1.900 người thiệt mạng vì các cuộc thảm sát ở Tigray
Các nhà nghiên cứu cho biết quân lính, các nhóm bán vũ trang và lực lượng nổi dậy ở vùng Tigray, Ethiopia đã tiến hành hơn 150 vụ thảm sát, khiến gần 2.000 người thiệt mạng.
Theo dữ liệu này, nạn nhân trẻ nhất là trẻ sơ sinh trong khi nạn nhân già nhất đã ngoài 90 tuổi.
Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Ghent (Bỉ) đã điều hành mạng lưới gồm nhiều người cung cấp tin từ phía bắc Ethiopia. Từ năm 2020, họ tập trung vào tình trạng xung đột ở Tigray, thu thập thông tin từ các gia đình, truyền thông địa phương và nhiều nguồn khác.
Nghiên cứu cho thấy gần 2.000 người đã thiệt mạng trong các vụ xung đột ở vùng Tigray. Các tác giả xác định danh tính nạn nhân, sau khi tổng hợp từ hơn 2.000 cuộc điện thoại, bao gồm khoảng 100 cuộc phỏng vấn sâu với nhiều nhân chứng.
Họ cũng phát hiện thêm 7.000 nạn nhân, dựa vào thông tin từ mạng xã hội và nhiều nguồn khác.
Nghiên cứu nói trên mới được công bố hôm 2/4 trên Twitter. Đây là một trong những báo cáo công khai và đầy đủ nhất về những vụ thảm sát dân thường tại Ethiopia. Tài liệu này cũng gây áp lực lên Thủ tướng Abiy Ahmed, người từng tuyên bố tình trạng bạo lực là sự phóng đại.
Ông Tim Vanden Bempt, một trong những nhà nghiên cứu, cho biết tài liệu về vụ thảm sát vẫn chưa đạt hiệu quả tối ưu.
“Vẫn còn rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết. Có nhiều sự cố xảy ra và hiện chúng tôi chưa thể kết luận được bên nào chịu trách nhiệm”, ông nói.
Giáo sư địa lý Jan Nyssen là một trong những thành viên tiên phong của nghiên cứu. Ông đã sống và làm việc suốt nhiều thập kỷ ở Tigray. Ông miêu tả nghiên cứu này “là “một đài tưởng niệm chiến tranh”.
Ông Nyssen nói: “Không nên lãng quên những cá nhân này và phải điều tra những tội ác chiến tranh… Danh sách này thể hiện tầm quan trọng của lịch sử. Chúng tôi biết số nạn nhân vẫn còn nhiều, song chúng tôi đã biết tên và gia cảnh của hơn 1.900 người này”.
Giao tranh ở Tigray bắt đầu nổ ra vào tháng 11/2020 giữa quân đội chính phủ và đảng cầm quyền cũ của khu vực - Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray. Ethiopia bác bỏ các cáo buộc thanh trừng sắc tộc.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed cho biết quân đội của nước láng giềng Eritrea cũng tham chiến và đang ở trong khu vực.