1 câu văn trong văn bản của Bộ Giáo dục dài 25 dòng, đọc không cũng mệt

Xét về chức năng, cấu tạo của câu văn chưa hẳn là sai nhưng khi đọc 1 câu văn có đến 25 dòng giấy A4 như thế này chắc người đọc… muốn xỉu.

Hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính nhằm hướng dẫn, điều hành các công việc của toàn ngành.

Tuy nhiên, một số văn bản mà Bộ ban hành khiến cho những người đọc cảm thấy quá mệt mỏi vì có những câu văn phức tạp, dài lê thê đến nửa trang giấy, đọc mãi không hết và phải dừng lại nhiều lần mới đọc xong một câu văn.

Trong khi, theo hướng dẫn hiện hành thì văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, diễn đạt đơn giản, dễ hiểu nhưng thực tế thì nhiều văn bản khiến người đọc không “dễ hiểu” chút nào.

Mỗi năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành (Ảnh chụp màn hình từ Cổng thông tin của Bộ)

Mỗi năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành (Ảnh chụp màn hình từ Cổng thông tin của Bộ)

Một số ví dụ điển hình về văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính mà Bộ đã ban hành trong thời gian qua

Chúng ta đều biết, văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định của Pháp luật (Điều 2 - Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).

Việc soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, tại mục 6 - Nội dung văn bản hướng rất cụ thể như sau: “Nội dung văn bản là thành phần chủ yếu của một văn bản, trong đó, các quy phạm pháp luật (đối với văn bản quy phạm pháp luật), các quy định được đặt ra; các vấn đề, sự việc được trình bày.

Nội dung văn bản phải bảo đảm những yêu cầu cơ bản sau:

- Phù hợp với hình thức văn bản được sử dụng;

- Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; phù hợp với quy định của pháp luật;

- Các quy phạm pháp luật, các quy định hay các vấn đề, sự việc phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, chính xác;

- Sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu;

- Dùng từ ngữ phổ thông; không dùng từ ngữ địa phương và từ ngữ nước ngoài nếu không thực sự cần thiết. Đối với thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung thì phải được giải thích trong văn bản…”. [1]

Thế nhưng, một số Thông tư mà Bộ ban hành trong thời gian qua khiến cho người đọc đọc sái cả hàm mà vẫn chưa hết câu văn.

Chẳng hạn, Tại khoản 5- Điều 5 của Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non được trình bày như sau:

Riêng đối với các ngành đào tạo ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam thuộc nhóm ngành Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, giảng viên là người dân tộc thiểu số hoặc người có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với ngôn ngữ văn hóa dân tộc thiểu số của ngành tham gia đào tạo; đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ đại học cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ thạc sĩ (đối với giảng viên trợ giảng trong xác định chỉ tiêu đại học); đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ thạc sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong xác định chỉ tiêu đại học), được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có trình độ tiến sĩ (trong xác định chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ); đồng thời có bằng tiến sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có chức danh phó giáo sư (trong xác định chỉ tiêu đại học), được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có chức danh phó giáo sư (trong xác định chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ); đồng thời có bằng tiến sĩ và học hàm phó giáo sư cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có chức danh giáo sư (trong xác định chỉ tiêu đại học), được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có chức danh giáo sư (trong xác định chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ)”. [2]

Chúng tôi đếm câu văn này có tới 21 dòng giấy A4, có tới 4 dấu chấm phẩy (;) và sử dụng rất nhiều thành phần phụ chú ở các vế câu.

Đối với văn bản hành chính thông thường là những văn bản mang tính chất thông tin điều hành nhằm thực thi các văn bản quy phạm pháp luật hoặc dùng để giải quyết các công việc cụ thể, phản ánh tình hình giao dịch, trao đổi, ghi chép công việc của cơ quan.

Việc hướng dẫn soạn thảo, ban hành văn bản hành chính thì tại Thông tư số 01/2011/TT-BNV của Bộ Nội vụ Hướng dẫn thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính như sau:

- Phù hợp với hình thức văn bản được sử dụng;

- Phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; phù hợp với quy định của pháp luật;

- Được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, chính xác;

- Sử dụng ngôn ngữ viết, cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu;

- Dùng từ ngữ tiếng Việt Nam phổ thông (không dùng từ ngữ địa phương và từ ngữ nước ngoài nếu không thực sự cần thiết). Đối với thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung thì phải được giải thích trong văn bản…”. [3]

Thế nhưng, khi đọc Công văn số 623/BGDĐT-TTr về việc tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục được ban hành ngày 28/02/2022 thì có câu văn như thế này (chúng tôi trình bày nguyên văn):

