1 lít xăng đang phải thực hiện...quá nhiều mục tiêu
Theo quy định của Nghị định 80/2023 thì doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được mua hàng từ nhiều nguồn nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai ở một số địa phương.
Sáng nay, 14-5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.
1 lít xăng phải thực hiện quá nhiều mục tiêu
Góp ý kiến tại hội thảo, ông Trịnh Quang Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết hiện nay một lít xăng khi bán ra phải thực hiện... quá nhiều mục tiêu. Ví dụ như mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, kinh tế vĩ mô, hài hòa lợi ích các bên....
“Đề nghị ban soạn thảo lược bớt những quy định quá chung chung để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nếu không khi thực hiện các doanh nghiệp rất dễ mắc lỗi” - ông Khanh nhấn mạnh.
Góp ý cụ thể, Phó chủ tịch của VINPA chỉ ra quy định về việc cơ sở kinh doanh xăng dầu, nhân viên kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.
Ông Khanh đề nghị bỏ cụm từ “nhân viên kinh doanh xăng dầu”, vì Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành thông tư 19/2023 bãi bỏ thông tư 43/2014 hướng dẫn đào tạo nghiệp vụ bảo vệ môi trường trong kinh doanh xăng dầu.
Bên cạnh đó, theo dự thảo, điều 13 quy định thương nhân bán lẻ xăng dầu được thực hiện bán lẻ xăng dầu dưới một trong ba hình thức: nhượng quyền, đại lý bán lẻ, mua xăng dầu để bán lẻ tại hệ thống của mình. Với hình thức thứ ba, ông Khanh đề nghị làm rõ doanh nghiệp có được mua hàng từ nhiều nguồn hay không? Số lượng, chất lượng chịu trách nhiệm thế nào?
Trong điều 17 quy định về quyền và nghĩa vụ của thương nhân bán lẻ, khoản 1 có quy định giá bán xăng dầu của thương nhân bán lẻ được thực hiện theo thỏa thuận giữa thương nhân bán lẻ với thương nhân đầu mối hoặc phân phối nhưng không được cao hơn giá bán quy định tại điều 33.
“Việc thỏa thuận này được hiểu thế nào? Bởi nếu là đại lý bán lẻ hoặc nhượng quyền thì giá bán theo quy định của thương nhân đầu mối/phân phối. Còn nếu mua để bán trong hệ thống của mình thì quy định giá bán lẻ như thế nào? Việc thông báo giá, kê khai giá gửi cơ quan quản lý nhà nước ra sao?” - Phó Chủ tịch VINPA thắc mắc.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ vẫn chưa được mua hàng nhiều nguồn
Phản ánh tại hội thảo, bà Trần Thụy Thùy Trâm, Giám đốc Công ty TNHH Đoan Việt, cho biết thời gian qua, Đoan Việt cùng nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở TP.HCM và cả nước nhiều lần gửi kiến nghị lên Quốc hội, Thủ tướng, Liên Bộ Công Thương - Tài chính để nêu những bất cập, khó khăn, gây gián đoạn nguồn cung xăng dầu năm 2022. Đồng thời cũng góp ý để sửa đổi, bổ sung Nghị định mới cho phù hợp với tình hình kinh doanh theo cơ chế thị trường, không để gián đoạn nguồn cung.
Cụ thể, bà Trâm cho hay hiện nay định mức kinh doanh nằm ở cơ sở tính giá từ phía đầu mối, nhưng về đến doanh nghiệp bán lẻ lại không có phần này.
“Chúng tôi đề nghị cần phân rõ định mức ở các khâu đầu mối, phân phối và bán lẻ. Trong đó chi phí cho doanh nghiệp bán lẻ phải đạt từ 6-7% và không thấp hơn 5% để doanh nghiệp bán lẻ duy trì được hoạt động kinh doanh” - bà Trâm kiến nghị.
Về việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn (tối đa ba nguồn), trong Nghị định 80/2023, áp dụng từ cuối năm 2023 đến nay đã quy định rõ. Thế nhưng có thực tế là cho đến nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM vẫn chưa thể mua hàng được từ nhiều nguồn.
“Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương cần quy định rõ trong văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn, nhằm tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo xu thế thị trường. Đồng thời xóa bỏ cơ chế độc quyền về giá, cách tính giá của các đầu mối lớn, nhằm muốn thâu tóm doanh nghiệp vừa và nhỏ” - bà Trâm chia sẻ.
AN HIỀN
Nguồn PLO: https://plo.vn/1-lit-xang-dang-phai-thuc-hienqua-nhieu-muc-tieu-post790440.html