1,8 tỉ người trưởng thành trên thế giới thiếu vận động
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, 1/3 số người trưởng thành trên thế giới thiếu vận động, là nguyên nhân chính gây ra các bệnh mãn tính.
Một báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy gần 1/3 số người trong độ tuổi trưởng thành trên thế giới, tương đương 1,8 tỉ người thiếu vận động, không đáp ứng đủ lượng vận động thể chất được khuyến nghị, dẫn đến nguy cơ gia tăng các bệnh mãn tính.
Thiếu vận động gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần
Tỉ lệ dân số thiếu vận động đã tăng 5% so với năm 2010, cho thấy xu hướng đáng lo ngại về sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng thiếu vận động được WHO xác định là nguyên nhân chính gây ra các bệnh tim mạch, tiểu đường, một số loại ung thư và các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Báo cáo cũng chỉ ra sự chênh lệch đáng kể về tỉ lệ thiếu vận động giữa các quốc gia và khu vực. Cụ thể, tại Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), 66% người trưởng thành không vận động đủ, trong khi con số này ở Malawi chỉ dưới 3%. Tương tự, phụ nữ có tỉ lệ thiếu vận động cao hơn nam giới, với 34% so với 29%.
Nếu tình trạng này tiếp tục duy trì, tỉ lệ người thiếu vận động sẽ tăng lên 35% vào năm 2030. Với thực tế này, thế giới khó hoàn thành giảm 15% tỉ lệ thiếu vận động thể chất toàn cầu vào cuối thập kỷ này do WHO đặt ra.
Khuyến nghị khung thời gian tập thể dục
Theo khuyến nghị, để có thể chất khỏe mạnh, người trưởng thành nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho các hoạt động thể chất cường độ vừa phải, hoặc 75 phút cho các bài tập mạnh hơn. Các hoạt động này bao gồm đi bộ, đạp xe, làm việc nhà hoặc tham gia các môn thể thao.
Bên cạnh đó, WHO cũng kêu gọi các quốc gia thực hiện các biện pháp để thúc đẩy lối sống năng động, như đầu tư vào cơ sở hạ tầng thể thao cộng đồng; khuyến khích đi bộ, đạp xe và sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Báo cáo của WHO nhấn mạnh rằng việc giải quyết tình trạng thiếu vận động đòi hỏi nỗ lực chung từ cả cá nhân và chính phủ.
Bằng cách thúc đẩy lối sống năng động và tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động thể chất, thế giới có thể cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Một số nghiên cứu cho thấy, việc tập thể dục vào lúc 7 giờ sáng hoặc từ 13 đến 16 giờ chiều sẽ giúp bạn thức dậy sớm dễ dàng hơn. Nếu cần rèn luyện cơ thể để thức dậy muộn hơn vào buổi sáng, hãy thử tập thể dục trong khoảng thời gian từ 19 đến 22 giờ tối.