“Kết quả thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và các cơ quan có thẩm quyền thời gian vừa qua đã phát hiện một số hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý của một số cơ quan quản lý giáo dục tại địa phương và cơ sở giáo dục: Chưa kịp thời phát hiện và xử lý triệt để vi phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm; chưa tham mưu, ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức quản lý, hướng dẫn các cơ sở thực hiện thu - chi, tài trợ, xã hội hóa theo quy định, còn có cơ sở giáo dục thực hiện việc thu - chi sai quy định; tham mưu, triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 trên địa bàn chưa đầy đủ, nhất là việc mua sắm trang thiết bị giáo dục và lựa chọn sách giáo khoa; tham mưu, ban hành văn bản chỉ đạo, tổ chức các kỳ thi trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý chưa đầy đủ; chưa kịp thời tổ chức rà soát, sắp xếp, tuyển dụng, bồi dưỡng, sử dụng, chế độ đãi ngộ đội ngũ cán bộ, viên chức ngành giáo dục tại địa phương nhất là chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; chưa kịp thời chỉ đạo, tổ chức rà soát, đánh giá công tác quy hoạch mạnh lưới trường, lớp, học sinh và công tác phổ cập giáo dục trên địa bàn; chưa thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia; chưa kịp thời chỉ đạo, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trường học, còn để xảy ra tình trạng mất an toàn trường học; việc hướng dẫn, quản lý, cấp phát văn bằng chứng chỉ chưa bám sát quy định pháp luật; chưa ban hành, hướng dẫn đầy đủ về công tác thanh tra, kiểm tra, chưa hoàn thành kế hoạch thanh tra năm học, quy trình cuộc thanh tra chưa đảm bảo, một số cuộc thanh tra không có báo cáo, kết luận, không đôn đốc xử lý sau thanh tra; trình tự giải quyết đơn thư chưa đảm bảo theo quy định, chưa kịp thời, triệt để; nơi tiếp dân chưa đảm bảo các điều kiện cần thiết theo quy định; chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng quy định về kê khai tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức...”. [4]

Xét về chức năng, cấu tạo của câu văn được trích dẫn ở trên chưa hẳn là sai nhưng khi đọc 1 câu văn có đến 25 dòng giấy A4 như thế này chắc người đọc… muốn xỉu.

Điều đặc biệt là khi đọc văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi thường thấy Bộ rất hay dùng dấu chấm phẩy để tách các bộ phận trong câu văn.

Nhưng, 1 câu văn mà có tới 10 dấu chấm phẩy như thế này thì có lẽ chỉ có trong văn bản của… Bộ Giáo dục mà thôi. Theo người viết thấy thì có rất ít văn bản được trình bày dài dòng, rườm rà như thế này.

Không nên dùng quá nhiều những câu văn phức tạp trong văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính

Là những giáo viên đang dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông, chúng tôi đã học và đang dạy cho học trò của mình viết các kiểu văn bản hàng ngày, trong đó, có văn bản hành chính.

Thực tế, đối với các dạng văn bản hành chính thì bao giờ giáo viên chúng tôi cũng hướng học trò viết bằng những câu đơn ngắn gọn. Ngôn ngữ của các loại văn bản hành chính là những từ đơn nghĩa, dễ hiểu.

Và, chúng tôi nghĩ các câu văn trong những văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính của Bộ cũng cần thiết ngắn gọn, rõ ràng để người đọc dễ hiểu, dễ cảm, dễ đối chiếu và tìm tòi những văn bản liên quan cho thuận lợi.

Tiếng Việt mình đẹp và phong phú lắm nhưng phải biết sử dụng một cách chuẩn mực, phù hợp trong từng văn cảnh thì mới thấy được cái hay, cái đẹp và sự phong phú của tiếng mẹ đẻ.

Vì thế, khi hành văn thì người viết, người soạn đừng phức tạp hóa vấn đề để 1 câu văn mà dài đến 21 hoặc 25 dòng giấy A4 như chúng tôi đã dẫn ở phần đầu bài viết này thì đọc mệt lắm.

Cho dù xét về cấu tạo của câu văn có thể nó không sai nhưng xét về hình thức, cách thể hiện 1 câu văn dài như thế là điều không cần thiết. Bởi, nó quá dài dòng, rườm rà, tạo ra sự mệt mỏi và khó chịu cho người đọc văn bản.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-lien-tich-55-2005-ttlt-bnv-vpcp-huong-dan-the-thuc-ky-thuat-trinh-bay-van-ban-a7a.html

[2] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-03-2022-tt-bgddt-217410-d1.html

[3] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Thong-tu-01-2011-TT-BNV-huong-dan-the-thuc-va-ky-thuat-trinh-bay-van-ban-118478.aspx

[4] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-623-BGDDT-TTr-2022-tang-cuong-hieu-qua-quan-ly-trong-linh-vuc-giao-duc-505562.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/1-cau-van-trong-van-ban-cua-bo-giao-duc-dai-25-dong-doc-khong-cung-met-post224907.gd