Học viện Hải quân: Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ
Những năm gần đây, đào tạo ngoại ngữ tại Học viện Hải quân được xem là hoạt động mũi nhọn trong bối cảnh quân đội đang ngày càng mở rộng hội nhập quốc tế. Mục tiêu đặt ra là sau khi ra trường, học viên phải sử dụng thành thạo ngoại ngữ, có khả năng tham gia các hoạt động hợp tác quốc phòng, đối ngoại quân sự của Quân chủng Hải quân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Để đạt được mục tiêu đó, Học viện Hải quân đã đưa ra nhiều giải pháp có tính đột phá, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại học viện.
Đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh chuyển đổi số
Xác định phương pháp giảng dạy đóng vai trò quyết định trong nâng cao chất lượng dạy học, Học viện Hải quân đã cử nhiều giảng viên tham gia hội thảo, tập huấn trong và ngoài nước nhằm cập nhật các phương pháp dạy học ngoại ngữ mới như: “Dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến” (blended teaching), “Dạy học theo tác vụ” (task-based language teaching)... Trên cơ sở những kiến thức lĩnh hội được, đội ngũ giảng viên đã tích cực nghiên cứu, thảo luận tại các hội nghị cấp khoa, cấp bộ môn để tìm ra phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện cụ thể tại đơn vị; tổ chức giảng thử, giảng mẫu để rút kinh nghiệm và hoàn thiện phương pháp dạy học. Thượng tá Đào Thị Thanh Mai - Chủ nhiệm Khoa Cơ bản - Ngoại ngữ cho biết: “Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ngoại ngữ đã được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Qua dự giờ kiểm tra, chúng tôi nhận thấy chất lượng giờ giảng đã được nâng lên rõ rệt, phương pháp dạy học mới đã tạo được sự hứng thú và lôi cuốn học viên”.
Song song với đổi mới phương pháp dạy học, học viện đã xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên ngoại ngữ có cơ cấu hợp lý, đủ về số lượng, chất lượng ngày càng cao, theo hướng chuẩn hóa. Các chương trình dạy học ngoại ngữ được xây dựng theo đúng quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và được thiết kế theo hướng cập nhật nội dung kiến thức, đổi mới phương pháp dạy và học, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Quân chủng, Quân đội. Việc đổi mới phương pháp dạy học không những góp phần quyết định đến chất lượng dạy học ngoại ngữ mà còn tạo nên phong trào học ngoại ngữ trong học viên sôi nổi, hiệu quả.
Với mục tiêu “xây dựng nhà trường thông minh”, Học viện Hải quân đã sớm triển khai chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo, giao nhiệm vụ cho Khoa Cơ bản - Ngoại ngữ xây dựng học liệu số môn ngoại ngữ (bài giảng điện tử, phim huấn luyện, từ điển song ngữ điện tử...) và đặc biệt là hệ thống dạy học ngoại ngữ trực tuyến E-learning, hệ thống thi trực tuyến hoạt động trên mạng nội bộ (LAN) của học viện... Bên cạnh đó, học viện cũng đã ưu tiên đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy và học như trang bị cho các tiểu đoàn phòng học ngoại ngữ ngay tại đơn vị để học viên có thể học tập trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Các máy tính được kết nối Internet và mạng nội bộ để giúp học viên có điều kiện khai thác tài liệu số hóa. Thượng tá Trần Thị Thúy Nga - Chủ nhiệm bộ môn Tiếng Anh cho biết: “Điều quan trọng nhất trong công tác chuyển đổi số là phải đồng bộ việc xây dựng học liệu số với chuyển đổi phương pháp dạy học, kiểm tra, quản lý lớp học, tương tác với học viên trong không gian số; qua đó giúp giảng viên và học viên phát huy tối đa khả năng tư duy, tính sáng tạo, chủ động, tích cực trong dạy và học ngoại ngữ”. Học viện cũng đã tích cực triển khai các phần mềm dùng chung trong Bộ Quốc phòng, các phần mềm chuyên ngành để giúp đội ngũ giảng viên và học viên thuận lợi trong quá trình giảng dạy, học tập tại học viện.
Tăng cường các hoạt động ngoại khóa và giao lưu, đối ngoại
Cùng với việc nâng cao chất lượng giảng dạy trên lớp, Học viện Hải quân còn triển khai nhiều mô hình hoạt động bổ trợ cho học viên học ngoại ngữ hiệu quả như: Duy trì hoạt động của câu lạc bộ ngoại ngữ ở các tiểu đoàn; tổ chức thi Olympic tiếng Anh, tiếng Nga cấp học viện; tham gia Hội thi Olympic ngoại ngữ toàn quân… Hằng năm, các tiểu đoàn, các khoa tổ chức hội thao hoặc dạ hội ngoại ngữ có mời sinh viên các trường đại học trên địa bàn tham gia, qua đó tạo không khí thi đua học tập sôi nổi cho học viên. Đặc biệt, các học viên còn được tạo điều kiện tham gia các hoạt động giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; tham gia các hoạt động đối ngoại quân sự như: Giao lưu với sĩ quan trẻ, học viên hải quân các nước trong khu vực, đón tiếp tàu hải quân các nước đến thăm Việt Nam... Thượng sĩ Nguyễn Đức Hùng - học viên lớp KH 39C, Tiểu đoàn 4, một trong những học viên được tham gia chương trình giao lưu ASEAN Plus Cadets Sail (Chương trình giao lưu tàu buồm của học viên hải quân các nước Đông Nam Á mở rộng) tại Indonesia chia sẻ: “Các hoạt động ngoại khóa và giao lưu, đối ngoại đã góp phần thúc đẩy phong trào học tập ngoại ngữ, tạo động lực phấn đấu cho học viên; đồng thời tạo cơ hội cho chúng tôi cọ xát thực tế, phát triển năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ và mở rộng hiểu biết về văn hóa, con người các nước bạn”.
Với những giải pháp nêu trên, chất lượng dạy học ngoại ngữ tại Học viện Hải quân ngày càng được nâng cao. Học viên tốt nghiệp ra trường đều đạt được trình độ theo yêu cầu. Nhiều học viên có năng lực ngoại ngữ vượt trội, đạt giải cao trong các hội thi Olympic Tiếng Anh và Tiếng Nga dành cho các nhà trường quân đội do Cục Nhà trường (Bộ Tổng Tham mưu) tổ chức. Mục tiêu quan trọng là học viên ra trường có thể vận dụng ngoại ngữ vào quá trình sử dụng, khai thác vũ khí, khí tài, trang bị một cách hiệu quả, có khả năng tự nghiên cứu học tập, phát triển trong môi trường hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.