1.750 giường hồi sức sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19

Các trung tâm hồi sức Covid-19 được hình thành trong thời gian rất ngắn, nhằm mục tiêu hạn chế tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và tử vong tại TP.HCM.

Chiều 7/8, tại lễ khánh thành các trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 do bệnh viện tuyến trung ương chịu trách nhiệm vận hành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong vòng 20 ngày, thành phố đã xây dựng xong 3 bệnh viện dã chiến và chỉ sau 7 ngày, 4 trung tâm hồi sức Covid-19 được hình thành.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16, nói: "Đây là phép màu. Trung tâm này sẽ giúp các thầy thuốc đạt mục tiêu tối thượng là giảm F0 tử vong tại thành phố".

 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Chí Hùng.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong. Ảnh: Chí Hùng.

Hình thành 4 trung tâm hồi sức trong một tuần

Tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 13 (huyện Bình Chánh), 500 giường đang được Trung tâm Hồi sức tích cực trực thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức quản lý vận hành.

Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 14 (Tân Phú) có 500 giường hồi sức do Trung tâm Hồi sức trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế quản lý.

Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 16 (Đào Trí, quận 7) có 500 giường do Trung tâm hồi sức trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai chịu trách nhiệm.

Ngoài 3 bệnh viện chi viện từ Hà Nội, Bộ Y tế giao Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM quản lý vận hành Trung tâm Hồi sức Covid-19 quy mô 250 giường. Trung tâm này đặt tại tầng 5 của Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân).

Như vậy, thành phố có thêm 1.750 giường hồi sức tích cực sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

 Nhân viên hậu cần sắp xếp trang thiết bị cho Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 16. Ảnh: Chí Hùng.

Nhân viên hậu cần sắp xếp trang thiết bị cho Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 16. Ảnh: Chí Hùng.

Quyết tâm giảm F0 chuyển nặng, tử vong

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết mục tiêu hàng đầu của thành phố hiện nay là giảm tối đa số ca F0 chuyển nặng, tử vong. Do đó, việc đưa vào hoạt động các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực..., sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân trên địa bàn.

"Lãnh đạo thành phố yêu cầu các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức thực hiện thật nghiêm và theo đúng quy trình của Bộ Y tế, phải phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ từng khâu, từng bộ phận và luôn đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người bệnh lên trên hết, trước hết", ông Phong nói.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thống nhất biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của lãnh đạo TP.HCM. Ông đề nghị 3 bệnh viện tuyến trung ương, với vai trò là "đàn anh, đầu tàu", phải đoàn kết, đồng thuận, đồng bộ, chia sẻ hoạt động chuyên môn, tạo cơ hội tốt nhất cho việc phòng, chống dịch Covid-19.

 Lãnh đạo thành phố đến kiểm tra công tác xây dựng Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại quận 7. Ảnh: Chí Hùng.

Lãnh đạo thành phố đến kiểm tra công tác xây dựng Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại quận 7. Ảnh: Chí Hùng.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn nói: "Mục tiêu tối thượng hiện nay là giảm tỷ lệ tử vong thấp nhất có thể".

Ông cho biết việc xây dựng các hạng mục và hình thành Trung tâm hồi sức Covid-19 tại TP.HCM nhanh như một phép màu. Tuy nhiên, ông đề xuất lãnh đạo thành phố tiếp tục hỗ trợ hoàn thành hạng mục còn lại, đặc biệt là hệ thống oxy khí nén, hậu cần.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tính từ 18h30 ngày 6/8 đến 18h30 ngày 7/8, thành phố ghi nhận 3.930 trường hợp nhiễm mới. Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4, đến nay, thành phố đã có 117.906 trường hợp mắc Covid-19. Tổng số ca xuất viện từ khi dịch bệnh bắt đầu đến 7h hôm nay là 62.106 người.

Thành phố đang điều trị 33.378 bệnh nhân, bao gồm xét nghiệm rRT-PCR và test nhanh dương tính, trong đó có hơn 1.000 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 người phải can thiệp ECMO.

Bích Huệ

Ảnh: Chí Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/1750-giuong-hoi-suc-san-sang-tiep-nhan-benh-nhan-covid-19-post1247994.html