vào hoàn cảnh "biết mà không làm gì được”.

Theo số liệu của các lực lượng chức năng, từ năm 2018 đến hết 9 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 876 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm trị giá trên 12,5 tỷ đồng.

Đề xuất bắt buộc truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia đánh giá, thời gian qua các lực lượng chức năng, địa phương chủ động trong việc đấu tranh ngăn chặn từ biên giới, cửa khẩu cho đến nội địa. Nhiều chuyên án đấu tranh bắt giữ thành công nhưng chưa tương xứng với thực tế, lượng đường cát thẩm lậu bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau vào nội địa tiêu thụ.

Tuy nhiên, "dù các lực lượng chức năng cũng đã triệt phá ngăn chặn, bắt giữ cả người cầm đầu, chủ mưu nhưng vẫn không hạn chế được hoạt động buôn lậu. Thậm chí có người cầm đầu một khu vực sau khi bắt xử lý lại núp bóng tiếp tục điều hành. Có hay không sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng" - ông Cẩn nhấn mạnh.

Trước tình hình đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng, đối phó hữu hiệu hơn vấn nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu.

Các cơ quan chức năng trong Ban chỉ đạo 389 cũng nêu rõ, việc người dân biên giới vận chuyển hàng lậu là một trong những hành vi nhập lậu chủ yếu, dù số lượng ít nhưng như “kiến tha lâu về tổ” thành số lượng rất lớn. Chính vì thế, một trong những biện pháp ngăn chặn đường lậu là phải tăng cường quan tâm, hỗ trợ để phát triển kinh tế địa phương, nhất là kinh tế biên giới, địa bàn kinh tế khó khăn, hỗ trợ, tạo công việc làm ăn ổn định cho quần chúng nhân dân trong khu vực biên giới, từ đó tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân đối với tác hại của đường lậu, vận động quần chúng nhân dân không tiếp tay cho đường lậu.

Song song với đó, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường lực lượng nắm chắc tình hình phía bên kia biên giới, phương thức, quy luật hoạt động tập kết, vận chuyển đường kính của các chủ đầu nậu; Tập trung bố trí lực lượng, phương tiện thường trực chốt chặn 24/24h tại các đường mòn, bến sông trên biên giới mà các đối tượng thường vận chuyển hàng lậu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và cấp ủy, chính quyền địa phương và gắn trách nhiệm của người chỉ huy, tổ công tác vào từng địa bàn cụ thể trong công tác đấu tranh chống buôn lậu nói chung và đường cát nói riêng.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật còn sở hở, bất cập. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng phân tích một cách đầy đủ tác động của việc thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến lợi ích của quốc gia, người nông dân trồng mía… nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam so với các nước trên thế giới. Trên cơ sở đó, xác định một lộ trình thực hiện cam kết ATIGA phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của quốc gia, các bên liên quan...

Theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ ngày 1/1/2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ 5%. Trong bối cảnh ngành mía đường đang chịu nhiều sức ép từ tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường ngày càng gia tăng và khó có thể kiểm soát, việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA sẽ càng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường.

Thu Hà - Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/13-nha-may-duong-dong-cua-vi-duong-lau-127443.html